7. Kết cấu của luận văn
1.3.2. Các yếu tố bên trong tổ chức
- Lương, thưởng, phúc lợi:
Lương là yếu tố đầu tiên thể hiện khả năng đáp ứng nhu cầu vật chất của người lao động. Có thể nói, đối với phần lớn người lao động, lương là một trong những yếu tố cơ bản chi phối quyết định lựa chọn công việc. Ở khu vực tư, lương đã trở thành công cụ chủ yếu để các doanh nghiệp cạnh tranh trong tuyển dụng nhân lực. Cũng có một số ít doanh nghiệp lớn có thương hiệu không nhất thiết phải trả mức lương cao nhất mới có được người giỏi nhưng mức lương mà họ chi trả cũng thường là hấp dẫn hơn so với mặt bằng chung của thị trường lao động. Theo các chuyên gia nhân sự, một công ty muốn thu hút và giữ chân người giỏi thì mức lương phải hơn mức trung bình của thị trường ít nhất là 10%.
Trung Quốc, một trong những quốc gia được cho là thành công trong việc thu hút Hoa kiều có trình độ cao, cũng phải dùng đến biện pháp nâng lương rất táo bạo mới có thể thu hút được những người giỏi thực sự. Chẳng hạn, để thu hút được những giáo sư giỏi ở nước ngoài, Trung Quốc đã đề ra mức lương thu hút là 40.000USD/năm, trong khi mức lương chính thức của một giáo sư ở Trung Quốc là 7.200USD/năm.
Bên cạnh lương, các chế độ thưởng và phúc lợi cũng góp phần đáp ứng nhu cầu vật chất của người lao động. Một số phúc lợi có ý nghĩa chi phối nhiều đến quyết định lựa chọn công việc và nơi làm việc của người lao động là nhà ở (nhất là ở những thành phố lớn), bố trí công việc cho vợ (chồng), cơ hội học tập của con cái, chế độ chăm sóc sức khỏe, nghỉ dưỡng, du lịch,... Thưởng hàng năm và thưởng theo thành tích cũng có tác động khuyến khích.
- Tính chất công việc:
Đối với nguồn nhân lực trình độ cao, tính chất công việc có ý nghĩa rất quan trọng. Càng được đào tạo chuyên sâu, người lao động càng muốn khai thác tối đa
những tri thức mà mình lĩnh hội. Vì thế, việc bố trí công việc đúng chuyên môn và khai thác được sở trường của họ phải là ưu tiên hàng đầu. Bên cạnh đó, sự thú vị, thách thức trong công việc cũng có ý nghĩa quan trọng đối với trí thức. Đây chính là sự thỏa mãn nhu cầu cao nhất của con người - nhu cầu được làm những việc mình yêu thích, khát vọng. Đôi khi những giá trị vật chất không còn ý nghĩa quan trọng nếu người trí thức thỏa mãn được những kỳ vọng lớn lao của mình như được cống hiến và thấy mình hữu ích.
- Điều kiện làm việc:
Điều kiện làm việc bao gồm các yếu tố vật chất như máy móc, thiết bị, thông tin, tài liệu, phòng làm việc,.. Đối với nguồn nhân lực trình độ cao thì yêu cầu về điều kiện làm việc càng cấp thiết. Các nhà nghiên cứu khoa học tự nhiên, công nghệ, kỹ thuật cần các phòng thí nghiệm, thư viện hiện đại; các nhà nghiên cứu khoa học xã hội, nhân văn, kinh tế cần nguồn thông tin, tài liệu đầy đủ, kịp thời; bác sĩ cần máy móc, thiết bị tiên tiến,... Nếu điều kiện làm việc không đáp ứng được nhu cầu nghiên cứu, sáng tạo, ứng dụng thì rất khó có thể thu hút được nguồn nhân lực trình độ cao về công tác. Đây là vấn đề đã được các trí thức Việt kiều quan tâm khi được mời gọi về làm việc tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, các điều kiện về thời gian, không gian làm việc cũng có ý nghĩa tác động nhất định, nhất là đối với những công việc mang tính nghiên cứu, sáng tạo thì cách quản lý thời gian làm việc cần linh hoạt hơn.
- Môi trường làm việc:
Con người không chỉ có nhu cầu vật chất mà còn có nhu cầu giao tiếp, được ghi nhận, tôn trọng và yêu thương. Vì thế, mối quan hệ đồng nghiệp – đồng nghiệp và quan hệ cấp trên – cấp dưới cũng là vấn đề mà người lao động quan tâm. Thái độ thân thiện, giúp đỡ nhiệt tình của đồng nghiệp sẽ khiến cho người lao động cảm thấy gắn bó hơn với nơi làm việc; trong khi sự so bì, ganh đua dễ khiến những người giỏi thấy nản lòng. Những người có trình độ cao cũng có nhu cầu được làm việc với những người giỏi, nhất là cấp trên trực tiếp của họ phải có năng lực chuyên môn và khả năng quản lý tốt. Sự ngưỡng mộ hay kính nể đối với lãnh đạo cũng là một trong những yếu tố thu hút và giữ chân nhân viên.
- Cơ hội đào tạo, thăng tiến :
Mỗi người đều có nhu cầu phát triển bản thân vì thế các cơ hội đào tạo, huấn luyện hữu ích luôn được người lao động đánh giá cao. Ngoài ra, trong những nhu cầu ở bậc cao của con người, theo A. Maslow, có nhu cầu được tôn trọng, ghi nhận, kính nể. Trong nhiều trường hợp, người lao động vẫn chấp nhận mức lương thấp nếu môi trường làm việc phù hợp và có cơ hội đào tạo, thăng tiến.
- Những yếu tố xuất phát từ môi trường sống (môi trường kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, khoa học công nghệ):
Những thành phố lớn như Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh thường không có nhiều chính sách ưu đãi đặc biệt để thu hút nguồn nhân lực trình độ cao nhưng đó vẫn là
nơi được đa số giới trí thức chọn làm việc vì những thuận lợi về điều kiện học hành, chăm sóc sức khỏe, vui chơi giải trí cho vợ (chồng), con cái. Tại những khu vực khác thì các thành phố trung tâm khu vực cũng có được điều kiện thuận lợi này dù không hấp dẫn bằng hai thành phố lớn nhất nước. Trên thế giới, những quốc gia có mức sống cao, chế độ an sinh xã hội và hệ thống cung ứng dịch vụ xã hội tốt, có nền văn hóa đa dạng với nhiều sắc tộc và sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh làm ngôn ngữ chính thường là nơi thu hút được nhiều lao động có trình độ cao, như Mỹ, Canada, Úc, Singapore,… Vì thế có thể nói, môi trường sống có ý nghĩa quan trọng trong công tác thu hút nguồn nhân lực.
Đối với một số nhà khoa học, môi trường hoạt động khoa học cũng có ý nghĩa nhất định, trong một số trường hợp, yếu tố này lại là yếu tố quyết định.
- Những giá trị tinh thần khác:
Lòng yêu quê hương, đất nước, mong muốn được cống hiến, được thể hiện bản thân và những giá trị tinh thần không đo lường, tính toán được cũng có ý nghĩa tác động đến đội ngũ trí thức trong một số trường hợp.
Trên đây là những yếu tố có thể tác động đến việc thu hút nguồn nhân lực nói chung. Trong đó, đối với nguồn nhân lực trình độ cao thì ba nhóm nhân tố sau là có ý nghĩa quan trọng nhất: lợi ích kinh tế (lương, thưởng, phúc lợi), cơ hội học tập nâng cao trình độ (học nâng cao trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, tích lũy kinh nghiệm làm việc, nghiên cứu) và điều kiện làm việc (các chương trình hỗ trợ nghiên cứu đối với các nhà khoa học, trang thiết bị hiện đại đối với bác sĩ, kỹ sư, môi trường kinh doanh năng động, hiện đại, cơ hội kinh doanh hiệu quả đối với những nhà quản trị doanh nghiệp,...). Riêng đối với việc thu hút nguồn nhân lực trình độ cao từ ngoài nước thì một số yếu tố như chiến tranh, suy thoái kinh tế, tôn giáo, chính trị cũng có ý nghĩa chi phối nhất định.