8. Kết cấu luận văn
2.3.3. Nguyên nhân của những hạn chế
2.3.3.1. Các nguyên nhân khách quan
- Năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát toàn cầu đặc biệt là tại Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước Châu Âu, là thị trường xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam. Vấn đề hạn mặn ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ tác động tiêu cực tới tình hình sản xuất kinh doanh của các Doanh nghiệp trong nước, ảnh hưởng tới nguồn cung hàng hóa.
Bên cạnh đó, các cửa khẩu biên giới đều bị đóng cửa hoặc hạn chế giao thương, tăng cường kiểm dịch hàng hóa dẫn tới doanh số thanh toán biên giới giảm mạnh. Dịch Covid-19 khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng, đặc biệt là khách hàng truyền thống gặp nhiều khó khăn, bị ngừng trệ, thu hẹp hoặc giải thể, các khách hàng có hoạt động xuất, nhập khẩu gặp nhiều khó khăn do các đơn hàng nước ngoài bị hủy/hoãn đặc biệt là các khách hàng hoạt động giao dịch nhiều với Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc, Mỹ, ảnh hưởng tới chuyển tiền du học, xuất khẩu lao động, xuất nhập khẩu hàng hóa ...
- Sự cạnh tranh thu hút khách hàng xuất, nhập khẩu của các NHTM khác ngày càng gay gắt với gói sản phẩm khuyến khích khách hàng xuất khẩu thường xuyên, lãi suất thấp, miễn phí chuyển tiền trong nước, miễn phí TTQT.
- Kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam tăng chủ yếu từ nhóm doanh nghiệp FDI (chiếm tỷ trọng gần 70% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu), trong khi đó, số lượng khách hàng FDI của Agribank quá ít nên thị phần vẫn đang tiếp tục suy giảm.
- Cơ cấu ngành hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam chủ yếu là linh kiện, máy móc, đồ dùng điện tử. Trong khi đó, cơ cấu ngành hàng xuất nhập khẩu thanh toán qua Agribank chủ yếu hạn chế ở những mặt hàng truyền thống như nông lâm thủy sản, giá trị xuất nhập khẩu không lớn (xuất khẩu thủy sản chỉ chiếm trung bình khoảng 5% tổng thị phần xuất nhập khẩu cả nước, chiếm 13% tỷ trọng trong tăng trưởng GDP năm 2019).
- Các chi nhánh khu vực biên giới gặp khó khăn trong việc chuyển đổi CNY sang USD để chuyển về nước và chính sách của Trung Quốc thay đổi, thắt chặt, dẫn đến khó khai thác nguồn ngoại tệ từ phía NHTM của Trung Quốc nên chi nhánh chưa chủ động được nguồn vốn thanh toán cho khách hàng, tỷ giá thiếu tính cạnh tranh khi phải thực hiện mua nguồn CNY từ các ngân hàng khác hệ thống. Chính sách thanh toán với Trung quốc không ổn định, một số thay đổi chính sách quản lý thắt chặt như: áp thuế cao đối với một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Bên cạnh đó, thời gian trước, Agribank không được mở tài khoản CNY tại nước
ngoài để điều tiết đồng CNY nên tỷ giá không cạnh tranh. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc năm 2018 sụt giảm mạnh so với năm 2017.
2.3.3.2. Các nguyên nhân chủ quan
- Khả năng cạnh tranh của Agribank trong thu hút khách hàng pháp nhân hạn chế. Năm 2020, số lượng khách hàng pháp nhân của Agribank là 546.646, trong đó chỉ có 5.845 khách hàng pháp nhân sử dụng dịch vụ TTQT và 1.809 khách hàng pháp nhân sử dụng dịch vụ TTQT và vay vốn tại Agribank. Bên cạnh đó, tỷ lệ dư nợ khách hàng pháp nhân trên tổng dư nợ của Agribank trong giai đoạn 2016-2018 thấp và giảm dần qua các năm (chỉ chiếm từ 29,7-33,2%) và đến 31/8/2019 là 29,2%. Số lượng khách hàng pháp nhân qua các năm như sau: 2016: 62.096 khách hàng với dư nợ 225.601 tỷ đồng; 2017: 57.036 khách hàng với dư nợ 248.737 tỷ đồng; 2018: 56.849 khách hàng với dư nợ 278.496 tỷ đồng; 2019: 55.533 khách hàng với dư nợ 295.849 tỷ đồng. Số lượng khách hàng pháp nhân tại Agribank thấp so với các NHTM lớn là Vietcombank, BIDV, Vietinbank. Kim ngạch XNK của Việt Nam tăng chủ yếu từ nhóm doanh nghiệp FDI, trong khi đó, khách hàng của Agribank chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Do vậy, với nhiều chính sách đã ban hành, tín dụng khách hàng doanh nghiệp đã bước đầu cải thiện, doanh số thanh toán quốc tế và thu dịch vụ đã có sự tăng trưởng, tuy nhiên về thị phần vẫn chưa được cải thiện. Doanh nghiệp là đối tượng chủ yếu sử dụng dịch vụ Thanh toán quốc tế tuy nhiên tính đến 31/12/2020, tỷ lệ cho vay pháp nhân của Agribank thấp nhất trong 4 Ngân hàng lớn nhất Việt Nam (tỷ lệ cho vay pháp nhân trên tổng dư nợ của VietinBank là 69,68%; BIDV là 64,55% và Vietcombank là 54,28%) dẫn tới doanh số TTQT thấp.
- Kim ngạch XNK của Việt Nam tăng chủ yếu từ nhóm doanh nghiệp FDI, trong khi đó, khách hàng FDI sử dụng dịch vụ TTQT của Agribank chỉ chiếm khoảng 21% trong tổng số khách hàng pháp nhân sử dụng dịch vụ TTQT và chỉ có khoảng một nửa số khách hàng FDI sử dụng dịch vụ TTQT vay vốn tại hệ thống. Cơ chế chính sách Agribank chưa có sự phân công chuyên trách khối khách hàng FDI, chưa có các chính sách đồng bộ cho KH FDI như lãi suất, tỷ giá, phí dịch vụ…, chưa phát triển sản phẩm về Internet Banking đáp ứng đầy đủ yêu cầu của
khách hàng FDI, hạn chế trong khả năng và trình độ ngoại ngữ cán bộ tiếp cận và tư vấn doanh nghiệp FDI. Bên cạnh đó, khách hàng FDI có xu hướng sử dụng dịch vụ từ TCTD nước ngoài, đặc biệt là các TCTD cùng quốc gia với doanh nghiệp hoặc có địa điểm giao dịch trong Khu công nghiệp. Việc tiếp cận các doanh nghiệp FDI tại ngân hàng vẫn còn nhiều khó khăn do các doanh nghiệp này chủ yếu được các công ty mẹ ở nước ngoài chỉ định sử dụng dịch vụ tại một ngân hàng nước ngoài ở Việt Nam; ngân hàng không thể tiếp cận được với công ty mẹ ở nước ngoài để thỏa thuận hợp tác; do chưa có cơ chế, chính sách rõ ràng để hướng dẫn chi nhánh thẩm định khách hàng FDI…
- Cơ cấu ngành hàng xuất nhập khẩu: Cơ cấu ngành hàng xuất nhập khẩu thanh toán qua Agribank chủ yếu hạn chế ở những mặt hàng truyền thống như nông lâm thủy sản, giá trị xuất nhập khẩu không lớn (xuất khẩu thủy sản chỉ chiếm trung bình khoảng 5% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước). Phương thức thanh toán XNK trong hệ thống Agribank chủ yếu là chuyển tiền. Phương thức này phí dịch vụ thấp hơn phương thức L/C và nhờ thu.
- Agribank chậm thực hiện phân loại và áp dụng chính sách ưu đãi cho từng phân khúc khách hàng cụ thể, đặc biệt là khách hàng VIP (các khách hàng có giá trị giao dịch lớn, giao dịch thường xuyên vẫn phải mua ngoại tệ với mức giá như khách hàng bình thường). Agribank chưa có chính sách quản lý khách hàng tập trung và phân loại khách hàng; chưa ban hành các chính sách và gói sản phẩm riêng biệt đối với từng khách hàng nên gặp khó khăn trong việc tiếp cận, thu hút khách hàng sử dụng sản phẩm, dịch vụ của Agribank. Agribank chưa có tiêu chí phân khúc khách hàng cụ thể, do vậy chưa xây dựng được chính sách khách hàng phù hợp; chưa có cơ chế, chính sách ổn định, dài hạn, đồng bộ về lãi suất, tỷ giá và phí cho khách hàng pháp nhân cũng như chưa có chiến lược để tiếp cận và phát triển khối khách hàng FDI - được coi là động lực cho tăng trưởng triển kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam. Công tác tiếp thị, bán chéo sản phẩm còn yếu, chương trình quảng cáo TTQT chưa được đầu tư, chính sách tiếp thị khách hàng TTQT chưa tổng thể và đồng bộ với nghiệp vụ khác.
- Hoạt động TTQT, KDNT chủ yếu tập trung tại 3 thành phố Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng… nhưng tình hình kinh doanh của các chi nhánh trên địa bàn này gặp nhiều khó khăn, mức độ cạnh tranh gay gắt. Trong khi đó, các chi nhánh tại địa bàn khác có tình hình kinh doanh tốt nhưng hoạt động TTQT, KDNT chiếm tỷ trọng thấp.
- Nguồn vốn ngoại tệ của Agribank giảm dần, khó cạnh tranh với các NHTM khác trong thu hút khách hàng nhập khẩu. Nguồn vốn ngoại tệ của Agribank có xu hướng giảm do chính sách của NHNN về lãi suất huy động ngoại tệ và chủ trương giảm dần tình trạng đôla hóa. Trong khi đó, các Chi nhánh ngân hàng nước ngoài, ngân hàng cổ phần có các cổ đông nước ngoài áp dụng nhiều hình thức khuyến mại, giảm lãi suất cho vay, giảm phí TTQT nên có ưu thế hơn Agribank.
- Các quy định, quy trình về phòng chống rửa tiền, tội phạm tài chính, khủng bố, tham nhũng của Agribank còn chưa thống nhất, các công cụ quản lý đang xây dựng và chưa đáp ứng yêu cầu nên việc tuân thủ gặp nhiều khó khăn, thời gian xử lý các yêu cầu liên quan của đối tác lâu, kéo dài, ảnh hưởng đến quan hệ hợp tác của Agribank.
- Một số chi nhánh chưa chú trọng đến phát triển khách hàng pháp nhân hoặc đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ KDNH, một số cán bộ TTQT phải kiêm nhiệm nhiều nghiệp vụ khác nên khả năng tìm kiếm, tiếp cận, mở rộng khách hàng sử dụng sản phẩm dịch vụ ngoại hối hạn chế...
- Đội ngũ nhân sự làm nghiệp vụ TTQT: Trình độ cán bộ làm việc trong lĩnh vực TTQT hiện bộc lộ những điểm yếu so với các NHTM khác. Tỷ lệ cán bộ có trình độ TTQT chuyên sâu thấp. Tại một số chi nhánh, cán bộ TTQT phải kiêm nhiệm nhiều nghiệp vụ khác nhau và không được đào tạo chuyên sâu về nghiệp vụ, dẫn đến khả năng chuyên môn thấp, không nhạy bén với thị trường, không có thời gian để tìm kiếm, tiếp cận, mở rộng khách hàng sử dụng sản phẩm dịch vụ ngoại hối của Agribank. Ngoài ra, đội ngũ cán bộ KDNH tại chi nhánh không ổn định, thường xuyên phải luân chuyển, chưa có tính kế thừa nên công tác tư vấn cho khách hàng còn hạn chế.
- Thiếu sự liên kết giữa các sản phẩm dịch vụ (tín dụng - tài trợ thương mại - TTQT), hạn chế trong việc ban hành gói sản phẩm đồng bộ (cho vay, bảo lãnh, TTQT, mua bán ngoại tệ...) đối với khách hàng pháp nhân. Các sản phẩm tài trợ thương mại thường gắn kết chặt chẽ với hoạt động cấp tín dụng, trong khi đó các sản phẩm tín dụng của Agribank còn chưa đa dạng, chủ yếu phục vụ cho vay vốn lưu động nên khi triển khai các sản phẩm dịch vụ khác như bảo lãnh ngân hàng, mở thư tín dụng, chiết khấu… còn gặp một số vướng mắc và bất cập do khách hàng chưa được cấp hạn mức, cấp hạn mức thiếu, hoặc thời hạn còn lại của hạn mức tín dụng không đủ để thực hiện giao dịch phải chờ phê duyệt hạn mức tín dụng mới.
- Mô hình TTQT tại Agribank hiện nay là mô hình phân tán nên không tập trung được các chuyên gia giỏi, lãng phí nguồn lực, thời gian xử lý giao dịch thường chậm, phát sinh nhiều rủi ro trong quá trình tác nghiệp...
KẾT LUẬN CHƯƠNG 2
Dựa trên những cơ sở lý luận ở Chương 1, Chương 2 tác giả đã đi sâu vào nghiên cứu thực trạng hoạt động TTQT trong hệ thống Agribank trong thời gian vừa qua.
Trong chương 2, tác giả đã khái quát về sự thành lập và phát triển của Agribank, nêu thực trạng hoạt động TTQT, rủi ro trong hoạt động TTQT, đánh giá sự tương quan giữa TTQT với các nghiệp vụ ngân hàng khác như kinh doanh ngoại tệ, tín dụng, chiết khấu, bảo lãnh từ đó thấy được sự hỗ trợ và tầm quan trọng của TTQT với các nghiệp vụ này.
Phân tích được những thuận lợi và khó khăn ảnh hưởng đến TTQT của Agribank. Đánh giá về những thành tựu và những mặt còn hạn chế trong hoạt động TTQT của hệ thống Agribank trong thời gian qua, từ đó làm cơ sở đề xuất những giải pháp phát triển hoạt động TTQT tại Agribank trong thời gian tới.
CHƯƠNG 3. GIẢI PHÁP NHẰM TĂNG CƯỜNG PHÁT TRIỂN HOẠT ĐỘNG TTQT CỦA AGRIBANK