Từ những kinh nghiệm của các nước trong quá trình thu hút và sử dụng ODA trong nông nghiệp, nông thôn, có thể rút ra bốn bài học về thu hút và sử dụng ODA như sau:
Một là, cần nhận thức đúng đắn về ODA, coi ODA là nguồn lực bên ngoài có tính chất bổ sung chứ không thay thế nguồn lực nội sinh. ODA không phải là “thứ cho không” mà chủ yếu là vay nợ nước ngoài theo điều kiện ưu đãi, gắn với uy tín và trách nhiệm quốc gia trong quan hệ với cộng đồng tài trợ quốc tế.
Hai là, nâng cao năng lực quản lý, trình độ chuyên môn và phát huy vai trò làm chủ cũng như tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ trong thu hút và sử dụng ODA nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn này.
Ba là, sự cam kết mạnh mẽ, chỉ đạo sát sao và có sự tham gia của đối tượng hưởng lợi sẽ bảo đảm việc thực hiện các chương trình, dự án ODA có hiệu quả; phòng và chống được thất thoát, lãng phí và tham nhũng.
Bốn là, xây dựng mối quan hệ đối tác tin cậy với các nhà tài trợ trên cơ sở tin cậy lẫn nhau, hợp tác xây dựng và cùng chia sẻ trách nhiệm trong cung cấp và tiếp nhận ODA là yếu tố không thể thiếu để thu hút và sử dụng ODA có hiệu quả.
Tóm lại, trong Chương 2, luận án đã hệ thống hóa lịch sử hình thành, khái niệm, phân loại, tính chất và mặt trái của ODA, các nhân tố ảnh hưởng đến quá trình thu hút và sử dụng ODA, phân tích vai trò của ODA đối với sự phát triển nông nghiệp, nông thôn Việt Nam, qui trình và tiêu chí đánh giá thu hút và sử dụng ODA, cũng như một số kinh nghiệm quốc tế về thu hút và sử dụng ODA trong nông nghiệp và nông thôn. Đây là cơ sở lý luận định hướng cho việc nghiên cứu và đi sâu phân tích thực trạng thu hút và sử dụng ODA cho phát triển nông nghiệp và nông thôn Việt Nam nói chung và tại vùng DHMT nói riêng.
CHƯƠNG 3
THỰC TRẠNG THU HÚT VÀ SỬ DỤNG ODA VÀO PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP VÀ NÔNG THÔN