Triệu chứng và phương pháp chuẩn đoán bệnh bạc lá lúa

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá đặc điểm nông sinh học và khả năng kháng bệnh bạc lá của một số dòng lúa bắc thơm 7 cải tiến (Trang 27 - 29)

2.1.2 .Tình hình sản xuất lúa gạo ở Việt Nam

2.2. NGHIÊN CỨU VỀ BỆNH BẠC LÁ LÚA

2.2.3. Triệu chứng và phương pháp chuẩn đoán bệnh bạc lá lúa

Về triệu chứng bệnh bạc lá lúa: Bệnh bạc lá gây hại từ giai đoạn mạ, lúa đẻ nhánh và lúa làm đòng trỗ, nhưng biểu hiện rõ rệt nhất ở giai đoạn lúa làm đòng trỗ bông: vết bệnh ban đầu là những chấm nhỏ, trong, dạng giọt dầu ở phiến hoặc rìa mép lá, vết bệnh kéo dài theo gân chính hoặc rìa mép lá gây ra hiện tượng héo xanh, lá chuyển dần sang màu xám trắng và co thắt ở gân chính, bộ lá lá xơ xác kể cả lá đòng. Trong điều kiện mưa nhỏ, trời âm u, trên bề mặt vết bệnh xuất hiện rất nhiều giọt dịch, về sau viên keo vi khuẩn đặc lại có màu vàng trong, sau đó chuyển dần thành màu vàng đậm, màu hổ phách. Viên keo có dạng hình cầu tròn, kích thước to, nhỏ rất khác nhau từ 0,5mm đến 2mm. (Ezuka, 2000).

Bệnh bạc lá lúa được chia thành hai dạng hình triệu chứng: Bạc lá gợn vàng và bạc lá héo tái xanh. Dạng bạc lá gợn vàng biểu hiện rõ nhất trên các lá bánh tẻ, rìa mép lá vùng tiếp giáp với mô bệnh phiến lá vàng đều, ít xuất hiện trên lá nõn và lá già dưới gốc. Triệu chứng héo tái xanh thể hiện điển hình trên lá non kể cả lá mạ non và lá đòng, bệnh diễn ra rất nhanh chỉ sau 5-7 ngày, lá héo tái xanh như bị dội nước sôi, vết bệnh kéo dài theo gân lá, phiến lá có màu trắng xám, vết bệnh không có viền vàng, mô lá, phiến lá không bị biến vàng. Hai loại hình bệnh bạc lá gợn vàng và héo tái xanh có thể xuất hiện riêng rẽ hoặc cùng xuất hiện trên đồng ruộng (Devadath, 1970).

Trên hạt: Triệu chứng thể hiện ở những vết không màu, xung quanh có viền nước, các vết bệnh còn thấy rõ khi khi hạt thóc còn non, xanh. Khi chín vết bệnh chuyển sang màu vàng xám hoặc vàng nhạt.

Theo kết quả nghiên cứu của bộ môn bệnh cây – Học viện Nông nghiệp Việt Nam, có hai loại hình triệu chứng của bệnh bạc lá lúa là: bạc lá gợn vàng và bạc lá tái xanh. Loại hình bạc lá gợn vàng phổ biến trên hầu hết các giống vụ mùa, còn loại hình bạc lá tái xanh thường chỉ thấy xuất hiện trên một số giống lúa, đặc biệt là các giống ngắn ngày, chịu phân, phiến lá to, có thế đứng như T1, X1, NN27... Ngoài ra, theo kết quả nghiên cứu của Viện khoa học Nông nghiệp Việt Nam, khi vi khuẩn xâm nhập vào cây lúa qua rễ và gốc, cây có thể biểu hiện ngay triệu chứng Kresek: lá và toàn bộ cây lúa bị héo (Viện khoa học Nông nghiệp Việt Nam, 2010). Thông thường, danh giới giữa mô bệnh và mô khỏe được phân biệt rõ ràng, có giới hạn theo đường gợn sóng có màu vàng hoặc không vàng, có khi chỉ là một đường viền nâu đứt quãng hay không đứt quãng.

Trong điều kiện nhiệt độ, ẩm độ cao, trên bề mặt xuất hiện những giọt dịch vi khuẩn hình tròn nhỏ có màu vàng đục, khi keo đặc quánh có màu nâu hổ phách.

Ở miền Bắc nước ta, bệnh có thể phát sinh, phát triển trên tất cả các vụ trồng lúa. Vụ chiêm xuân, bệnh thường phát sinh vào tháng 3 - 4. phát triển mạnh hơn vào tháng 5 - 6 khi mà lúa chiêm xuân trỗ chín, song ở vụ chiêm xuân mức độ bị bệnh thường nhẹ hơn, tác hại ít nghiêm trọng hơn so với vụ mùa, trừ một số giống lúa cấy muộn, nhiễm bệnh ngay từ khi lúa làm đòng.

Bệnh bạc lá lúa thường phát sinh và gây tác hại lớn trong vụ mùa. Bệnh có thể phát sinh sớm vào tháng 8, khi lúa làm đòng, trỗ, chín sữa với các trà lúa sớm. Đối với các giống lúa mẫn cảm, bệnh thường bị rất sớm và khá nặng, giảm năng suất nhiều. Các trà lúa cấy muộn trỗ vào tháng 10 thường bị bệnh nhẹ hơn, tác hại của bệnh cũng ít hơn. Nhìn chung, bệnh phát triển mạnh vào giai đoạn cây lúa dễ nhiễm bệnh nhất là lúc lúa làm đòng và chín sữa.

Bệnh phát sinh, phát triển mạnh và truyền lan nhanh trong điều kiện nhiệt độ từ 26- 30oC, ẩm độ cao từ 90% trở lên. Nhiệt độ đảm bảo cho bệnh phát triển, còn ẩm độ có ý nghĩa quyết định đến đến mức độ bệnh, mưa gió lại tạo điều kiện cho bệnh truyền lan. Vì thế mà bệnh thường phát sinh, phát triển mạnh vào khoảng tháng 7- 8, do trong thời gian này, những cơn mưa không những tạo vết thương trên lá mà còn làm cho vi khuẩn sinh sản nhanh, số lượng keo vi khuẩn hình thành nhiều, tạo điều kiện cho sự xâm nhiễm và truyền lan nhanh chóng.

Chân đất cũng là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sự phát sinh, phát triển của bệnh. Những vùng đất màu mỡ, nhiều chất hữu cơ bệnh thường phát sinh, phát triển mạnh hơn những vùng đất xấu, cằn cỗi. Nơi đất chua, úng ngập hoặc mực nước sâu, đặc biệt là những vùng đất hẩu, nhiều mùn, ruộng lúa bị che bởi bóng cây sẽ bị bệnh nặng hơn.

Về yếu tố dinh dưỡng, các dạng đạm vô cơ dễ làm cây lúa nhiễm bệnh mạnh hơn đạm hữu cơ; phân xanh bón vùi cũng làm cho lúa dễ nhiễm bệnh hơn bón phân chuồng ủ hoai mục. Ở vụ xuân, có thể bón đạm với số lượng cao hơn vụ mùa. Bón phân sâu, bón tập trung, bón nặng đầu nhẹ cuối, bón thúc sớm làm cho cây lúa đẻ nhánh tập trung, đẻ nhanh thì bệnh bạc lá sẽ nhẹ hơn so với bón phân rải rác và bón muộn. Nếu bón đạm cân đối với lân và kali thì bệnh nhẹ hơn nhiều so với việc bón phân riêng rẽ và mất cân đối. Tuy nhiên, với lượng đạm bón 120-150 kg N/ha thì dù có bón thêm lân và kali cũng không còn tác dụng.

Yếu tố giống: nhìn chung các giống lúa đang trồng trong sản xuất hiện nay đều có thể nhiễm bệnh bạc lá nhưng ở các mức độ khác nhau. Bệnh này cũng rất dễ phát sinh thành dịch, nhất là ở những nơi gieo cấy giống nhiễm bệnh. Các giống lúa địa phương cũ như Di Hương, Tám Thơm... bị bệnh rất nhẹ, còn các giống lúa mới nhập nội có năng suất cao, thấp cây, phàm ăn, phiến lá to thì hầu như nhiễm bệnh tương đối nặng như CR203, DT10..., hay một số giống nhập nội từ Trung Quốc.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đánh giá đặc điểm nông sinh học và khả năng kháng bệnh bạc lá của một số dòng lúa bắc thơm 7 cải tiến (Trang 27 - 29)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(91 trang)
w