7. Cấu trúc của luận án
1.2.1 Tổng quan các nghiên cứu về tác động do thiên tai và biến đổi khí đến trồng
trồng trọt
1.2.1 Tổng quan các nghiên cứu về tác động do thiên tai và biến đổi khí đến trồngtrọt trọt
Các thiệt hại do thiên tai có xét đến BĐKH đến các lĩnh vực kinh tế - xã hội đã được thể hiện trong nhiều công trình nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, tác giả chỉ tập trung nghiên cứu một số đề tài tiêu biểu gần với lĩnh vực nông nghiệp ở nước ngoài như: Olesen (2011) đã nghiên cứu các tác động tích cực và tiêu cực do thiên tai tới SXNN ở Bắc Âu và các nước Địa Trung Hải. Nghiên cứu đã xây dựng một bộ câu hỏi định tính và định lượng về nhận thức rủi ro và dự báo tác động của BĐKH đối với nông nghiệp ở châu Âu đã được thực hiện ở 26 quốc gia. Kết quả đã xác định được (i) tính dễ bị tổn thương chính của cây trồng và hệ thống cây trồng trong điều kiện khí hậu hiện nay; (ii) ước tính về tác động của BĐKH đối với việc sản xuất chín loại cây trồng được lựa chọn; (iii) các phương án thích ứng khả thi cũng như (iv) sự thích ứng đã được quan sát cho đến nay. Nghiên cứu này tập trung vào tác động do thiên tai đến lĩnh vực SXNN [8].
Mohamed (2012) trong nghiên cứu của mình đã sử dụng phương pháp mô hình hóa kết hợp với phần mềm GIS để xây dựng bản đồ ngập lụt theo các kịch bản cho vực đô thị tại vùng vịnh Guinea của Ghana, từ đó đánh giá khả năng ảnh hưởng của nước biển dâng đến các loại đất khác nhau, trong đó có đất nông nghiệp theo các kịch bản BĐKH [9].
Alistair Hun (2007) trong nghiên cứu của mình đã chỉ ra rằng các tác động tiềm tàng của BĐKH là khác nhau tại các khu vực khác nhau trên trái đất. BĐKH có tác động lớn đến các khu vực ven biển, ven sông, nơi có mức độ đô thị hóa nhanh và nhạy cảm mạnh với các hiện tượng thời tiết cực đoan. Nghiên cứu này cũng đã đối chiếu các vấn
đề chính và tình trạng bằng chứng theo lĩnh vực/chủ đề cho các thành phố. Những vấn đề này liên quan đến mực nước biển dâng ở các thành phố ven biển (và triều cường), thiệt hại cơ sở hạ tầng (CSHT) do các tác động cực đoan, sức khỏe, sử dụng năng lượng, nhu cầu nước và nguồn nước sẵn có, du lịch và di sản văn hóa, đa dạng sinh học đô thị và ô nhiễm không khí. Phân tích theo ngành này cho thấy sự thay đổi mạnh mẽ về các tác động theo vị trí và địa điểm [10].
Lindleya (2006) đã khẳng định tác động tiềm tàng của BĐKH có ảnh hưởng nghiêm trọng đến cơ sở hạ tầng đô thị như hệ thống giao thông mặt đất, công trình ngầm cũng có thể bị tổn thương do các yếu tố cực đoan. Lũ lụt là một ví dụ về tác động tiềm năng nghiêm trọng trong khu vực đô thị vì mật độ dân số tương đối cao. Một phương pháp đánh giá rủi ro đã được phát triển bằng cách sử dụng một tập hợp các đơn vị hình thái đô thị làm khung không gian của nó [11].
Các nghiên cứu khác về tác động do thiên tai có xét đến BĐKH tới các lĩnh vực kinh tế - xã hội như của tác giả [12], [13], [14]. Các nghiên này chỉ ra rằng thiên tai gây thiệt hại rất lớn đến nền kinh tế của các nước trên khắp thế giới, đặc biệt là ảnh hưởng đến trồng trọt. Các nghiên cứu này đã sử dụng các phương pháp định tính và định lượng trong việc lượng hóa các tác động.
Tại Việt Nam, tác động do thiên tai đến trồng trọt có xét đến BĐKH đã được thể hiện trong một số nghiên cứu như sau:
Phan Thị Cẩm Hằng (2015) trong nghiên cứu của mình đã chỉ ra rằng bão, lụt, hạn hán và xâm nhập mặn có ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển kinh tế - xã hội tại huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Trong những năm qua, BĐKH đã tác động đến mọi mặt đời sống của người dân trong vùng; đặc biệt là hoạt động SXNN; làm thay đổi cơ cấu mùa vụ; tác động xấu đến trồng trọt, chăn nuôi; đánh bắt và nguy cơ xuất hiện nhiều loại bệnh dịch mới trên cây trồng, vật nuôi… Đây cũng chính là những tác động của BĐKH đối với các hoạt động kinh tế - xã hội đặc thù của địa phương trong thời gian qua và những năm tiếp theo. Những tác động của BĐKH đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của cư dân nông thôn, gia tăng tình trạng nghèo đói, làm phá vỡ hệ sinh thái ven biển và cạn kiệt tài nguyên. Trong nghiên cứu này, tác giả mới chỉ tập trung vào
tác động của các thiên tai có xét đến yếu tố BĐKH tới SXNN. Nghiên cứu đã phân tích rất kỹ tác động do thiên tai đến các lĩnh vực SXNN là trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, tuy nhiên mới dừng lại phân tích định tính và thống kê số liệu thiệt hại [15]. Trần Đại Nghĩa (2015) trong nghiên cứu của mình đã kết luận là các tác động của hạn hán và lụt do mưa lớn và triều cường có ảnh hưởng lớn đến sản xuất lúa. Các kết luận trên được đưa ra dựa trên kết quả phân tích hồi quy đa biến đánh giá tác động các yếu tố bất lợi đến SXNN ở Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL). Nghiên cứu đã lấy 330 hộ khảo sát với 13 biến độc lập tại 06 tỉnh ĐBSCL. Kết quả hồi quy giúp tác giả xác định mức độ ảnh hưởng các biến tới thiệt hại SXNN do thiên tai gây ra. Tác giả phát hiện ra rằng khi mức độ nghiêm trọng của hạn tăng lên một mức có thể làm năng suất lúa giảm đi khoảng 1,6%. Còn nếu mức độ nghiêm trọng của lụt tăng lên 1 điểm thì năng suất lúa có thể giảm đi 1,2%. Nghiên cứu này đã sử dụng phân tích định lượng để phân tích tác động do thiên tai tới SXNN là chủ yếu, chưa đề cập đến yếu tố BĐKH, nhiệt độ tác động đến SXNN. Đề tài đã đưa được phương pháp hồi quy đa biến OLS để phân tích thiên tai tác động đến SXNN, nhưng chưa đưa được phương pháp áp dụng mô hình kinh tế lượng Ricardo để phân tích đánh giá, lượng hóa thiệt hại do thiên tai có xét đến yếu tố BĐKH đến SXNN [16].
Nguyễn Thị Thu Thủy (2018) trong nghiên cứu của mình đã khẳng định các hiện tượng thiên tai như bão, hạn hán, nước biển dâng và xâm nhập mặn tác động rất lớn đến kinh tế - xã hội tại Bến Tre. BĐKH làm biến đổi điều kiện tự nhiên theo hướng tiêu cực đã gây tác động nghiêm trọng đến năng suất, sản lượng của cả cây trồng và vật nuôi. Các hiện tượng như: mất diện tích đất canh tác (đất nhiễm mặn, nhiễm phèn, sạt lở, xói mòn), tình trạng khan hiếm nước ngọt phục vụ sinh hoạt và tưới tiêu vào mùa khô (hạn hán và hiện tượng nước mặt/nước ngầm bị nhiễm mặn), hiện tượng lúa và hoa màu chết/giảm năng suất, nghêu chết hàng loạt… diễn ra ngày càng nhiều về tần suất và quy mô. Từ đó làm xáo trộn, đe dọa nghiêm trọng đến sinh kế và đời sống của cộng đồng dân cư nghèo sinh sống tại các vùng đất thấp và ven biển. Trong nghiên cứu của mình, tác giả đưa ra giải pháp phòng chống các tác động do thiên tai dựa vào kinh nghiệm của người bản địa. Phát triển cộng đồng dựa trên sự am hiểu của cộng đồng về quy luật tự nhiên, ứng xử sao cho phù hợp với tự nhiên là nền tảng của phát
triển bền vững, điều này là hoàn toàn phù hợp với cộng đồng có vốn tri thức bản địa phong phú, đang là nền tảng cho ứng phó với BĐKH như cộng đồng dân cư ven biển tỉnh Bến Tre. Nghiên cứu này đã phân tích được các tác động do thiên tai có xét đến BĐKH tới các lĩnh vực kinh tế - xã hội, chủ yếu là sinh kế người dân và SXNN. Phương pháp sử dụng để xác định tác động thiệt hại mới dừng ở phương pháp thống kê mô tả, chưa phân tích được định lượng các tác động đó ảnh hưởng như thế nào đến SXNN bằng các mô hình kinh tế lượng [17].
Nguyễn Hoàng Sơn (2020) trong nghiên cứu của mình đã chỉ ra rằng huyện Krông Bông thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Hiện tượng lũ ống, lũ quét, sạt lỡ đất đá thường xuyên xảy ra. Biển đổi khí hậu làm ảnh hưởng đến tính ổn định của thời vụ, vụ đông xuân phải đẩy nhanh sớm hơn trước để tránh hạn hán; diện tích đất SXNN ngày càng bị thu hẹp do ảnh hưởng của lũ lụt và hạn hán: giai đoạn từ năm 2012-2018 có 13.760,1 ha diện tích đất SXNN bị ảnh hưởng. Trong nghiên cứu của mình, tác giả đã phân tích thiệt hại do thiên tai theo hai loại là thiệt hại trực tiếp và thiệt hại gián tiếp. Các kết quả tính toán mới dừng ở mô tả thống kê trong lĩnh vực SXNN là chính, chưa đề cập đến mô hình kinh tế lượng để phân tích đánh giá thiệt hại do thiên tai có xét tới yếu tố BĐKH đến SXNN [18].
Lê Sâm và cộng sự (2008) trong nghiên cứu của mình đã chỉ ra được các tác động của hạn hán đến kinh tế - xã hội tại tỉnh Ninh Thuận. Qua việc phân tích các tác động của hạn hán, nhóm nghiên cứu đã xây dựng được bản đồ hạn hán nhằm dự báo tình hình hạn hán và các tác động đến kinh tế - xã hội tại các địa phương trên địa bàn tỉnh. Trong nghiên cứu này, tác giả mới chỉ đề cập đến thiệt hại của riêng hiện tượng hạn hán mà chưa đề cập đến các thiên tai khác và các thiệt hại mới dừng đến việc thống kê số liệu trong thực tế [19].
Nguyễn Tuấn Anh (2012) trong nghiên cứu “Đánh giá ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến lĩnh vực thủy lợi, diêm nghiệp và đề xuất các giải pháp ứng phó” đã dùng phương pháp quy đổi các giá trị thiệt hại ở các thời điểm khác nhau về một thời điểm để tổng hợp đánh giá thiệt hại về lĩnh vực thủy lợi và diêm nghiệp. Tuy nhiên nghiên cứu này chưa đưa ra được mô hình hồi quy sử dụng cho việc dự báo các tác động ảnh hưởng và mức độ thiệt hại do thiên tai gây ra [20].
Các đề tài nghiên cứu khoa học như: “Lợi ích của thích nghi với BĐKH từ các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ, đồng bộ với phát triển nông thôn” do Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường (KH KTTV&MT) (2007) thực hiện [21]; “Tác động của nước biển dâng và các biện pháp thích ứng ở Việt Nam” do Viện KH KTTV&MT (2009) thực hiện [22]; “Nghiên cứu tác động của BĐKH toàn cầu đến các yếu tố và hiện tượng khí hậu cực đoan ở Việt Nam, khả năng dự báo và giải pháp chiến lược ứng phó” thuộc Chương trình khoa học công nghệ (KHCN) trọng điểm KC-08 (2010) [23]; “Nghiên cứu ảnh hưởng của BĐKH đến các điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên và đề xuất các giải pháp chiến lược phòng tránh, giảm nhẹ và thích nghi, phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội ở Việt Nam” thuộc Chương trình khoa học công nghệ trọng điểm KC-08 (2010) chưa đưa được phương pháp mô hình kinh tế lượng để đánh giá thiệt hại do thiên tai có xét tới yếu tố BĐKH [24].
Như vậy, các nghiên cứu đánh giá tác động do thiên tai xét đến BĐKH tại Việt Nam đã được nhiều cơ quan tổ chức, nhà khoa học, cá nhân tiến hành nghiên cứu dưới nhiều phương pháp khác nhau. Tuy nhiên đa phần các nghiên cứu mới tập trung vào nhận thức về thiên tai có xét đến BĐKH, thống kê thiệt hại do thiên tai gây ra trong quá khứ và phân tích các tác động do thiên tai đến các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Các nghiên cứu về tác động do thiên tai có xét tới BĐKH đến trồng trọt dùng phương pháp mô hình kinh tế lượng hầu như chưa được nghiên cứu một cách khoa học.
1.2.2 Tổng quan nghiên cứu các phương pháp đánh giá tác động do thiên tai và biến đổi khí hậu đến trồng trọt
1.2.2.1Trên Thế giới
Lĩnh vực Nông nghiệp là lĩnh vực rất nhạy cảm với khí hậu, do vậy đánh giá tác động do thiên tai, biến đổi khí hậu đến nông nghiệp là một chủ đề đang được nhiều nghiên cứu quan tâm. Rất nhiều nghiên cứu về lĩnh vực này đã chỉ ra thiên tai, biến đổi khí hậu có thể gây các thiệt hại tới cả hoạt động trồng trọt và chăn nuôi (Deschenes, 2007; Mendelsohn, 1994; Adam và cộng sự, 1998; Banerjee, 2010). Thiên tai, biến đổi khí hậu cũng sẽ gây ra những tác động đáng kể tới môi trường nông thôn và cân bằng hệ sinh thái rừng, nông nghiệp (Walker & Steffen, 1997; Bruijnzeel, 2004) gây ra các thiệt hại về năng suất, lợi nhuận và việc làm. An ninh lương thực rõ ràng cũng bị đe
doạ bởi thiên tai, biến đổi khí hậu (Sanchez, 2000; Siwar và cộng sự, 2013) do sự không ổn định của sản xuất nông nghiệp dẫn đến những thay đổi trên các thị trường, giá lương thực và cơ sở hạ tầng cung ứng. Tác động tiêu cực do thiên tai, biến đổi khí hậu với nông nghiệp có thể thay đổi do sự thay đổi của nhiệt độ, nước, và sự xuất hiện các thảm hoạ thiên tai mới (Finger và cộng sự, 2007). Hàm sản xuất lúc đầu được sử dụng để xem xét các tác động do thiên tai, biến đổi khí hậu tới nông nghiệp. Tuy nhiên, cách tiếp cận này đã đo lường quá mức thiệt hại do thiên tai, biến đổi khí hậu vì bỏ qua các yếu tố thích ứng. Trên thực tế, đối mặt với các thách thức về khí hậu, người nông dân đã thích ứng với sự thay đổi này để giảm thiểu các tác động tiêu cực do thiên tai, biến đổi khí hậu và trong một số trường hợp thậm chí còn mang lại một số lợi ích nhất định ví dụ như chuyển đổi sử dụng đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thay đổi mùa vụ gieo hạt, phương thức tưới tiêu, ứng dụng khoa học kỹ thuật (KHKT) là các ví dụ về sự thích ứng mà người sản xuất có thể thực hiện (Brklacich và cộng sự, 1997; Mendelsohn và cộng sự, 1994). Mặc dù một số phương thức thích ứng với thiên tai, biến đổi khí hậu như phát triển công nghệ mới, quản lý tài chính khá tốn kém chi phí ban đầu nhưng lợi ích của các biện pháp ứng phó thiên tai, biến đổi khí hậu có thể vượt quá các chi phí của nó trong dài hạn. Do vậy, các kết quả nghiên cứu có thể không đồng nhất nhau, thậm chí trái ngược theo từng vùng và ở từng nước và từng bối cảnh nghiên cứu. Các nghiên cứu kinh tế đã đề xuất khá nhiều mô hình có thể ứng dụng để đánh giá tác động do thiên tai, biến đổi khí hậu tới nông nghiệp. Mỗi mô hình đều có các ưu điểm và nhược điểm khác nhau đó nổi lên hai hướng ứng dụng mô hình kinh tế đánh giá tác động do thiên tai, biến đổi khí hậu đó là mô hình cân bằng riêng phần và mô hình cân bằng tổng quát. Các mô hình cân bằng riêng phần trong các nghiên cứu kinh tế về tác động do thiên tai, biến đổi khí hậu được chia thành hai hướng phân tích. Thứ nhất là dựa trên các mô hình mô phỏng tăng trưởng cây trồng (Eitzinger và cộng sự, 2003; Torriani và cộng sự, 2007, Mendelsohn & Dinar, 2009
[25] ) và thứ hai là sử dụng các mô hình kinh tế lượng như mô hình tiếp cận hàm sản xuất (Isik & Devadoss, 2006; Lhomme và cộng sự, 2009; Poudel và Kotani, 2013) hay mô hình Ricardo (Mendelsohn và cộng sự, 1994; Di Falco & Veronesi, 2013a, b [26]; Oluwasusi, 2013). Trong khi đó, một số nghiên cứu lại cho rằng tất cả các mô hình trên đều tập trung vào ngành nông nghiệp và một khía cạnh nhất định của nó như trồng
trọt, thuỷ sản mà không xem xét mối quan hệ tương quan với các ngành kinh tế khác hay nói cách khác chủ yếu xem xét ở dạng mô hình cân bằng riêng. Vì lý do đó, một số nghiên cứu đã phát triển các mô hình kinh tế tổng quát (GEM) (Borsello & Zang, 2005; Calzadilla và cộng sự, 2010a, b [27]) nhằm đưa ra bức tranh tổng quan hơn về tác động do thiên tai, biến đổi khí hậu trong mối tương quan đồng thời của rất nhiều ngành, nhiều lĩnh vực (Prinn và cộng sự, 1999; Kainuma và cộng sự, 2003 [28]; Dinar & Mendelsohn, 2011). Hạn chế lớn nhất của mô hình cân bằng tổng quát là khó khăn trong thu thập số liệu về giá cả ở các thị trường nên ảnh hưởng lớn đến tính chính xác