Ở Việt Nam, nghề nuôi ong đã được khai thác và nuôi từ lâu đời. Ngay từ thế kỷ thứ 8, Thượng thư phụ trách về nông nghiệp Phạm Lê đã viết tài liệu bằng chữ Hán về kỹ thuật nuôi ong. Lê Quý Đôn thế kỷ XVIII đã có một số nhận xét về đặc điểm sinh học của đàn ong. Trải qua quá trình tích lũy kinh nghiệm và cải tiến kỹ thuật, nghề nuôi ong Việt Nam đã dần dần được phát triển từ đơn giản đến hoàn thiện như ngày nay.
Người Việt Nam đã có thói quen đi lấy mật, săn ong từ rất lâu dựa vào kinh nghiệm qua nhiều đời được truyền lại, họ khai thác những loại mật khác nhau như ong ruồi Apis florea, ong nội Apis cerana, ong khoái Apis dorsata, ong đá Apis laboriosa. Giống ong nội Apis cerana rất phổ biến trong tự nhiên, có ở khắp đất nước, thường làm tổ ở nơi kín như trong hốc cây, hốc đá, trong
các hang, đôi khi cả trong tổ mối. Dựa vào kinh nghiệm thực tế và đặc điểm tự nhiên của ong nội, các kiểu nuôi ong dần được hình thành và không ngừng được cải tiến từ kiểu đõ nằm ngang chuyển sang kiểu đõ đứng rồi đõ đứng có thanh xà di động và các kiểu thùng cải tiến có khung cầu di động như ngày nay. Khi áp dụng nuôi ong trong thùng cải tiến có khung cầu di động cho phép sử dụng thùng quay và dùng tầng chân nhân tạo gắn vào khung cầu, làm nền cho ong xây nên các bánh tổ đã làm năng suất mật tăng lên đáng kể. Việc áp dụng những tiến bộ khoa học đã làm cho năng suất mật trung bình/đàn/năm được tăng lên, từ chỗ chỉ đạt 2-5 kg/đàn/năm đến nay đã tăng lên 15kg/đàn/năm.[2]
Nhân dân ta đã biết nuôi ong từ lâu, việc nuôi ong Apis cerana ở các tỉnh phía Bắc sớm phát triển, phương pháp nuôi không ngừng được cải tiến từ đõ nằm sang đõ đứng có cầu di động. Trong khai thác sản phẩm đã biết chỉ cắt một phần mật, còn phần trứng và ấu trùng thì buộc lại xà cầu cho ong tiếp tục sinh sản và làm mật. Ở các tỉnh Trung Du Miền Núi, nhân dân có kinh nghiệm bắt ong rừng về nuôi. Nhưng việc nuôi ong của nước ta trước năm 1960 chủ yếu là nuôi theo kiểu dã sinh, đàn ong tự sinh, tự diệt, lấy mật theo kiểu cắt bánh tổ vắt lấy mật nên năng suất thấp, chỉ khoảng 2-3 kg/đàn/năm. Sau vụ mật, đàn ong bốc bay có nơi tới 90%.[1]
Từ sau những năm 60 đến nay, kỹ thuật nuôi ong ở nước ta có nhiều tiến bộ. Đàn ong được nuôi trong kiểu thùng cải tiến của Trung Quốc, sử dụng thùng quay li tâm để quay mật, sản xuất ra chân tầng nhân tạo nên năng suất mật cao, bình quân gấp 5-7 lần so với trước. Ngoài mật ong, người dân còn biết khai thác sữa chúa, phấn hoa, keo ong và sáp ong. Các biện pháp kỹ thuật ngày càng tiến bộ như tạo chúa nhân tạo, chia đàn nhân tạo, chọn lọc, nhân giống được áp dụng rộng rãi. Đã phát hiện được nhiều bệnh hại ong và có biện pháp khắc phục có hiệu quả.