6. Kết cấu của luận văn
1.3.2. Các nhân tố thuộc về khách hàng vay vốn
Một là, Tư cách đạo đức của người đi vay: Trong quan hệ tín dụng, muốn có hiệu quả cao đòi hỏi phải có sự hợp tác từ cả hai phía: người cho vay và người đi vay. Khách hàng là người nắm quyền chủ động trong việc sử dụng các khoản vay trong phạm vi những cam kết với ngân hàng. Khách hàng cũng là người cung cấp cho ngân hàng những thông tin trong quá trình trước, trong và sau khi vay. Nếu khách hàng cung cấp những thông tin sai lệch hoặc sử dụng vốn vay không đúng mục đích so với phương án mà ngân hàng đã xét duyệt thì sẽ gây ra những hậu quả khó lường. Ngoài ra nếu như khách hàng không có thiện chí thì sẽ rất khó khăn cho ngân hàng trong việc thu hồi nợ. Bởi vậy, việc thẩm định và phân tích cẩn thận các yếu tố có liên quan đến tính trung thực và uy tín của người đi vay, việc giám sát chặt chẽ sau khi cho vay sẽ là biện pháp hữu hiệu góp phần nâng cao chất lượng tín dụng của ngân hàng, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của khách hàng và ngân hàng từ đó ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng ngân hàng.
Hai là, Năng lực của khách hàng: Năng lực khách hàng là nhân tố quan trọng trong việc quyết định đến khách hàng có khả năng quản lý và sử dụng vốn vay có hiệu quả hay không? Điều này ảnh hưởng đến cả ngân hàng và khách hàng trong quá trình thu hồi các khoản nợ vay đến hạn.
Để đảm bảo chất lượng tín dụng trong hoạt động của ngân hàng, việc đánh giá năng lực của khách hàng có thể theo nhiều tiêu chí trong đó thường đề cập đến các tiêu chí sau:
- Năng lực tài chính: Năng lực tài chính của khách hàng thể hiện ở khối lượng vốn tự có, tỷ trọng vốn tự có trong tổng nguồn vốn, ở tính thanh khoản của tài sản, ở khả năng thanh toán ngắn hạn, thanh toán nhanh của doanh nghiệp. Năng lực tài chính biểu hiện khả năng độc lập tự chủ của doanh nghiệp, do đó năng lực tài chính càng cao càng thuận lợi cho ngân hàng trong việc thu hồi nợ từ đó đảm bảo chất lượng tín dụng. Chẳng hạn với những doanh nghiệp có vốn tự có ít, nhiệm vụ sản xuất kinh doanh lớn, vốn vay quá nhiều thì doanh nghiệp không có khả năng tự chủ về tài chính, bị động trong sản xuất kinh doanh. Còn đối với những doanh nghiệp lớn, trang bị thiết bị hiện đại, có thị trường rộng, sức cạnh tranh cao thì khả năng hoàn trả các khoản vốn vay ngân hàng đúng hạn cũng cao hơn. Do vậy đầu tư tín dụng vào các doanh nghiệp có năng lực tài chính tốt, phương án kinh doanh khả thi, phù hợp với tình hình thực tế sẽ là một nhân tố quan trọng thúc đẩy nâng cao chất lượng tín dụng của ngân hàng.
- Năng lực quản lý: Năng lực quản lý của doanh nghiệp thể hiện ở sự gọn nhẹ, tính linh hoạt năng động của bộ máy tổ chức, ở khả năng thích nghi của bộ máy quản lý với sự biến động của cơ chế thị trường. Khi năng lực quản lý của doanh nghiệp tốt, hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ diễn ra thông suốt, có hiệu quả, việc xây dựng các phương án sản xuất kinh doanh có tính khả thi, phù hợp với thực tế, do đó khả năng trả nợ của doanh nghiệp được đảm bảo, nhờ đó chất lượng tín dụng được nâng cao. - Năng lực sản xuất kinh doanh: Tín dụng là cầu nối giữa hoạt động kinh doanh của ngân hàng với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Mỗi biểu hiện xấu hay tốt của doanh nghiệp sẽ có ảnh hưởng tương ứng tới hoạt động tín dụng thông qua cơ chế tác động của những mối quan hệ tín dụng. Do đó cần quan tâm đúng mức tới năng lực sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong quá trình xét duyệt cho vay.
Ba là, Tài sản đảm bảo: Bất kỳ khách hàng nào cũng sở hữu một lượng tài sản nhất định để sản xuất kinh doanh. Việc sở hữu tài sản biểu hiện ở khả năng nhà
nước công nhận về mặt sở hữu tài sản đó như: quyền khai thác, sử dụng, đầu tư, sửa chữa…hay có toàn quyền quyết định tài sản đó. Khi khách hàng muốn sử dụng nguồn tín dụng của ngân hàng thì việc bảo đảm bằng tài sản thế chấp cầm cố sẽ là nguồn trả nợ thứ hai và là cơ sở để ngân hàng thu hồi vốn nếu khách hàng không có khả năng trả nợ. Vì vậy tài sản đảm bảo có vai trò quan trọng, là cơ sở cho ngân hàng cho khách hàng vay vốn.