6. Kết cấu của khoá luận
3.2. Một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật về bảo hiểm hưu trí
Để việc hoàn thiện pháp luật bảo hiểm hưu trí, dưới đây là một số kiến nghị với mong muốn pháp luật BHHT sẽ thực sự là công cụ để các cơ quan quản lý có thể thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.
Trước mắt, phải tiếp tục rà soát, sửa đổi, hoàn thiện cách tính lương hưu, bảo đảm công bằng giữa nam và nữ, giữa khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước, kết hợp hài hoà các nguyên tắc đóng - hưởng và chia sẻ giữa người có mức lương cao với người có mức lương thấp để thu hẹp khoảng cách về thu nhập trong các đối tượng hưởng chế độ hưu trí.
Về lâu dài, quỹ bảo hiểm hưu trí cần hoạt động theo nguyên tắc thu trước chi sau, do đó bộ phận quản lý quỹ có thể sử dụng phần quỹ bảo hiểm hưu trí nhàn rỗi để đầu tư sinh lời nhằm ổn định, bảo đảm cân bằng, tăng trưởng và tránh mất cân đối quỹ BHXH dài hạn. Điều đó đòi hỏi cần có những chính sách mới để đầu tư, mở rộng đồng thời tăng trưởng nguồn thu cho quỹ nhằm đảm bảo chi trả trong tương lai. Ví dụ một số biện pháp như tăng mức đóng bảo hiểm xã hội, giảm mức hưởng lương hưu, tăng số năm đóng BHXH, kéo dài tuổi nghỉ hưu, … như một số kiến nghị dưới đây:
- Cần tập trung nghiên cứu để nâng tuổi nghỉ hưu đối với cả lao động nam và nữ theo nhóm đối tượng và lộ trình phù hợp, nghiên cứu bổ sung chế độ hưu trí xã hội trên cơ sở hoàn thiện chế độ trợ cấp người cao tuổi như quy định hiện hành. Đặc biệt, nên tăng dần độ tuổi hoặc ít nhất là bằng độ tuổi lao động nam đối với các lao động nữ làm việc trong các lĩnh vực nghiên cứu khoa học hay giáo dục. Tăng độ tuổi nghỉ hưu của lao động nữ trong một số trường hợp để đảm bảo tận dụng tốt nguồn nhân lực có chất xám, có kinh nghiệm, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Pháp luật cần tiến tới quy
định về độ tuổi nghỉ hưu của lao động nữ giới tăng dần phù hợp với lao động nam giới. Theo đó có thể sửa đổi pháp luật theo hướng lao động nữ có thể lựa chọn thời điểm nghỉ hưu, khi đủ 60 tuổi (từ năm 2035) họ có quyền lựa chọn tiếp tục lao động hay nghỉ hưu. Như vậy vừa đáp ứng được nhu cầu làm việc của lao động nữ trong các ngành nghề khác nhau, giải quyết vấn đề xung đột giữa quyền lao động và quyền nghỉ hưu của NLĐ. Từ đó quy định một công thức chung trong việc tính lương hưu và các trợ cấp khác cho cả hai giới.
- Rà soát, mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với các nhóm chủ hộ kinh doanh, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý, điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương, người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt. Về nội dung mở rộng diện bao phủ BHXH, trước hết cần thay đổi nhận thức về việc bắt buộc tham gia BHXH theo hợp đồng lao động.
- Đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 05 tuổi so với quy định. Người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 05 tuổi so với quy định.
- Điều chỉnh lại quy định về thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng lương hưu theo xu hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu nhằm tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, có số năm tham gia Bảo hiểm xã hội thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm hưu trí. Do đó cần phải sửa đổi số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần từ 20 năm xuống 15 năm. Vì thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu sẽ có nhiều cơ hội được hưởng chế độ hưu trí hơn. Hiện tại, hầu hết các trường hợp đều là đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội (trừ trường hợp duy nhất đóng BHXH 15 năm được hưởng lương hưu tại khoản 3, điều
54, Luật BHXH 2014). Thời gian này là khá dài dẫn tới nhiều người không tích lũy đủ số năm đóng bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu.
- Quy định thống nhất chế độ hưu trí đối với các loại hình lao động, không phân biệt cán bộ, công chức, quân nhân hay người lao động trong các thành phần kinh tế để đảm bảo sự bình đẳng, công bằng về quyền được hưởng trợ cấp xã hội. Từ đó, xác định tuổi nghỉ hưu chung của mọi loại hình lao động. Tiến tới không giảm tuổi nghỉ hưu với bất cứ dạng lao động nào. Đặc biệt không để các chính sách về tinh giản biên chế, sắp xếp lại lao động trong các cơ quan đơn vị lạm dụng chế độ hưu trí. Trường hợp lao động đặc thù có thể tăng tuổi nghỉ hưu như cán bộ cao cấp, những người làm công tác khoa học, nghệ thuật hay giáo dục.
- Sửa đổi quy định về giảm mức lương hưu cho trường hợp NLĐ nghỉ hưu chưa đủ tuổi theo quy định hiện hành, trường hợp NLĐ nghỉ hưu trước tuổi do suy giảm khả năng lao động, mức lương hưu hằng tháng được tính như NLĐ đủ điều kiện hưởng lương hưu bình thường, sau đó cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định thì giảm 2%. Trường hợp tuổi nghỉ hưu có thời gian lẻ đến đủ 06 tháng thì mức giảm là 1%, từ trên 06 tháng thì không giảm tỷ lệ phần trăm do nghỉ hưu trước tuổi. Tuy nhiên việc giảm 2% mức lương hưu cho mỗi năm nghỉ hưu sớm như quy định trong Luật BHXH năm 2014 là chưa đủ sức ngăn chặn tình trạng nghỉ hưu sớm, ảnh hưởng không nhỏ đến an toàn của quỹ bảo hiểm hưu trí. Vì vậy, để bảo đảm công bằng giữa những người hưởng lương hưu và đặc biệt là bảo đảm an toàn tài chính của quỹ bảo hiểm hưu trí, trong quá trình xây dựng lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động, cần thiết phải sửa đổi quy định về giảm mức tỷ lệ hưởng lương hưu cho trường hợp người lao động nghỉ hưu trước tuổi.
- Quy định thí điểm bảo hiểm hưu trí bổ sung. Quy định về bảo hiểm hưu trí bổ sung của pháp luật hiện hành mang lại cho NLĐ cơ hội để có thể đa dạng hóa nguồn thu nhập, bổ sung thêm mức lương hưu hằng tháng từ bảo
hiểm hưu trí bắt buộc, góp phần cải thiện đáng kể đời sống của người nghỉ hưu. Tuy nhiên đây là hình thức mới ở Việt Nam cho nên cần hoàn thiện chính sách pháp luật điều chỉnh chế độ này, đồng thời phải có bước thí điểm cách tổ chức thực hiện đối với một số nhóm doanh nghiệp trong một thời gian nhất định, sau đó tổ chức đánh giá rút kinh nghiệm. Việc thực hiện bảo hiểm hưu trí bổ sung cần có sự nghiên cứu học hỏi kinh nghiệm của các nước trên thế giới về hình thức tổ chức thực hiện, hình thức quản lý tài chính đối với quỹ BHHT để quỹ hoạt động hiệu quả và mang lại lợi nhuận. Xây dựng lộ trình phù hợp để chuyển bảo hiểm hưu trí bổ sung từ chế độ tự nguyện sang chế độ bắt buộc mà không gây ảnh hưởng xấu đến xã hội và tâm lý của người lao động.
Và một điều cuối cùng quan trọng nhất là xây dựng pháp luật bảo hiểm hưu trí phải hướng đến sự ổn định, lâu dài, ít bổ sung, sửa đổi nhưng cũng phải được pháp điển hoá và hoàn thiện nhằm phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo các quy định pháp luật về bảo hiểm hưu trí không chỉ nằm trên giấy tờ nhằm bảo đảm quyền lợi của người lao động.