Tính đến quý 3/2021, theo số liệu thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, toàn thị trường có 650 doanh nghiệp hiện đang hoạt động trong lĩnh vực bưu chính, trong đó có khoảng 200 công ty đang hoạt động trong lĩnh vực chuyển phát quốc tế, chiếm tỷ lệ 31%. Xét về vốn điều lệ, trong số các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực bưu chính có đến 97% doanh nghiệp thuộc diện siêu nhỏ, nhỏ và vừa.
Cùng với sự nới lỏng của nhà nước về các quy định trong thủ tục thành lập và hoạt động bưu chính, ngày càng có nhiều doanh nghiệp bưu chính nước ngoài gia nhập vào thị trường Việt Nam, tạo ra một môi trường cạnh tranh sôi động và khốc liệt. Đa số các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chuyển phát nhanh quốc tế có trụ sở hoạt động tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, đây là hai địa phương có vị trí địa lý phù hợp và thuận lợi (sở
hữu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và sân bay quốc tế Nội Bài, là đầu mối trung chuyển đi các tỉnh lân cận), cũng như cơ sở hạ tầng tốt cùng nguồn nhân lực dồi dào, có trình độ tay nghề cao.
Tại thành phố Hồ Chí Minh, có khoảng 197 doanh nghiệp đăng ký hoạt động với ngành nghề là chuyển phát nhanh quốc tế (Nguồn: yellowpages.vn), nhưng con số thực tế lại lớn hơn khá nhiều do có một số công ty hoạt động chui dưới vỏ bọc các công ty dịch vụ logistics hoặc thương mại dịch vụ khác, sau khi gom hàng sẽ chuyển tiếp qua các đơn vị dịch vụ chuyển phát nhanh lớn như DHL, UPS, Fedex, TNT…chứ không trực tiếp thực hiện dịch vụ vận chuyển quốc tế như quảng cáo. Đa số các công ty có địa chỉ đăng ký tại khu vực quan sân bay Tân Sơn Nhất và các khu lân cận Tân Bình, dọc theo các tuyến đường như Thăng Long, Phan Thúc Duyện, Trường Sơn… Vào khung giờ cao điểm (16h-18h hàng ngày), lượng hàng hóa đổ về các con đường này khá nhiều, điều này cho thấy phần nào thực tế sự sôi động của ngành bưu chính quốc tế tại thành phố Hồ Chí Minh.