ODA góp phần công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn

Một phần của tài liệu (Luận án tiến sĩ) Thu hút và sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) vào phát triển nông nghiệp, nông thôn Việt Nam nghiên cứu tại vùng Duyên hải Miền Trung (Trang 44 - 45)

Quan điểm của Đảng ta luôn: “Coi công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Phát triển công nghiệp, dịch vụ phải gắn bó chặt chẽ, hỗ trợ đắc lực và phục vụ có hiệu quả cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn” (nguồn: Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI). Mục tiêu tổng quát và dài hạn của công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là xây dựng một nền nông nghiệp và kinh tế nông thôn có cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại, cơ cấu kinh tế hợp lý, quan hệ sản xuất tiến bộ và phù hợp để tăng năng suất lao động và ngày càng nâng cao chất lượng sản phẩm, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, nhanh chóng nâng cao thu nhập và đời sống của dân nông thôn, đưa nông thôn nước ta tiến lên văn minh hiện đại.

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, Việt Nam cần số vốn đầu tư rất lớn. Trong khi nguồn vốn đầu tư trong nước còn hạn chế thì ODA chính là nguồn vốn cần thiết giúp Việt Nam thực hiện công nghiệp hoá - hiện đại hoá nông nghiệp và nông thôn. Sử dụng vốn ODA đầu tư xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật trong nông nghiệp, nông thôn như đường giao thông, thuỷ lợi, điện, nước sạch, y tế, chợ, hệ thống thông tin, các trang thiết bị kỹ thuật,…Vốn ODA cùng với các nguồn đầu tư khác trong nước, vốn FDI tạo ra một lực lượng sản xuất công nghiệp tiến bộ hơn, có tác động tích cực đến sự thành công của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phát triển sẽ là điều kiện đảm bảo cho sản xuất nông nghiệp, các hoạt động kinh tế khác ở nông thôn tăng trưởng nhanh và bền vững. Việt Nam tuy là một nước nông nghiệp nhưng kết cấu hạ tầng nông thôn còn lạc hậu chưa đáp ứng được yêu cầu của một nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa, đặc biệt là vấn đề giao thông nông thôn, giao thông miền núi. Thực tế, từ năm 1993 đến nay, nhờ có các dự án, chương trình ODA trong nông nghiệp, nhiều cơ sở hạ tầng nông thôn tại các vùng tham gia dự án đã và đang được nâng cấp, cải tạo theo hướng hiện đại hoá và bền vững.

Một phần của tài liệu (Luận án tiến sĩ) Thu hút và sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) vào phát triển nông nghiệp, nông thôn Việt Nam nghiên cứu tại vùng Duyên hải Miền Trung (Trang 44 - 45)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(196 trang)