Lý thuyết về môi trường thông tin

Một phần của tài liệu Nghiên cứu ảnh hưởng của môi trường thông tin và cơ chế quản trị công ty đến hoạt động sáp nhập và mua bán tại Việt Nam (Trang 40 - 44)

2.2.2.1. Lý thuyết thông tin bất đối xứng

Tình trạng thông tin bất đối xứng xảy ra khi các bên tham gia trong cùng một giao dịch cố tình che đậy hoặc làm sai lệch thông tin của mình, dẫn đến thông tin cung cấp ra bên ngoài không còn phải ánh chính xác giá trị của công ty và do đó làm ảnh hưởng trực tiếp đến các quyết định đầu tư của các cá nhân, tổ chức có liên

quan. Lý thuyết thông tin bất đối xứng đã được đề cập lần đầu tiên vào năm 1970, và sau đó được nghiên cứu, phát triển bởi George Akerlof, Michael Spence và Joseph Stiglitz. Lý thuyết này cho rằng chính sự bất đối xứng thông tin giữa người mua và người bán có thể dẫn tới một số kết quả đầu tư kém hiệu quả. Lý thuyết thông tin bất đối xứng ngày càng trở nên quan trọng trong nghiên cứu lĩnh vực kinh tế, tài chính nói chung, lĩnh vực M&A nói riêng. Trong hoạt động M&A, chính sự mất cân đối thông tin thể hiện thông qua thông tin thiếu minh bạch, khả năng tiếp cận thông tin của các đối tác tham gia kém đã ảnh hưởng đến thành công của thương vụ. Chẳng hạn như trong việc theo đuổi mua lại cùng một công ty mục tiêu thì công ty đi thâu tóm nào có lợi thế thông tin hơn thì sẽ có lợi thế đàm phán hơn. Hay việc định giá quá cao giá trị công ty mục tiêu dẫn đến công ty đi thâu tóm phải tốn kém chi phí trong việc đàm phán, cũng như ảnh hưởng đến sự thành công của thương vụ. Bằng chứng thực nghiệm từ nghiên cứu của Servaes (1991) ủng hộ lý thuyết thông tin bất đối xứng khi cho thấy thu nhập công bố trung bình của các công ty đi thâu tóm trong các thương vụ M&A lựa chọn phương thức thanh toán bằng tiền mặt có xu hướng cao hơn so với các thương vụ thanh toán bằng cổ phiếu. Sự bất đối xứng thông tin có thể dẫn đến việc các công ty thâu tóm ra các quyết định sai lầm liên quan quyết định tỷ lệ nắm giữ vốn, lựa chọn khu vực thâu tóm.

2.2.2.2. Lý thuyết chi phí sở hữu

Lý thuyết chi phí sở hữu đề cập đến ảnh hưởng của sự khác biệt về mức độ chi phí sở hữu đến lượng thông tin công ty công bố ra bên ngoài (Verrecchia, 1983). Lý thuyết này dựa trên cơ sở cho rằng có sự tồn tại chi phí liên quan chẳng hạn như chi phí chuẩn bị, chi phí tiết lộ thông tin, trong việc nên nắm giữ hay công bố thông tin ra bên ngoài của các nhà quản lý. Theo Verrecchia, phản ứng của nhà đầu tư đối với việc công ty giữ lại các thông tin liên quan tùy thuộc vào tỷ lệ chi phí sở hữu cao hay thấp. Các nhà đầu tư có xu hướng ít phản ánh tiêu cực với việc công ty giữ lại thông tin khi chi phí sở hữu cao, do đó lượng thông tin công ty tự nguyện công bố trên thị trường có xu hướng thấp hơn và ngược lại. Chính sự tồn tại của chi phí sở hữu đã dẫn đến việc các công ty giới hạn lượng thông tin công bố tự nguyện trên

thị trường tài chính, phản ánh thông qua mức độ trình bày thông tin trên các báo cáo tài chính. Bằng chứng đưa ra từ nghiên cứu của Leuz và cộng sự (2003) ủng hộ lý thuyết chi phí sở hữu, xác nhận rằng các công ty tự nguyện cung cấp một phần dữ liệu kinh doanh khi chi phí sở hữu thấp, rào cản gia nhập thị trường cao. Liên quan đến hoạt động M&A, các công ty mục tiêu sẽ giảm thiểu lượng thông tin cung cấp ra bên ngoài khi mà thông tin này đe dọa đến vị thế cạnh tranh hoặc sự tồn tại của công ty trên thị trường, đặc biệt khi muốn né tránh các thương vụ thâu tóm mang tính thù địch hoặc các thương vụ thâu tóm toàn bộ. Các nhà quản lý đưa ra quyết định công bố thông tin nhiều hay ít phụ thuộc vào ảnh hưởng của quyết định đó đến giá của tài sản rủi ro (Verrecchia, 1983). Hay nói cách khác, việc cân nhắc giữa lợi ích đạt được và rủi ro xảy ra khi cung cấp thông tin ra bên ngoài hoặc giữ lại một phần thông tin là nội dung quan trọng cần phải được đặt lên hàng đầu trước khi đưa ra quyết định công bố thông tin. Nghiên cứu của Ellis và cộng sự (2012) cho thấy chi phí sở hữu là nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến việc công ty lựa chọn công bố thông tin liên quan đến thông tin khách hàng lớn ra bên ngoài. Nói tóm lại, chính vì sự tồn tại chi phí sở hữu đã dẫn đến tình trạng thiên lệch về thông tin giữa các bên liên quan.

2.2.2.3. Lý thuyết tín hiệu

Khi xảy ra bất đối xứng thông tin, một nhóm nhà giao dịch sẽ nắm giữ nhiều thông tin nội bộ hơn so với những nhà đầu tư khác. Với lợi thế của thông tin nắm giữ, những người này có thể dự đoán xu hướng giá cổ phiếu công ty hoặc hành động vì lợi ích cá nhân. Nghiên cứu của Spence (2002) cho rằng Lý thuyết tín hiệu giúp giảm bất đối xứng thông tin giữa những người nắm giữ nhiều thông tin và những người có ít thông tin. Thông qua việc công bố thông tin công khai thì những người truyền đạt (nhà quản lý) sẽ phải lựa chọn các thông tin để công bố ra bên ngoài, trong khi các cổ đông và các đối tác liên quan có thể nhận và phân tích các thông tin này trước khi đưa ra các quyết định đầu tư cá nhân của mình. Chẳng hạn, các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm đến thông tin của các công ty niêm yết công bố thông qua báo cáo tài chính, bản cáo bạch, báo cáo thường niên, báo cáo quản trị kết

hợp diễn biến thị trường, hoạt động ngành trước khi đưa ra quyết định lựa chọn cổ phiếu đầu tư, thông tin càng minh bạch càng góp phần cải thiện tính thanh khoản cổ phiếu (Amihud và cộng sự, 2005). Aerts và cộng sự (2013) cho rằng thị trường phụ thuộc cả vào hành vi của các nhà quản lý và các kết quả được công bố có thể được hình thành từ các kỳ vọng riêng của họ khi thiếu thông tin. Tín hiệu về thu nhập là một trong những vấn đề đặc biệt quan tâm của phần lớn giới đầu tư khi tìm hiểu một mục tiêu trên thị trường tài chính. Mức độ minh bạch thu nhập phản ánh mức độ bất đối xứng thông tin về thu nhập giữa các bên liên quan. Mức độ minh bạch thu nhập chi phối quyết định mua thông tin của nhà đầu tư tùy thuộc vào chi phí mua lại biên mà họ dự kiến, do đó tác động đến lượng thông tin nắm giữ giữa các nhà đầu tư. Nghiên cứu của Barth và cộng sự (2013) xác nhận mức độ minh bạch thu nhập của các công ty có mối tương quan ngược chiều với chi phí sử dụng vốn. Mặt khác, minh bạch thu nhập thấp nhiều khả năng tác động đến tâm lý của nhà đầu tư, xuất phát từ lo ngại gia tăng rủi ro tiềm ẩn. Xuất phát từ sự khác biệt về mức độ thông tin nắm giữ đã dẫn đến việc các đối tác tham gia quá trình đầu tư phải cân nhắc trong việc đưa ra quyết định nắm giữ vốn. Việc cung cấp các tín hiệu thông qua cơ chế công bố thông tin từ phía công ty, các bên liên quan có thể phân tích được tình hình hoạt động kinh doanh cũng như nhận thấy được sự khác biệt giữa các công ty về triển vọng và định hướng phát triển trong tương lai. Ahmed và cộng sự (1999) chỉ ra các công ty có cơ hội tăng trưởng cao có xu hướng sử dụng quản trị lợi nhuận như là một công cụ để đưa ra các tín hiệu của các cơ hội đầu tư này ra thị trường.

Trong lĩnh vực M&A, các công ty đi thâu tóm phải tốn rất nhiều thời gian và chi phí để tìm kiếm và đạt được thỏa thuận đàm phán với công ty mục tiêu. Hiệu quả của tín hiệu được xem là một trong những cách thức để giảm thiểu những rủi ro trong việc lựa chọn công ty mục tiêu hiệu quả, chẳng hạn như chi phí tìm kiếm đối tác, chi phí đánh giá giá trị đối tác... Chính vì vậy, các tín hiệu cung cấp ra thị trường liên quan đến công ty mục tiêu như nguồn lực, triển vọng phát triển, trình độ quản lý...đóng vai trò quan trọng trong việc giúp các công ty đi thâu tóm có thể cân

nhắc đầu tư, nhằm giảm thiểu rủi ro trong quá trình theo đuổi mục tiêu chiến lược. Các công ty có cơ chế quản lý kém có nhiều khả năng trở thành mục tiêu bị theo đuổi trong các thương vụ M&A (Jensen, 1986; Jensen và Ruback, 1983). Nghiên cứu thực nghiệm của Reuer và Ragozzino (2012) nhận thấy đầu tư mạo hiểm và việc liên kết của công ty IPO với ngân hàng đầu tư có uy tín là các tín hiệu quan trọng và có giá trị, ảnh hưởng đến quyết định mua lại của các chủ thể đầu tư. Bên cạnh đó, các tín hiệu đưa ra từ quá trình đàm phán thương vụ cũng sẽ tác động đến việc định giá lại cổ phần của công ty mục tiêu, nhiều khả năng có thể gia tăng giá trị công ty mục tiêu trong thương vụ. Việc kết hợp các tín hiệu trong việc đưa ra quyết định M&A cùng với kinh nghiệm trong thị trường M&A giúp các công ty đi thâu tóm có thể đánh giá thông tin một cách hiệu quả, mở rộng phạm vi lựa chọn mục tiêu đầu tư ra khỏi phạm vi biên giới quốc gia, cũng như đưa ra các quyết định đầu tư chiến lược phù hợp.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu ảnh hưởng của môi trường thông tin và cơ chế quản trị công ty đến hoạt động sáp nhập và mua bán tại Việt Nam (Trang 40 - 44)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(196 trang)