Trong sắp xếp ĐVHC cấp xã, yếu tố biến động và tác động sâu sắc đến xã hội đó là con người. Việc sáp nhập các xã không đủ tiêu chí về diện tích, dân số không đơn thuần là sự sát nhập cơ học các ĐVHC nhỏ lại với
nhau, mà bản chất là kéo theo sự thay đổi về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và phương thức quản trị xã hội. Người dân bị thay đổi thói quen trong khi thực hiện nhu cầu về dịch vụ hành chính công ở phạm vi qui mô xã nhỏ qua xã qui mô lớn; năng lực quản trị của chính quyền địa phương được mở rộng, đòi hỏi năng lực đội ngũ CB, CC cấp xã phải tương ứng, đáp ứng mục đích của việc xác nhập. Do đó, để sắp xếp bộ máy công quyền cấp xã hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn cần phải có tư duy mới và năng lực trong thiết kế, vận hành bộ máy quản trị địa phương tương xứng với phạm vi quản trị được mở rộng. Mặt khác, giải quyết những vấn đề về nhân sự trong sắp xếp các ĐVHC cấp xã luôn là vấn đề khó khăn nhất. Lựa chọn CB, CC đủ năng lực, năng động bố trí vào bộ máy mới là nhiệm vụ hàng đầu. Khi sát nhập, sắp xếp ĐVHC cấp xã bắt buộc phải chuyển đổi nhiều vị trí việc làm, thậm chí một bộ phận CB, CC dôi dư phải thực hiện chế độ tinh giảm, tạo ra sự xung đột nhất định trong đội ngũ CB, CC cấp xã.
Chính vì vậy, cần tập trung tuyên truyền, tạo nên sự đồng thuận của CB, CC ở các đơn vị cần sáp nhập. Phải bám sát chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhất là Nghị định 34/2019 NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số quy định về CB, CC cấp xã và những người hoạt động không chuyên trách ở xã, thôn, tổ dân phố (sau đây gọi tắt là Nghị định 34/2019 NĐ-CP của Chính phủ) để sắp xếp phù hợp.