Để thực hiện đề tài, người nghiên cứu đã tìm hiểu và hệ thống cơ sở lý thuyết về
lòng trung thành và sự thỏa mãn của các tác giả như Jacoby & Chesnust, Dick &
Basu, Oliver, Bitner, M.J. & Hubert, Parasuraman, Zeithaml & Bitner, Cha và Bryang, Johnson, Trần Ngọc Nam…
Ngoài ra, tác giả đã tham khảo một số mô hình nghiên cứu như mô hình Teoul (James Teboul, 1991), mô hình Kano (Kano & ctg, 1993), mô hình về mối quan hệ
nhân quả giữa sự cảm nhận chất lượng với sự hài lòng của khách hàng (Zeithaml & Bitner, 2000) và một số mô hình của một số đề tài nghiên cứu liên quan như “mô hình nghiên cứu chất lượng dịch vụ, sự thỏa mãn và lòng trung thành khách hàng siêu thị tại TP. Hồ Chí Minh”, “Mô hình nghiên cứu sự thỏa mãn của du khách nội địa tại Nha Trang”, và “Mô hình nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến lòng trung thành của khách du lịch nội địa hướng đến Nha Trang”. Tất cả là cơ sở để người
nghiên cứu lựa chọn mô hình nghiên cứu phù hợp cho mình.
Qua điều tra 200 khách nước ngoài đang đi du lịch tại Nha Trang, đề tài đã xác
định được ba nhân tố chính ảnh hưởng đến lòng trung thành của khách quốc tế hướng đến Nha Trang, bao gồm: N4 - Suy nghĩ tích cực về điểm đến; N5 - Khả năng cung cấp của nhà hàng và dịch vụ bổ sung; và N8 - Môi trường và trạm dừng.
Trong ba nhân tố này, nhân tố ảnh hưởng mạnh nhất chính là nhân tố N4.
Đồng thời, nghiên cứu đã chỉ ra mối quan hệ mật thiết giữa sự thỏa mãn với
lòng trung thành của du khách cũng như các nhân tố ảnh hưởng đến sự thỏa mãn của khách quốc tế khi du lịch tại Nha Trang. Ngoài ba nhân tố đã kể trên, sự thỏa
mãn của khách còn chịu ảnh hưởng thêm bởi hai nhân tố là N1 - Phong cách và thái độ phục vụ; và N3 - Chương trình tour và thông tin du lịch. Trong năm nhân tố
này, thì ba nhân tố tác động mạnh đến sự thỏa mãn của du khách lần lượt là N5, N1
và N4. Đây sẽ là cơ sở để người nghiên cứu viết tiếp những giải pháp và kiến nghị.