Trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai tại Tòa án

Một phần của tài liệu PHÁP LUẬT VỀ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI TẠI TÒA ÁN – THỰC TIỄN THỰC THI TẠI TÒA ÁN NHÂN DÂN THỊ XÃ PHỔ YÊN (Trang 52 - 54)

5. Kết cấu của khóa luận tốt nghiệp

2.1.3. Trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai tại Tòa án

Nhằm đảm bảo giải quyết những vụ việc dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự đã hoàn thành nội dung về trình tự giải quyết vụ việc từ lúc phát sinh đến khi kết thúc. Các giai đoạn cơ bản để giải quyết tranh chấp đất đai tại Tòa án được quy định như sau:

Bước 1: Thụ lý vụ án

Theo quy định tại Điều 191 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, Tòa án phải nhận đơn khởi kiện do đương sự nộp trực tiếp tại Tòa án hoặc gửi qua bưu điện và phải ghi vào sổ nhận đơn. Trường hợp Tòa án nhận đơn khởi kiện được gửi bằng phương thức gửi trực tuyến thì Tòa án in ra bản giấy và phải ghi vào sổ nhận đơn.

- Chánh án tòa phân công Thẩm phán xem xét đơn (Trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày nhận đơn)

- Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày Thẩm phán được phân công xem xét đơn khởi kiện, Tòa án phải xem xét và có một trong các quyết định sau đây:

+ Thụ lý vụ án nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết;

+ Chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và báo cho người khởi kiện, nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án khác;

+ Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện, nếu việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

+Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án theo thủ tục thông thường hoặc theo thủ tục rút gọn nếu vụ án có đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn quy định tại khoản 1 Điều 317 của Bộ luật này

Bước 2: Hòa giải vụ án

- Theo quy định tại Khoản 1 Điều 205 bộ Luật tố tụng dân sự năm 2015 thì trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án, Tòa án tiến hành hòa giải để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án, trừ những vụ án không được hòa giải hoặc không tiến hành hòa giải được quy định tại Điều 206 và Điều 207 bộ Luật tố tụng dân sự năm 2015.

+ Ra quyết định hòa giải thành khi không có đương sự thay đổi ý kiến về sự thỏa thuận

+ Trong trường hợp hòa giải không thành, Thẩm phán chủ tọa phiên hòa giải lập biên bản hòa giải không thành và thực hiện các thủ tục tiếp theo để đưa vụ án ra xét xử.

Bước 3: Chuẩn bị xét xử

Trong thời hạn chuẩn bị xét xử, tùy từng trường hợp, Thẩm phán ra một trong các quyết định sau đây:

+ Công nhận sự thỏa thuận của các đương sự; + Tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự; + Đình chỉ giải quyết vụ án dân sự + Đưa vụ án ra xét xử.

Trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa, trong trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là 02 tháng (Điều 203)

Bước 4: Mở phiên tòa xét xử

Theo quy định tại Điều 196 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 phiên tòa phải được tiến hành đúng thời gian, địa điểm đã được ghi trong quyết định đưa vụ án ra xét xử hoặc trong giấy báo mở lại phiên tòa trong trường hợp phải hoãn phiên tòa.

Thành phần tham gia phiên tòa được quy định từ Điều 227 đến Điều 232 tại Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, gồm: Đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; Người đại diện của đương sự; Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự; Người làm chứng; Người giám định và Người phiên dịch, Kiểm sát viên.

Khi vụ án đã được xét xử sơ thẩm tại Tòa án cấp sơ thẩm, nếu đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự, cơ quan, tổ chức đã khởi kiện vụ án không đồng ý với bản án sơ thẩm thì có quyền kháng cáo, viện kiểm sát có quyền kháng nghị trong thời hạn kháng cáo, kháng nghị. Trường hợp việc kháng cáo, kháng nghị là hợp pháp thì vụ án sẽ được xét xử phúc thẩm.

Để vụ án được xét xử sơ thẩm, đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự trong vụ án dân sự cần phải kháng cáo. Thủ tục kháng cáo vụ án dân sự được quy định cụ thể tại phần 3 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 như sau:

- Đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự phải làm đơn kháng cáo. Đơn kháng cáo phải có các nội dung: Ngày tháng làm đơn, thông tin người kháng cáo, thông tin người bị kháng cáo, bản án bị kháng cáo, phạm vi kháng cáo, lý do kháng cáo, chữ ký hoặc điểm chỉ của người kháng cáo (Điều 272 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015).

- Người kháng cáo gửi đơn kháng cáo đến Tòa án đã xét xử sơ thẩm. Khi gửi đơn kháng cáo, người kháng cáo phải gửi kèm tài liệu, chứng cứ bổ sung (nếu có) để chứng minh việc kháng cáo là có căn cứ và hợp pháp.

- Tòa án cấp sơ thẩm sẽ tiến hành xem xét đơn kháng cáo và xử lý theo quy định tại Điều 275 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.

- Người kháng cáo nộp tạm ứng án phí phúc thẩm. Trong thời hạn 10 ngày, người kháng cáo phải nộp tạm ứng án phí phúc thẩm và phải nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí phúc thẩm (Điều 275 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015)

- Tòa án sẽ thông báo về việc kháng cáo.

- Tòa án cấp sơ thẩm phải gửi hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp phúc thẩm trong thời hạn 05 ngày làm việc theo quy định tại Điều 283 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.

Một phần của tài liệu PHÁP LUẬT VỀ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI TẠI TÒA ÁN – THỰC TIỄN THỰC THI TẠI TÒA ÁN NHÂN DÂN THỊ XÃ PHỔ YÊN (Trang 52 - 54)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(85 trang)
w