Đấu tranh giành, giữ và thực thi quyền độc lập, tự do của dân tộc luôn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của tất cả các quốc gia dân tộc trên thế giới. Để nhiệm vụ đó được thành công, đòi hỏi các quốc gia dân tộc trong cộng đồng quốc tế phải cùng nhau tuyệt đối tôn trọng và thực thi những nguyên tắc của pháp luật quốc tế về quyền độc lập, tự do của dân tộc, đó cũng chính là điều kiện quan trọng hàng đầu để các quốc gia dân tộc bảo vệ vững chắc quyền độc lập, tự do của mình.
Trong khoảng 10 năm đầu của hành trình tìm đường cứu nước giành lại quyền độc lập, tự do cho dân tộc, Hồ Chí Minh đã tích cực tìm hiểu, nghiên cứu những văn bản có tính chất pháp lý quy định về quyền độc lập, tự do của dân tộc trên thế giới mà đã được nhân loại thừa nhân. Người nghiên cứu bản
Tuyên ngôn Độc lập 1776 với quan điểm: “Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”, nghiên cứu bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền với quan điểm: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về
quyền lợi”. Nghiên cứu Chủ nghĩa Tam dân của Tôn Trung Sơn với khẩu hiệu “Dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc”, Đặc biệt, Hồ Chí Minh đã bắt gặp CNMLN cùng với quan điểm của V.I.Lênin về quyền dân tộc tự quyết. Tất cả những giá trị lý luận nêu trên đều nhằm mục đích bảo đảm quyền bình đẳng giữa các quốc gia dân tộc, nó đã trở thành cơ sở và lẽ phải để sau này Hồ Chí Minh khẳng định quyền độc lậ, tự do của dân tộc Việt Nam mà không ai có thể chối cải được.
Một trong những bước tiến của nhân loại trong việc đảm bảo giữ gìn môi trường hòa bình của thế giới chính là Hội nghị Têhêrăng (1943) do ba nước LiênXô, Anh, Mỹ tổ chức đã thông qua Nghị quyết bảo đảm nền hòa bình lâu dài trên thế giới sau chiến tranh và Hội nghị Cựu Kim Sơn (Xan Phranxixcô) (4 đến 6- 1945) do Liên Xô, Mỹ, Anh và Trung Quốc triệu tập cùng với sự tham gia của 50 nước đã thông qua Hiến chương Liên hợp quốc và thành lập tổ chức Liên hợp quốc với “Mục đích thành lập tổ chức quốc tế này là nhằm ngăn ngừa và loại trừ những mối đe doạ đối với hòa bình, phát triển quan hệ thân thiện giữa các dân tộc và thực hiện sự hợp tác giữa các nước để giải quyết những vấn đề quốc tế; tôn trọng các quyền tự do căn bản của con người, không phân biệt chủng tộc, nam, nữ, tiếng nói và tín ngưỡng. Tất cả các nước hội viên đều bình đẳng, không một nước nào có quyền can thiệp vào nội bộ của các nước khác” [66, tr.604]. Việc thành lập tổ chức Liên hợp quốc và ban hành Hiến chương Liên hợp quốc sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng đảm bảo chủ quyền đối với các quốc gia, dân tộc đấu tranh giành, giữ và thực thi quyền độc lập, tự do trong quan hệ quốc tế. Trong đó, Điều 2 của Hiến chương Liên hợp quốc quy định: Liên hợp quốc được xây dựng trên nguyên tắc bình đẳng chủ quyền của tất cả các thành viên. Đặc biệt, tại Khoản 3 và Khoản 4 của Điều 2 này chỉ rõ: “Tất cả các thành viên Liên hợp quốc giải quyết các tranh chấp quốc tế của họ bằng biện pháp hòa bình, sao cho không tổn hại đến hòa bình, an ninh quốc tế và công lý; Tất cả các thành viên Liên hợp quốc từ bỏ đe dọa bằng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế nhằm chống lại sự bất khả xâm phạm về lãnh thổ hay nền độc lập chính trị của bất cứ quốc gia nào cũng như bằng cách khác trái với những mục đích của Liên hợp quốc” [82, tr.132].
Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công đã giúp dân tộc Việt Nam giành lại được quyền độc lập, tự do cho dân tộc. Bằng những lý lẽ và nguyên tắc pháp lý quốc tế đã được cộng đồng thế giới thông qua trước đó, để được công nhận và giữ vững quyền độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam, ngày 2/9/1945, Hồ Chí Minh đã trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - một nước có đầy đủ các quyền độc lập, tự do mà không một ai có thể phủ nhận được. Người nhấn mạnh: “Chúng tôi tin rằng các nước Đồng minh đã công nhận những nguyên tắc dân tộc bình đẳng ở các hội nghị Têhêrăng và Cựu Kim Sơn, quyết không thể không nhận quyền độc lập của dân Việt Nam. Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng vềphe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộcđó phải được độc lập!” [66, tr.3].
Chính những nguyên tắc và pháp lý chung của cộng đồng quốc tế là cơ sở vững chắc nhất để các quyền cơ bản của quốc gia dân tộc được giữ vững và thực thi. Để cụ thể hóa những nguyên tắc đó, Liên hợp quốc đã thông qua việc ban hành một loạt các văn kiện quốc tế khác như: “Tuyên bố về trao
trả độc lập cho các nước và dân tộc thuộc địa” (1960) khẳng định các quốc gia đều có quyền không thể chuyển nhượng về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mình. “Tuyên bố về tính không thể chấp nhận của việc can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác và về việc bảo vệ độc lập, chủ quyền của các nước” (1965) nêu rõ, không một quốc gia dân tộc nào có quyền can thiệp vào công việc đối nội hay đối ngoại của nước khác với bất kỳ lý do gì. “Tuyên bố về các nguyên tắc của luật pháp quốc tế điều chỉnh quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc” (1970), quy định những nguyên tắc cơ bạn như: “a) Các quốc gia bình đẳng về mặt pháp lý; b) Mỗi quốc gia có chủ quyền hoàn toàn và đầy đủ; c) Mỗi quốc gia có nghĩa vụ tôn trọng quyền năng chủ thể của các quốc gia khác; d) Sự toàn vẹn lãnh thổ và tính độc lập về chính trị là bất di bất dịch” [152, tr.42] và rằng: “e) Mỗi quốc gia có quyền tự do lựa chọn và phát triển chế độ chính trị, xã hội, kinh tế và văn hóa của mình; g) Mỗi quốc gia có nghĩa vụ thực hiện đầy đủ và tận tâm các nghĩa vụ quốc tế của mình và tồn tại hòa bình cùng các quốc gia khác” [152, tr.42]. Đây chính là những cơ sở pháp lý quan trọng để dân tộc Việt Nam tiếp tục kiên quyết đấu tranh bảo vệ quyền độc lập, tự do của dân tộc. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II, Đảng ta khẳng định: “Mục đích cuộc kháng chiến của ta hiện nay là thực hiện quyền dân tộc tự quyết của dân tộc Việt Nam: dân tộc Việt Nam tự quyết định lấy số phận của mình, tự mình định lấy chế độ mà mình ưa thích. Dân tộc Việt Nam, đa số và thiểu số, tự giác và tự nguyện đoàn kết chặt chẽ thành một quốc gia để bảo vệ quyền đó. Không thể đặt vấn đề các dân tộc thiểu số ở Việt Nam tách rời khỏi nước Cộng hòa dân chủ Việt Nam” [34, tr.140]. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp với thắng lợi của Hiệp định Giơnevơ (7/1954) và chống Mỹ với thắng lợi của Hiệp định Pari (1/1973) chính là thắng lợi của sự chính nghĩa, đảm bảo sự tôn trọng cũng như yêu cầu thực thi những nguyên tắc chung của cộng đồng quốc tế về quyền cơ bản của dân tộc. Như Hồ Chí Minh đãluận giải rằng: “Đấu tranh cho thống nhất là con đường sống của nhân dân Việt Nam. Cuộc đấu tranh đó phù hợp với quyền dân tộc tự quyết của Hiến chương Liên hợp quốc, với Panch Sheela, với chính nghĩa. Nó nhất định sẽ thắng lợi là nhờ truyền thống đại đoàn kết và tinh thần bất khuất của nhân dân Việt Nam, nhờ sự đồng tình và ủng hộ của nhân dân các nước” [73, tr.272].
Trong giai đoạn hiện nay, việc tôn trọng và thực thi đầy đủ những công ước và nguyên tắc chung của cộng đồng quốc tế về quyền độc lập, tự do của dân tộc chính là điều kiện, là cơ sở pháp lý quan trọng để các quốc gia dân tộc trên thế giới giữ và thực thi quyền độc lập, tự do của dân tộc trong khuôn khổ tôn trọng nguyên tắc của luật pháp quốc tế về quyền dân tộc. Bởi bảo đảm thực thi quyền độc lập, tự do của các dân tộc “là yêu cầu quan trọng của pháp luật quốc tế hiện đại, là xu hướng của thời đại, là đường lối chính sách tiến bộ của các nước” [16, tr.650].