8. Kết cấu luận văn
1.2.5. Rủi ro trong hoạt động TTQT tại các ngân hàng thương mại
Rủi ro được hiểu là những việc xảy ra ngoài ý muốn chủ quan của con người, đem lại những hậu quả không thể dự đoán trước được. Hoạt động TTQT liên quan đến các giao dịch thương mại quốc tế, khoảng cách địa lý xa cùng với sự khác biệt về văn hóa kinh doanh, luật pháp,… giữa các bên đối tác tham gia vào quá trình thanh toán đã làm tăng tính rủi ro trong quá trình thanh toán.
1.2.5.1. Rủi ro tín dụng
Rủi ro tín dụng là rủi ro mất khả năng thanh toán của một trong các bên tham gia vào thanh toán đặc biệt trong phương thức tín dụng chứng từ.
Rủi ro do nhà nhập khẩu bị vỡ nợ, phá sản mất khả năng thanh toán, điều này sẽ gây khó khăn, tổn thất cho nhà xuất khẩu và NH phát hành L/C. Rủi ro do nhà xuất khẩu xảy ra trong trường hợp NH đã thực hiện chiết khấu chứng từ đối với hàng xuất khẩu nhưng có những sai sót trong khâu kiểm tra chứng từ, làm cho hồ sơ thanh toán bị từ chối thanh toán và nhà xuất khẩu mất khả năng thanh toán đối với khoản chiết khấu. Tất yếu khoản thiệt hại này NH chiết khấu của nhà xuất khẩu phải gánh chịu hoàn toàn.
Rủi ro ngân hàng phát hành xảy ra khi ngân hàng phát hành bị vỡ nợ, mất khả năng thanh toán dẫn đến rủi ro cho ngân hàng chiết khấu và người xuất khẩu.
1.2.5.2. Rủi ro đạo đức
Rủi ro đạo đức là những rủi ro xảy ra khi một bên tham gia cố tình không thực hiện đúng nghĩa vụ của mình gây thiệt hại tới quyền lợi của người khác.
Rủi ro đạo đức từ phía nhà nhập khẩu: Trong quan hệ ngoại thương sự tin tưởng và thiện chí giữa người mua và người bán được xem là yếu tố quan trọng đảm bảo cho sự an toàn của TTQT. Khi người nhập khẩu không thiện chí cố ý không muốn thực hiện hợp đồng thì họ có thể dựa vào sai sót cho dù là rất nhỏ của BCT để đòi giảm giá, kéo dài thời gian để chiếm dụng vốn của người bán, thậm chí từ chối thanh toán đẩy ngân hàng vào tình thế khó khăn.
Rủi ro đạo đức từ nhà xuất khẩu: Nhà xuất khẩu cố ý giao hàng hóa không phù hợp với hợp đồng hoặc không giao hàng nhưng vẫn xuất bộ chứng từ hoàn hảo phù hợp với các điều kiện, điều khoản L/C, hợp đồng đã ký kết. Ngân hàng vẫn phải thanh toán cho người bán hàng theo hồ sơ chứng từ hợp lệ. Vì việc thanh toán của
NH cho người thụ hưởng chỉ căn cứ vào BCT xuất trình mà không căn cứ vào việc kiểm tra hàng hóa. Nhà nhập khẩu mất tiền hàng, phải trả thêm khoản phí NH cho các phát sinh như bảo lãnh nhận hàng trong trường hợp lô hàng đến trước BCT trong đó có vận đơn là chứng từ sở hữu hàng hóa, chưa có vận đơn thì hàng hóa không được giải tỏa, nếu không nhận hàng theo quy định thì nhà nhập khẩu có thể phải bồi thường khoản tiền giữ tàu quá hạn,…
Rủi ro đạo đức từ phía người chuyên chở: Xảy ra trong trường hợp người bán hàng giao hàng cho người chuyên chở nhưng bị họ lừa đảo, nhận hàng lấy tiền rồi biến mất hoặc bán mất hàng. Hàng hóa không đến tay người mua mặc dù người bán đã thanh toán đầy đủ chi phí vận chuyển. Hoặc người chuyên chở tinh vi rút ruột, tráo đổi hàng hóa mà người bán giao cho người mua trong quá trình vận chuyển để trục lợi, làm tổn hại sự tin tưởng giữa người mua và người bán, tổn hại uy tín của người bán và gây thiệt hại cho người mua.
Rủi ro đạo đức từ phía ngân hàng: Trong trường hợp ngân hàng phát hành trì hoãn hoặc từ chối thanh toán BCT cho nhà xuất khẩu. Hoặc đối với sự thiếu trung thực của NH chiết khấu, NH phát hành tin tưởng thanh toán sẽ gặp rủi ro. Trong trường hợp NH là người gánh chịu rủi ro đạo đức, NH phát hành phải thực hiện thanh toán cho người hưởng lợi theo quy định của L/C ngay cả khi nhà nhập khẩu chủ tâm không hoàn trả. Hoặc trong trường hợp NH là người gây ra rủi ro đạo đức, NH mở L/C có thể vi phạm cam kết của mình như từ chối thanh toán hoặc trì hoãn thanh toán hoặc đứng về phía khách hàng gây khó khăn trong quá trình thanh toán. Nguyên nhân gây ra rủi ro đạo đức là do thông tin không đầy đủ, không cân xứng. Sự tách biệt giữa thanh toán theo hồ sơ và hàng hóa trên thực tế.
1.2.5.3. Rủi ro quốc gia
Đó là những rủi ro liên quan đến sự thay đổi về chính trị, chính sách kinh tế, quản lý ngoại hối của một quốc gia khiến cho nhà xuất khẩu không nhận được tiền, nhà nhập khẩu không nhận được hàng hóa.
Các nguyên nhân gây ra các biến cố chính trị, kinh tế xã hội: mâu thuẫn sắc tộc, tôn trọng, các cuộc xung đột thông qua đình công, biểu tình, chiến tranh bạo động,... Hoặc cán cân thanh toán của một nước bị thâm hụt nặng nề buộc chính phủ của nước đó phải thay đổi chính sách quản lý ngoại hối và chính sách ngoại thương,…
1.2.5.4. Rủi ro pháp lý
Hoạt động TTQT chủ yếu dựa vào các thông lệ và tập quán quốc tế. Song ngoài các thông lệ quốc tế còn có pháp luật của mỗi quốc gia để tạo nên một hành lang pháp lý đầy đủ cho hoạt động thanh toán quốc tế ở nước đó. Pháp luật ở các quốc gia thông thường là tôn trọng các thông lệ quốc tế và ít mâu thuẫn nhưng trên thực tế rất khó để luật pháp không có sự mâu thuẫn hoặc chồng chéo hoàn toàn chỉ là cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất có thể. Vì vậy, vấn đề am hiểu pháp luật của quốc gia đối tác là rất cần thiết nhưng không hề dễ dàng và rủi ro pháp lý là khó tránh khỏi.
1.2.5.5. Rủi ro hối đoái
Tiền tệ để thanh toán trong hoạt động TTQT thông thường được thỏa thuận bằng các đồng ngoại tệ mạnh, ổn định. Tuy nhiên tỷ giá hối đoái luôn biến động theo cung cầu của thị trường và tổn thất bởi sự biến động tỷ giá là khó tránh khỏi đối với các chủ thể trong quá trình thanh toán. Đồng tiền thanh toán có thể bị mất giá trị hoặc tăng giá quá nhanh, trong từng trường hợp bên xuất khẩu hoặc nhập khẩu đều có thể được lợi hoặc chịu thiệt hại. Vì thế, mỗi khách hàng đều mong muốn ngân hàng của mình có biện pháp phòng tránh rủi ro hối đoái khi họ nhận được một khoản thu nhập hay phải thanh toán một khoản ngoại tệ nào đó. Tuy nhiên, không phải chỉ có khách hàng mới đối mặt với rủi ro về hối đoái mà chính những NHTM cũng phải đối mặt với loại rủi ro này khi cung cấp dịch vụ TTQT cho khách hàng.
Rủi ro hối đoái thường xuất hiện trong lĩnh vực hoạt động thanh toán quốc tế của NHTM khi các NH: Cho khách hàng vay bằng ngoại tệ; Phát hành giấy tờ giấy nợ bằng ngoại tệ để huy động thêm vốn (phát hành chứng chỉ tiền gửi); Mua chứng khoán có mệnh giá bằng ngoại tệ; Thực hiện các giao dịch về ngoại tệ cũng như đáp ứng các nhu cầu về ngoại tệ của khách hàng.
1.2.5.6. Rủi ro tác nghiệp
Rủi ro phát sinh do những sai sót mang tính kỹ thuật trong quá trình thanh toán như có sự khác biệt trong BCT thanh toán với nội dung của L/C.
Rủi ro khi không tuân thủ chế độ bảo mật trong quản lý, sử dụng thiết bị và mật mã dùng trong TTQT.