Trước hết, khái niệm “độc lập (independence) là chỉ trạng thái của một chủ thể không bị phụ thuộc, không chịu sự khống chế của một chủ thể khác” [134, tr.3].
Theo Từ điển Tiếng Việt của trung tâm từ điển học do nhà xuất bản Đà Nẵng phát hành thì cho rằng: “Độc lập là có chủ quyền, không phụ thuộc vào nước khác hoặc dân tộc khác, là một đất nước độc lập, tự do. Chỉ trạng thái của một nước hoặc một dân tộc có chủ quyền về chính trị, không phụ thuộc vào nước khác hoặc dân tộc khác đó là nền độc lập dân tộc” [149, tr.426-427]. Đối với mỗi quốc gia dân tộc, quyền ĐLDT có nghĩa là tự chủ thực sự về chính trị, kinh tế, được giữ vững và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa của của truyền thống dân tộc, chủ quyền biên giới lãnh thổ quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững.
Quyền độc lập của dân tộc phải luôn gắn liền với khái niệm chủ quyền quốc gia dân tộc. Nhà tư tưởng J.J.Rousseau đã khẳng định: “chủ quyền là hiện thân cho sự tồn tại của một quốc gia và ý chí
chung của mọi công dân, hình thành trên cơ sở khế ước xã hội tự nguyện, có tính chất toàn vẹn, không thể phân chia, không thể chuyển nhượng” [81, tr.79-83]. Do đó: “Chủ quyền là địa vị pháp lý tối cao của mỗi quốc gia về đối nội và đối ngoại trong tất cả các lĩnh vực lãnh thổ, chính trị, kinh tế, xã hội là yếu tố kết hợp dân cư, lãnh thổ và chính quyền thành một chủ thể thống nhất” [134, tr.3]. Quyền độc lập của một dân tộc luôn gắn với sự tồn tại của dân tộc, với ý chí và nguyện vọng của nhân dân; gắn với sự thống nhất và toàn vẹn về biên giới lãnh thổ của dân tộc mình.
Như vậy, có thể hiểu quyền độc lập của dân tộc là khái niệm dùng để chỉ trạng thái của một quốc gia dân tộc đặt trong mối quan hệ quốc tế mà không chịu sự phụ thuộc hay khống chế và ép buộc từ bất kỳ một chủ thể, một dân tộc khác từ bên ngoài.