Sự cạnh tranh gay gắt giữa các ngành hàng không: Thị trường hàng không Việt Nam tăng trưởng nóng: Thị trường Việt Nam hiện có 6 hãng hàng không khai thác bao gồm 2 FSC (Vietnam Airlines và Bamboo Airways), 2 LCC (Vietjet Air và Pacific Airlines), VASCO và hãng hàng không mới Vietravel Airlines từ cuối 2020. Ngoài ra, Kite Air cũng đang muốn tham gia vào thị trường.
Biểu đồ 1.3: Thị phần nội địa Việt Nam của các hãng hàng không
Nguồn: Cục hàng không Việt Nam Biên lợi nhuận thấp: Theo đánh giá của IATA, vận tải hàng không là ngành kinh doanh có biên lợi nhuận thấp nhất trong các ngành trong hệ sinh thái hàng không (4%). Trong khi đó, ngành dịch vụ hàng không (MRO, phục vụ hành khách) đạt mức biên lợi nhuận 11%, ngành kinh doanh hệ thống đặt giữ chỗ đạt 20%. Cùng với đó, Việt Nam là thị trường nhạy cảm về giá cùng sự bùng nổ của hàng không giá rẻ, doanh thu trung bình giảm dần, tác động lớn đến biên lợi nhuận. Do chi phí cố định lớn, các hãng hàng không liên tục mở đường bay, tăng tần suất để tăng hiệu suất khai thác tàu bay (BH/tàu).
Cạnh tranh về giá: Việc có nhiều hãng tham gia khai thác thị trường hàng không nội địa dẫn đến tình trạng dư thừa tải cung ứng, tăng trưởng tải vượt quá tăng trưởng
nhu cầu và sức mua, khiến cho các hãng hàng không buộc phải tranh giành khách, bán vé dưới giá thành, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của các hãng và ngành hàng không Việt Nam. Điều này nhiều khả năng hạn chế sự phát triển và năng lực cạnh tranh của các hãng hàng không Việt Nam. Trong tương lai, nếu giá sàn được thông qua, cạnh tranh về giá sẽ bớt cực đoạn hơn.
Khác biệt của sản phẩm không rõ rệt: Đáng chú ý là trên các đường bay nội địa, sự khác biệt về sản phẩm giữa các hãng hàng không chưa thực sự rõ ràng. Điểm cốt lõi của sản phẩm dịch vụ hàng không là mạng bay và đội bay, trong khi đó các hãng khai thác cùng đường bay với tần suất tương tự và giờ bay khác biệt không đáng kể, cùng bằng tàu thân hẹp A320, A321. Các hãng hàng không truyền thống (FSC) có phục vụ đồ ăn nhẹ, trong khi đó khách hàng cũng có thể mua đồ ăn thêm trên chuyến bay của các hãng hàng không giá rẻ (LCC). Bước ghế của FSC dài hơn LCC, tuy nhiên, khách hàng khó cảm nhận rõ sự khác biệt khi đi trên chặng bay ngắn. Điều này đòi hỏi các hãng hàng không liên tục phải đổi mới sáng tạo, đưa ra các chiến lược quảng cáo, tiếp thị, các sản phẩm bổ trợ để tăng tạo ra sự khác biệt, nếu không, tại thị trường nhạy cảm về giá, khách hàng có xu hướng chọn vé rẻ hơn.
Hạn chế slot tại sân bay: Với việc các sân bay Việt Nam đang gặp tình trạng quá tải, việc hạn chế slot bay sẽ là một thách thức lớn với các hãng hàng không đang muốn mở rộng quy mô, tăng tải vào thị trường. Đã có các dự án xây dựng sân bay như sân bay Long Thành hay kế hoạch mở rộng, cải tạo sân bay quốc tế Nội Bài (2020-2030) để giảm thiểu tình trạng tắc nghẽn, hạn chế slot bay, giờ bay. Tuy nhiên, việc xây dựng, nâng cấp các sân bay sẽ cần thời gian dài để triển khai.