Tài chính thực hiện chế độ bảo hiểm hưu trí

Một phần của tài liệu Pháp luật về bảo hiểm hưu trí và thực tiễn thực hiện tại UBND huyện quốc oai, thành phố hà nội (Trang 43 - 48)

6. Kết cấu của khoá luận

1.2.4. Tài chính thực hiện chế độ bảo hiểm hưu trí

Tài chính thực hiện chế độ bảo hiểm hưu trí sẽ do quỹ bảo hiểm hưu trí - tử tuất đảm nhiệm. Đây là quỹ tiền tệ độc lập, tập trung, nằm ngoài ngân sách Nhà nước. Qũy Bảo hiểm hưu trí - tử tuất được hình thành chủ yếu từ sự đóng góp bằng tiền của các bên tham gia BHXH nhằm mục đích chi trả cho những người tham gia BHXH bắt buộc và gia đình họ khi họ hết độ tuổi lao động hay không may qua đời khi đang tham gia quan hệ lao động.

Quỹ Bảo hiểm hưu trí - tử tuất được hình thành chủ yếu từ 4 nguồn. Căn cứ theo điều 82, Luật BHXH năm 2014 nguồn hình thành quỹ BHHTBB cơ bản là từ sự đóng góp của NSDLĐ, NLĐ, phần kinh phí hỗ trợ của nhà nước, tiền sinh lời của hoạt động đầu tư từ quỹ và các nguồn thu hợp pháp khác.

- Thứ nhất, do người lao động đóng góp: Người lao động đóng theo quy định tại điều 85 và điều 87 của Luật BHXH năm 2014. Trong đó tuỳ thuộc vào đối tượng tham gia BHXH mà mức đóng của người lao động cũng khác nhau. Cụ thể người lao động đóng:

+ Người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và h khoản 1, điều 2 của Luật BHXH năm 2014, hằng tháng đóng bằng 8% mức tiền lương tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất.

+ Người lao động quy định điểm i, khoản 1, điều 2 của Luật BHXH năm 2014, hằng tháng đóng bằng 8% mức lương cơ sở vào quỹ hưu trí và tử tuất;

+ Người lao động quy định tại điểm g, khoản 1, điều 2 của Luật BHXH năm 2014, mức đóng được quy định như sau: Mức đóng hằng tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất bằng 22% mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài, đối với người lao động đã có quá trình tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; bằng 22% của 02 lần mức lương cơ sở đối với người lao động chưa tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc đã tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nhưng đã hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

-Thứ hai, do người sử dụng lao động đóng góp: Người sử dụng lao động đóng theo quy định tại điều 86 của Luật BHXH năm 2014 như sau:

+ Người sử dụng lao động hằng tháng đóng trên quỹ tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và h khoản 1, điều 2 của Luật này như sau: 14% vào quỹ hưu trí và tử tuất;

+ Người sử dụng lao động hằng tháng đóng trên mức lương cơ sở đối với mỗi người lao động quy định tại điểm e, khoản 1, điều 2 của Luật này như sau: 22% vào quỹ hưu trí và tử tuất;

+ Người sử dụng lao động hằng tháng đóng 14% mức lương cơ sở vào quỹ hưu trí và tử tuất cho người lao động quy định tại điểm i, khoản 1, điều 2 của Luật BHXH năm 2014.

- Thứ ba, do kinh phí hỗ trợ của nhà nước: Nhà nước sẽ hỗ trợ một phần kinh phí để cho quỹ có thể hoạt động tốt đáp ứng nhu cầu chi trả cho người lao động khi về hưu. Nguồn kinh phí do ngân sách nhà nước đảm bảo thực hiện việc chi trả cho những đối tượng hưởng các chế độ trợ cấp BHXH từ ngày 1/1/1995 trở về trước. Đây là sự hỗ trợ tiếp tục do lịch sử để lại của ngân sách Nhà nước cho hoạt động của Bảo hiểm xã hội trong điều kiện, hoàn cảnh mới thành lập cơ quan BHXH, tạo cho hệ thống BHXH một thời gian cần thiết tích lũy nguồn quỹ để thực hiện các chính sách BHXH trong hoàn cảnh mới. Nguồn kinh phí chi trả do quỹ BHXH đảm bảo thực hiện chi trả cho các đối tượng BHXH từ sau ngày 1/1/1995 do hệ thống BHXH thực hiện được đảm bảo bằng nguồn thu BHXH.

- Thứ tư, do tiền sinh lời của hoạt động đầu tư từ quỹ: Theo điều 91 Luật BHXH năm 2014 thì nguyên tắc đầu tư sẽ là: “Hoạt động đầu tư từ quỹ bảo hiểm xã hội phải bảo đảm an toàn, hiệu quả và thu hồi được vốn đầu tư”

và các hình thức đầu tư theo điều 92 Luật BHXH năm 2014: + Mua trái phiếu Chính phủ;

+ Gửi tiền, mua trái phiếu, kỳ phiếu, chứng chỉ tiền gửi tại các ngân hàng thương mại có chất lượng hoạt động tốt theo xếp loại tín nhiệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

+ Cho ngân sách nhà nước vay.

Như đã nêu, quỹ tài chính Bảo hiểm hưu trí - tử tuất được hình thành từ các nguồn đóng góp BHXH và các nguồn thu khác. Mặc dù mục tiêu của quỹ Bảo hiểm hưu trí - tử tuất là để chi trả các chế độ bảo hiểm hưu trí và tử tuất cho người lao động. Nhưng do tính đặc thù của chế độ bảo hiểm hưu trí là có độ trễ giữa thu và chi là một khoảng thời gian khá dài, nên một phần quỹ

được nhàn rỗi. Phần nhàn rỗi này của quỹ bảo hiểm hưu trí - tử tuất được đầu tư vào một số lĩnh vực của nền kinh tế, góp phần phát triển kinh tế xã hội.

Trong các nguồn hình thành nói trên thì người lao động và người sử dụng lao động đóng góp là cơ bản và chủ yếu. Mức đóng BHXH của 2 đối tượng trên thực chất sẽ đưa vào quỹ bảo hiểm hưu trí - tử tuất chiếm đến 80%. Đây là yếu tố quyết định cân đối thu chi cho quỹ bảo hiểm hưu trí - tử tuất. Còn Nhà nước hay một số nguồn khác tài chính khác chỉ đóng góp tỉ trọng nhỏ trong nguồn tài chính để thực hiện chế độ bảo hiểm hưu trí.

Tài chính của chế độ bảo hiểm hưu trí mang tính cơ bản và tính ổn định vì thông qua quỹ tài chính để thực thi các chính sách để đáp ứng chi trả cho người lao động. Bảo hiểm hưu trí càng hoạt động tốt, quỹ bảo hiểm hưu trí càng phát triển sẽ góp phần rất to lớn vào việc ổn định đời sống của người lao động và gia đình họ, đồng thời sẽ tạo ra sự vững mạnh của nền tài chính quốc gia. Để chế độ bảo hiểm hưu trí tồn tại và phát triển đáp ứng được nhu cầu và quyền lợi chính đáng của người lao động thì cần phải có một quỹ bảo hiểm hưu trí vững mạnh, linh hoạt. Vì vậy, cần phải được tính toán một cách khoa học. Dựa vào nhu cầu khách quan của tình hình lao động hay hoàn cảnh của đất nước để có thể xây dựng quỹ bảo hiểm hưu trí vững mạnh thực sự là người bạn tuổi già của mỗi người lao động.

KẾT LUẬN CHƯƠNG 1

Các nội dung ở chương 1 đã nêu khái quát chung các vấn đề của bảo hiểm hưu trí trong hệ thống BHXH Việt Nam. Nêu ra khái niệm về bảo hiểm hưu trí, các đặc điểm của bảo hiểm hưu trí, nguyên tắc của BHHT bắt buộc, vị trí và vai trò của BHHT trong hệ thống an sinh xã hội. Đặc biệt nêu ra các quy định của pháp luật về chế độ bảo hiểm hưu trí. Qua đó cung cấp các lý luận chung về bảo hiểm hưu trí bắt buộc phục vụ và định hướng chung cho toàn bài hay các chương tiếp theo của đề tài.

Qua các quy định của pháp luật về bảo hiểm hưu trí có thể thấy vai trò và tầm quan trọng của bảo hiểm hưu trí đối với xã hội và đặc biệt là người lao

động. Thông qua hệ thống BHXH để đưa chính sách bảo hiểm hưu trí thực sự đến gần với mọi người lao động nói chung và hướng tới là bảo hiểm xã hội toàn dân là mục tiêu mà Đảng và Nhà nước ta hướng đến. Để thực hiện hoá được mục tiêu to lớn đó rất cần sự chung tay thực hiện của cả hệ thống chính trị và đặc biệt là những người lao động tham gia chế độ BHHT để từ đó phục vụ chính đáng quyền lợi của họ.

Bảo hiểm hưu trí ngoài đảm bảo quyền lợi cho người lao động khi về hưu thì nó còn phản ánh trình độ phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, thể hiện sự vững mạnh của nền tài chính, sự tín nhiệm của cơ quan nhà nước. Bảo hiểm hưu trí là một lĩnh vực nằm trong hệ thống an sinh xã hội và là một chế độ của Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Qua đó thấy được tầm quan trọng và tính ưu việt của chế độ bảo hiểm hưu trí trong cuộc sống giúp đảm bảo an sinh xã hội cho toàn bộ người dân và hướng tới một xã hội văn minh, tốt đẹp hơn.

CHƯƠNG 2

THỰC TRẠNG THỰC HIỆN PHÁP LUẬT VỀ BẢO HIỂM HƯU TRÍ TẠI UBND HUYỆN QUỐC OAI, THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Một phần của tài liệu Pháp luật về bảo hiểm hưu trí và thực tiễn thực hiện tại UBND huyện quốc oai, thành phố hà nội (Trang 43 - 48)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(84 trang)
w