Sự thành công của mỗi quốc gia không bao giờ diễn ra một cách ngẫu nhiên mà nhất định phải có nguyên nhân của sự thành công đó:
- Xác định lĩnh vực ưu tiên hợp lý: Thông thường căn cứ vào kế hoạch phát
triển kinh tế, xã hội dài hạn và ngắn hạn mà mỗi nước xác định những lĩnh vực đầu tư dùng vốn ODA cụ thể.
Kenya là một nước đang phát triển điển hình ở Đông Phi, là nước có tầm quan trọng về cả kinh tế và chính trị của khu vực; đồng thời cũng là một thị trường tiềm năng, là nơi cung cấp một khối lượng cà phê và chè lớn trên thế giới. Tại Kenya, từ năm 1987 đến 1996, vốn ODA được thu hút và trải rộng trên nhiều lĩnh vực, nhưng cũng tập trung vào một số lĩnh vực cơ bản: 30% dành cho cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải và năng lượng; 15% cho nông nghiệp và lâm nghiệp; 10%
cho các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế. Các dự án về giáo dục và đào tạo ở Kenya đã được các nhà tài trợ đánh giá là có hiệu quả cao. Giáo dục tiểu học miễn phí đã làm cho lượng học sinh đến trường tăng lên đáng kể, từ 891.103 em năm 1963 đã tăng lên 1,4 triệu em vào năm 1970, năm 1990 là 5,5 triệu em theo học tại 16.500 trường tiểu học.
Ở Đài Loan, do xác định nông nghiệp là lĩnh vực ưu tiên hàng đầu nên thời kỳ 1951-1953, trong tổng số 267 triệu USD nhận viện trợ, vùng lãnh thổ này đã chi 50% cho lĩnh vực nông nghiệp, tiếp theo là các lĩnh vực khác như kỹ thuật, công nghiệp, hạ tầng, thuỷ lợi giao thông... Trong nông nghiệp, Chính phủ Đài Loan tập trung đầu tư vào cơ sở hạ tầng nông thôn, xây dựng hệ thống thuỷ lợi, phát triển lâm nghiệp, và cải tạo đất. Một phần không nhỏ của hỗ trợ phát triển chính thức được đầu tư cho các hộ nông dân mua máy móc, thiết bị nông nghiệp loại nhỏ nhằm tăng năng suất lương thực. Các nước khác như Thái Lan, Singapore... chủ yếu dành vốn ODA cho các dự án hạ tầng kinh tế giao thông, viễn thông, năng lượng...là những dự án đòi hỏi vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn chậm nên không hấp dẫn các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài nhưng lại giúp nâng cấp cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
- Tạo ra một khung chính sách và hệ thống luật khuyến khích thu hút ODA vào phát triển nông nghiệp làm cơ sở cho sự phát triển rộng khắp. Trong thời kỳ Hàn Quốc
thực hiện "tái thiết nền kinh tế" (1951-1962), Chính phủ đã đưa ra những luật khuyến khích thu hút ODA và đã dành 40% tổng số ODA để khôi phục cơ sở hạ tầng và cơ sở công nghiệp bị tàn phá trong chiến tranh, 60% còn lại tập trung vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Hàn Quốc trong giai đoạn này là tập trung cho nông nghiệp và phát triển nông thôn. Việc khuyến khích thu hút ODA vào phát triển nông nghiệp nhằm nhanh chóng tự túc lương thực, xây dựng cơ sở hạ tầng, và hiện đại hoá nông nghiệp, cùng với các chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp đã góp phần giúp Hàn Quốc trở thành quốc gia duy nhất trên thế giới cho đến nay thay đổi từ vị trí là một nước nhận viện trợ sau đại chiến Thế giới lần thứ hai trở thành nước viện trợ [54].
- Xác định các mục tiêu chung và các mục tiêu cụ thể của dự án phải xuất phát từ yêu cầu thực sự của nông dân. Từ kinh nghiệm của các nước đang phát triển
cho thấy việc bảo đảm tính khả thi của dự án và mang lại hiệu quả thiết thực cho nông dân là nhân tố có tính quyết định sự thành công của các dự án hay chương trình tiếp nhận nguồn ODA. Muốn đạt được mục tiêu này phải nghiên cứu lựa chọn mục tiêu, đối tượng dự án một cách khách quan, có cơ sở khoa học.
- Thành lập một hệ thống quản lý, điều phối và thực hiện các chương trình, dự án ODA trong nông nghiệp đủ mạnh từ Trung ương đến địa phương. Các cán bộ
lãnh đạo chủ chốt được đào tạo, tập huấn nhằm có đủ năng lực, chuyên môn và hiểu biết chế độ hiện hành của Chính phủ và Nhà tài trợ. Chính phủ Ấn Độ đã tuyển chọn rất kỹ các quan chức và nhân viên đảm trách phân phối và sử dụng ODA theo nguyên tắc tài chính công khai, sử dụng hiệu quả và tinh thần liêm khiết để quản lý và điều phối các chương trình, dự án ODA trong nông nghiệp. Còn ở Thái Lan, các chương trình, dự án ODA nói chung và các chương trình, dự án ODA trong nông nghiệp nói riêng được tập trung ở một cơ quan là Tổng vụ hợp tác kinh tế và kỹ thuật, ở đây đã có một hệ thống quản lý chặt chẽ từ Trung ương đến địa phương.
- Xây dựng những chương trình, dự án ODA trong nông nghiệp hướng tới mục đích xoá đói giảm nghèo và chống thất nghiệp ở nông thôn. Chính phủ các
nước đang phát triển đã xây dựng và thực thi các chương trình, dự án đến với các nhóm người nghèo thông qua việc (i) xác định và lựa chọn các xóm hoặc thôn (hoặc huyện) nghèo cần ưu tiên đặt trọng tâm trong chương trình, dự án; (ii) đảm bảo cho các chương trình mục tiêu xoá đói giảm nghèo có hiệu quả về kinh tế và không làm suy yếu cơ chế tăng trưởng.
- Công khai hóa thông tin về các dự án đầu tư và các vùng lãnh thổ được đầu tư. Ví dụ, Inđônêxia hàng năm xuất bản "Quyển sách xanh" để gửi cho các nhà
tài trợ ODA. Quyển sách này bao gồm đầy đủ các nội dung để cung cấp thông tin cần thiết như các dự án trong nông nghiệp thuộc các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ, kế hoạch vận động thu hút ODA trong đó có đề cập chi tiết đối với từng vùng lãnh thổ sao cho có sự cân bằng giữa nông thôn và thành thị. Đồng thời để thu hút
và sử dụng vốn ODA sao cho hợp lý, Inđônêxia cũng chuẩn bị và sẵn sàng cung cấp các thông tin để đáp ứng các yêu cầu từ các nhà tài trợ.