2.1.2 .Tình hình sản xuất lúa gạo ở Việt Nam
2.2. NGHIÊN CỨU VỀ BỆNH BẠC LÁ LÚA
2.2.4. Tác hại của bệnh bạc lá lúa ở Việt Nam
Ở Việt Nam, bệnh bạc lá lúa đã thực sự gây tác hại từ lâu trên các giống lúa mùa cũ, nhưng đặc biệt từ những năm 1965-1966 trở lại đây, bệnh thường xuyên phá hoại nghiêm trọng trên các giống lúa mới nhập nội có năng suất cao ở vụ xuân, nhất là vụ mùa.
Mức độ tác hại của bệnh phụ thuộc vào giống, thời kỳ cây bị bệnh sớm hay muộn và mức độ bị bệnh nặng hay nhẹ. Năm 1970 trên diện tích lúa mùa cũ cấy giống Nông nghiệp 8 bị bệnh ở mức độ 60-100%, giảm năng suất từ 30 - 60%. Theo báo cáo của phòng bệnh cây thì tác hại của bệnh càng lớn khi mức độ của bệnh càng nặng (Lê Lương Tề, 1986).
Điều cần chú ý là mức độ tác hại của bệnh phụ thuộc vào thời kỳ bị bệnh, nếu cây lúa bị bệnh ngay từ khi đẻ nhánh thì mức độ của bệnh về sau thường rất nặng, ảnh hưởng rõ rệt hơn tới năng suất, có thể giảm tới 41% năng suất trở lên (Lê Lương Tề, 1987). Còn theo Phan Đình Phụng (1987), bệnh bạc lá làm giảm khả năng quang hợp của cây, làm cây mềm yếu kéo dài thời gian trỗ, bông bé làm tăng tỷ lệ lép cao, gạo nát và làm tăng cường độ hô hấp. Tác hại chủ yếu của bệnh là làm cho lá lúa, đặc biệt là lá đòng chóng tàn, nhanh chóng khô chết, bộ lá xơ xác, ảnh hưởng đến hiệu suất quang hợp, tỷ lệ hạt lép cao và năng suất giảm sút rõ rệt.
Theo Ezuka & Kaku (2000), có một số phương pháp chuẩn đoán bệnh bạc lá lúa: Phương pháp giọt dịch chìm của Yoshimurra, A. 1963: Cắt ngang một vài mẩu bệnh dài 5-8 cm phần tiếp giáp giữa mô bệnh và mô khỏe buộc thành một bó nhỏ nhấn chìm vào trong ống nghiệm chứa nước cất hoặc nước máy đặt cố định trên giá ống nghiệm, sau vài giờ có thể quan sát thấy các dòng vi khuẩn màu trắng đục chảy xuống đáy ống nghiệm tạo thành một lớp màng mỏng màu hơi vàng. Sự hình thành dịch vi khuẩn nhiều hay ít phụ thuộc vào lá bệnh và nhiệt độ
môi trường. Nếu lá bệnh mới, nặng và nhiệt độ môi trường cao 28 – 30oC thì chỉ sau 3-4 giờ quan sát trên bề mặt vết cắt sẽ xuất hiện rất nhiều dòng vi khuẩn vàng sáng chảy xuống đáy ống nghiệm.
Phương pháp để ấm của Tagami và ctv.1957 (dẫn theo Ezuka, 2000): cắt 3- 4 mẩu lá bệnh dài 5-6 cm đặt trong đĩa petri có chứa giấy lọc ẩm, đậy nắp hộp, sau 4-5 giờ quan sát nếu đúng là bệnh bạc lá có thể thấy sự xuất hiện các giọt dịch vi khuẩn màu trắng đục, màu vàng trong ở 2 đầu mẩu lá bệnh.
Phương pháp quan sát bằng kính hiển vi quang học của OTCA, 1970: Cắt một mẩu nhỏ lá bệnh dài 5mm đặt lên lam kính, nhỏ thêm 1-2 giọt nước cất, đậy lamen để ở nhiệt độ phòng trong vài giờ sau đó quan sát bằng kính hiển vi sẽ có thể thấy nhiều chấm nhỏ màu vàng rơm nhạt xuất hiện ở hai đầu vết cắt lá bệnh