Việt Nam được dự báo là một trong các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do thiên tai, BĐKH trong tương lai. Tuy nhiên, ít người biết về nền kinh tế nông nghiệp này sẽ bị ảnh hưởng như thế nào bởi thiên tai, BĐKH trong tương lai. Nghiên cứu tiến hành đánh giá tác động do thiên tai và BĐKH đến trồng trọt với bộ dữ liệu điều tra khảo sát trực tiếp tại Nghệ An năm 2020 để từ đó áp dụng mô hình kinh tế lượng Ricardo và mô hình hồi quy tuyến tính OLS nhằm phân tích, đánh giá dự báo thiệt hại và các giải pháp ứng phó của tỉnh Nghệ An. Qua đó cung cấp thêm cho các cơ quan nhà nước phương pháp tính toán, phân tích, đánh giá và dự báo về thiệt hại do thiên tai và BĐKH đến trồng trọt các hộ dân cho hiện tại và tương lai.
1) Hoàn thiện cơ sở lý luận và thực tiễn tác động do thiên tai và BĐKH đến trồng trọt của hộ nông dân
Luận án đã hình thành cơ sở lý luận và thực tiễn tác động do thiên tai và BĐKH đến hoạt động trồng trọt của hộ nông dân, đánh giá chung thực trạng hoạt động trồng trọt, các loại hình thiên tai thường xẩy ra (bão, hạn, mặn) và hai hiện tượng BĐKH phổ biến (nhiệt độ, lượng mưa) tại tỉnh Nghệ An.
2)Ứng dụng mô hình kinh tế Ricardo theo năm để đánh giá tác động do thiên tai có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu đến trồng trọt hộ nông dân tỉnh Nghệ An và mô hình hồi quy đa biến OLS để đánh giá tác động của các biện pháp ứng phó đến doanh thu hộ nông dân; từ đó đề xuất ra mô hình kinh tế phù hợp
Luận án đã đi sâu đánh giá tổng quan các kết quả nghiên cứu trước, các phương pháp và mô hình toán có liên quan trên cơ sở đó lựa chọn các biến số nghiên cứu, các phương pháp, mô hình nghiên cứu phù hợp với các loại hình thiên tai, phù hợp với đặc trưng tỉnh Nghệ An.
Luận án đã vận dụng các mô hình kinh tế hiện đại để lượng hóa các tác động do thiên tai và biến đổi khí hậu gồm mô hình Ricardo theo năm để đánh giá tác động của các nhân tố tới doanh thu hộ nông dân tỉnh Nghệ An; từ đó dự báo thiệt hại về doanh thu
của hộ nông dân theo các kịch bản BĐKH khác nhau. Mô hình hồi quy đa biến để đánh giá tác động của các biện pháp ứng phó đến doanh thu hộ nông dân và để từ đó đề xuất ra mô hình kinh tế phù hợp.
3) Phân tích, đánh giá, lượng hóa được các tác động do thiên tai, BĐKH đến trồng trọt. Các kết quả của mô hình đảm bảo tính khoa học và phản ánh thực tiễn
Các tác động ước tính do thiên tai, có xét đến yếu tố BĐKH sẽ được giảm thiểu nếu tỉnh Nghệ An tăng cường nắm bắt được sự thay đổi kỹ thuật trong tương lai đối với cây trồng hoặc kỹ thuật canh tác để thích ứng với các hiện tượng thiên tai và BĐKH như thay đổi thời vụ cây trồng, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, chọn giống có tính chống chịu cao, ứng dụng kỹ thuật tiên tiến và sản xuất nông nghiệp như cải thiện hệ thống tưới tiêu, giảm thất thoát, kết nối thoát nước nhiều hơn, nâng cấp hệ thống hồ chứa bề mặt, phao ngăn bão cho hồ ao, bờ kè.
Thiên tai và BĐKH tác động đến nông nghiệp cụ thể là trồng trọt ở Nghệ An trong những năm qua. Thiệt hại đối với các ngành này là tương đối lớn và rõ ràng. Cụ thể, tại Nghệ An khi số ngày bão tăng lên 1 ngày thì làm giảm 0,466 triệu đồng, tuy nhiên nếu có biện pháp ứng phó thì giảm 0,241 triệu đồng; Cường độ bão tăng lên 1 cấp làm thiệt hại doanh thu là 0,285 triệu đồng nếu không có biện pháp ứng phó và 0,258 triệu đồng nếu có biện pháp ứng phó. Số cơn bão mạnh có chiều hướng tăng lên, gia tăng về số lượng và cường độ bão mùa bão kết thúc muộn, quỹ đạo bão trở nên dị thường khiến cho hoạt động sản xuất nông nghiệp của hộ gia đình bị ảnh hưởng. Đặc biệt là việc xuất hiện nhiều hơn những cơn siêu bão gây thiệt hại nặng nề tàn phá hệ thống đê điều, cây trái mùa màng.
Đánh giá tác động của thay đổi nhiệt độ, số liệu thống kê cho thấy nhiệt độ lớn nhất của cả hai vụ đều có tác động tiêu cực tới doanh thu hoạt động trồng trọt. Cụ thể, nhiệt độ lớn nhất vụ hè thu có ảnh hưởng tiêu cực và lớn tới doanh thu trồng trọt (-2,448%), nhiệt độ lớn nhất vụ đông xuân tăng 1°C thì doanh thu trồng trọt giảm 0,681%, kết quả này khá tương đồng với nghiên cứu của Trinh và cộng sự (2018) nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu tới sản xuất nông nghiệp của các hộ gia đình ở Việt Nam. Mùa hạ và mùa thu là hai mùa có nền nhiệt cao nhất, nắng nóng kéo dài thường kèm theo các
hiện tượng thiếu nước, khô hạn nên nhiệt độ càng cao càng có hại cho sự phát triển của cây trồng và làm tăng chi phí tưới tiêu, nên càng ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất của các hộ nông dân nông nghiệp.
Tuy nhiên, ngược lại nhiệt độ nhỏ nhất vụ đông xuân tăng lên 1 độ C có tác động tích cực giúp doanh thu tăng 0,932%, còn nhiệt độ nhỏ nhất vụ hè thu thì chưa đủ cơ sở để kết luận bởi hệ số ước lượng không có ý nghĩa thống kê. Sự gia tăng nhiệt độ ở những vùng có mùa đông ấm hơn có lợi cho sự phát triển của lúa và các loại cây trồng khác, giúp tăng tỷ lệ đậu quả ở các khu vực trồng cây ăn trái đặc biệt ở Nghệ An. Tóm lại, nhiệt độ là yếu tố ảnh hưởng mạnh nhất tới doanh thu trồng trọt của các hộ nông dân. 4) Đánh giá được tác động của các biện pháp ứng phó đến thiên tai, BĐKH đến trồng trọt cho địa bàn tỉnh Nghệ An
Về các biện pháp ứng phó, nghiên cứu thực hiện phân tích 04 biện pháp với các hộ trồng trọt, bao gồm thay đổi thời vụ sản xuất, chọn giống có tính chống chịu cao, tăng cường phòng chống bệnh dịch và củng cố hệ thống thủy lợi. Kết quả phân tích cho thấy, hộ dân có xu hướng lựa chọn các biện pháp này khi các hiện tượng tiêu cực của thời tiết xảy ra (bão, hạn, mặn). Bên cạnh đó, việc triển khai các biện pháp này không những cần kinh nghiệm, kiến thức mà còn cần lượng vốn tương đối lớn, nhất là biện pháp cải thiện hệ thống thủy lợi và kiên cố hóa bờ ao. Do đó, doanh thu chung từ các hoạt động trồng trọt, cũng như các biện pháp hỗ trợ từ KHKT góp phần tăng xác suất các biện pháp này được lựa chọn. Các biện pháp này khi được áp dụng cũng cho thấy tác dụng tích cực của nó tới doanh thu từ cây trồng, vật nuôi khác nhau.
5) Các chính sách và giải pháp được đề xuất phù hợp với khung chính sách chung, có tính thực tiễn, khả thi, phù hợp với điều kiện của tỉnh Nghệ An về giảm thiểu tác động thiên tai và BĐKH đến trồng trọt
Kết quả nghiên cứu của Luận án cho thấy, trong thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều giải pháp, chính sách phòng chống và giảm thiểu tác động bất lợi do thiên tai nói chung và bão, hạn nói riêng. Tỉnh Nghệ An cũng đã chủ động triển khai các giải pháp, chính sách đối phó, khắc phục thiên tai gây ra và đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Thứ nhất là quan tâm, triển khai kịp thời các quy định về thể chế, chính sách trong phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai. Hầu hết khu vực này đều lồng ghép các quy định phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội cũng như ban hành quy hoạch thuỷ lợi, ban hành các quy định chi tiết để triển khai các chính sách của nhà nước. Việc triển khai các chính sách hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, đặc biệt là bão, và hạn đã đem lại những tác động tích cực cho người dân, đặc biệt là nhóm người nghèo, yếu thế.
Thứ hai là, năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai của các tỉnh trong vùng đã được cải thiện đáng kể, kết quả dự báo, cảnh báo thiên tai ngày càng kịp thời và chính xác hơn thông qua việc đầu tư cơ sở vật chất, từng bước áp dụng công nghệ mới, hiện đại hỗ trợ cho việc ra quyết định chỉ đạo điều hành.
Thứ ba là bộ máy tổ chức và nguồn nhân lực phòng chống thiên tai được quan tâm kiện toàn và nâng cao năng lực theo hướng chuyên nghiệp hoá. Trên 90% các xã trong khu vực đã thành lập đội xung kích PCTT cấp xã, là lực lượng nòng cốt thực hiện phương châm “4 tại chỗ”.
Thứ tư là việc đầu tư xây dựng, sửa chữa nâng cấp hàng nghìn công trình phòng chống thiên tai như đê sông, đê biển, hồ chứa nước, hệ thống công trình thuỷ lợi được các địa phương trú trọng mặc dù nguồn kinh phí còn hạn chế, đã cải thiện và duy trì năng lực PCTT của địa phương.
Thứ năm là việc giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng chống thiên tai được tăng cường và đạt được hiệu quả rõ rệt trong việc thực hiện tiếp cận theo hướng quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng. Nhiều hình thức giáo dục, tuyên truyền như tập huấn theo Đề án 1002, đào tạo lồng ghép với các chương trình, dự án đã được triển khai sâu rộng bằng cả hình thức truyền thống và đa phương tiện, áp dụng công nghệ mới tạo nên hiệu quả rõ rệt trong việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng chống và khắc phục tác động bất lợi do thiên tai. Chương trình bố trí dân cư những năm qua đã di chuyển hàng tram hộ dân ra khỏi vùng có nguy cơ cao về thiên tai và hàng trăm hộ ở phân tán trong rừng phòng hộ, đặc dụng, từng bước giảm
thiểu những thiệt hại về người và tài sản khi có bão, lũ góp phần quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, tạo sinh kế bền vững cho người dân.
Dù công tác chủ động ứng phó với thiên tai đã được những kết quả nhất định, tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức khi diễn biến thiên tai ngày càng gia tăng cả về cường độ và tính bất thường. Trong đó, nhận thức của một số bộ phận cộng đồng người dân còn hạn chế, bất cập, thiếu đồng đều; thiếu các hình thức và sự quan tâm cao tới các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cụ thể cho các nhóm đối tượng, đặc biệt nhóm đối tượng dễ bị tổn thương. Hệ thống thể chế, chính sách còn những tồn tại chưa đồng bộ, chưa đáp ứng với yêu cầu thực tiễn, đặc biệt là việc triển khai chính sách còn lúng túng và chậm ở một số địa phương. Chính sách cụ thể để người dân chủ động tham gia vào công tác phòng chống thiên tai còn thiếu và bất cập. Nguồn kinh phí cho công tác phòng ngừa thiên tai và hoạt động nâng cao nhận thức còn hạn chế. Phương tiện thông tin, truyền thông tới cộng đồng còn chưa hoàn thiện, đặc biệt là thông tin đến các vùng sâu vùng xa.