Giọng điệu trữ tình không phải là một chất giọng ủy mị, da diết mà đó là một giọng điệu thể hiện cái sâu sắc trong tâm tình người viết đi sâu vào lòng người đọc. Giọng trữ tình giúp người đọc cảm thông hơn với những điều mà từng nhân vật đã trải qua, trong đó chứa đựng rất nhiều cái tình của người tác giả. “Đừng có chết ở đây. Nghỉ ngơi một tí đi, cô sẽ thấy khá lên thôi. Cô đói không? Tôi sẽ mang cho cô chút thức ăn của tôi, làm ơn đừng chết”[Tr. 33], sự quan tâm trong giọng nói của Zorba là một điều không thể bàn cãi trong câu nói trên, người đọc có thể cảm nhận sự thiết tha cũng như sự ân cần qua việc hỏi han, thậm chí là nài nỉ của Zorba dành cho Kengah; trong một bản hòa ca giọng hát tươi vui, sôi nổi thì những lúc sử dụng giọng điệu như thế này lại giống như một nốt trầm trong cả bài hát ấy. Tuy là nốt trầm nhưng không hề chứa đựng sự buồn thương hay bi lụy, nó vẫn giữ được các đường nét chính của toàn bộ câu chuyện.
- “Con thật là đồ kém cỏi! Con thật là đồ kém cỏi!” nó khóc lóc nức nở, không sao dỗ dành được.
- “Không kẻ nào có thể bay được ngay trong lần đầu tập cả, con sẽ học dần. Ta hứa đấy”, Zorba meo meo khẽ, liếm đầu nó.[Tr. 112]
Đoạn đối thoại chúng tôi vừa đưa ra trên đây là giữa Zorba và Lucky sau những cố gắng bay không thành công của Lucky, Zorba đã mang giọng điệu trữ tình sâu sắc để san sẻ nỗi niềm cùng cô bé, nhờ đó mà niềm tin của Lucky lại được thắp sáng lại như trước đây. Cũng nhờ vào sự quan tâm và đồng cảm mà trong một số trường hợp đã mang đến những niềm cảm thương sâu xa trong lòng độc giả đối với từng nhân vật, người đọc có thể cảm nhận được tình cảm dạt dào mà các nhân vật dành cho nhau, và gom nhặt hết những lần giọng điệu ấy được cất lên thì đã tạo nên một không khí ấm áp
trong một thế giới tràn ngập sự sẻ chia, rộng lượng và bao dung. Nó khá giống như không khí của một gia đình!
Dựa vào những phân tích ở phía trên, chúng tôi muốn cho độc giả thấy được cái hay của tác giả khi vận dụng khá nhiều giọng điệu khác nhau đối với từng hoàn cảnh và đối tượng khác nhau. Tuy được sử dụng khá đa dạng như thế nhưng giọng điệu đặc trưng của toàn tác phẩm là hóm hĩnh, tươi vui vẫn được giữ nguyên, không bị đánh mất đi, đó lại là cái hay thứ hai của tác giả. Không những thế, qua mỗi giọng điệu đặc sắc mà tác giả thể hiện đều chứa đựng những hiệu quả rất riêng và đặc trưng, gom góp từ những cái riêng ấy đã tạo nên hiệu quả chung cho toàn tác phẩm: những điều cần sự quan tâm đã nhận được sự đồng cảm nơi người đọc, những điều cần sự nhận thức đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ từ độc giả…, chính vì vậy giọng điệu đã góp phần không nhỏ tạo nên sự thành công của tác phẩm này – đây cũng được coi như là thành công thứ ba của tác giả. Cuối cùng, thông qua từng giọng điệu người đọc sẽ thấu hiểu hơn những cảm quan sống của tác giả, nó mang nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau nhưng trên hết vẫn là một niềm lạc quan sống, lạc quan yêu đời qua cách nói bình dị, gần gũi và tràn đầy nhựa sống.