5. Kết cấu nội dung của khóa luận
3.1.1. Tổng quan ngành dệt may Việt Nam
Hiện nay ngành dệt may được coi là một trong những ngành kinh tế quan trọng nhất của Việt Nam, được chính phủ và nhà nước tích cực thúc đẩy, phát triển. Theo Bộ Công Thương, ngành dệt may liên tục đứng đầu trong số các ngành của kim ngạch xuất khẩu cao nhất Việt Nam (sau dầu thô), đóng góp từ 10% đến 15% GDP của cả nước. Sau khi Việt Nam và Hoa Kỳ bình thường hoá quan hệ vào năm 2000, chế độ hạn ngạch trong thương mại quốc tế được xoá bỏ, và ngành dệt may đã thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vì nguồn nhân công dồi dào giá rẻ. Chính phủ Việt nam đang khuyến khích đầu tư FDI bằng cách đưa ra giá thấp, nguồn lực dồi dào và lợi ích về thuế [41].
Trước khi đại dịch covid diễn ra vào cuối năm 2019, theo số liệu công bố của Tổng cục thống kê, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may Việt Nam ghi nhận nhiều sự tăng trưởng vượt bậc cả về chất và lượng trong suốt giai đoạn 2000 – 2018, tốc độ phát triển bình quân lên tới 15%/ năm. Sở dĩ bài luận văn chọn khoảng thời gian từ 2000 -2018 thì tốc độ phát triển tăng dần nhưng đến năm 2019 do đại dịch covid nên mọi thứ chững lại, chỉ mang tính ngắn hạn và không ảnh hưởng trực tiếp tới ngành dệt may quá nhiều. Khi làm nghiên cứu toàn ngành, Hiệp hội bông sợi Việt Nam – VCOSA (2019) đã so sánh ngành dệt may Việt Nam giai đoạn 2000 và 2018 với các tiêu thức về quy mô ngành, doanh thu, kim ngạch xuất khẩu, số lượng lao động, số cọc sợi cũng như tổng vốn FDI, được trình bày theo bảng 3.1 dưới đây [32]:
Bảng 3.1: Ngành dệt may Việt Nam năm 2000 với 2018
Tiêu thức Đơn vị Năm Ghi chú
2000 2018
Quy mô ngành
Tỷ USD 2.00 26.00 Tăng 13 lần
Doanh thu Tỷ USD 2.00 42.00 Tăng 21 lần Xuất khẩu Tỷ USD 1.85 36.5 Tăng 20 lần, bình quân
15%/năm Lao động Triệu người 0.20 3.60 Tăng 18 lần
Số cọc sợi Triệu 1.00 9.70 Tăng 9.7 lần
Tổng FDI Tỷ USD 0.00 18.00 Đầu tư nước ngoài trực tiếp
Nguồn: Hiệp hội bông sợi Việt Nam, 2019
Trong bài nghiên cứu ngành dệt may của VCOSA (2019), năm 2018 ngành dệt may Việt Nam có khoảng hơn 6500 doanh nghiệp trong đó, số lượng doanh nghiệp gia công hàng may mặc chiếm 85%; Số lượng doanh nghiệp sản xuất vải, nhuộm chiếm 13%; trong khi số lượng doanh nghiệp tham gia sản xuất chế biến xơ, sợi chỉ chiếm 2%. Toàn ngành sử dụng 3,6 triệu lao động, tăng 18 lần so với năm 2000 và chiếm gần 5% tổng lực lượng lao động toàn quốc. Phần lớn các doanh nghiệp gia công hàng may mặc phục vụ cho hoạt động xuất khẩu, do đó kim ngạch xuất khẩu toàn ngành cũng đạt con số tăng trưởng ổn định và ấn tượng 15%/ năm trong giai đoạn từ 2000 – 2018. Về quy mô, các doanh nghiệp dệt may chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ, chỉ tập trung sản xuất một số mã hàng cố định do chỉ đủ điều kiện đầu tư chuyên môn hóa cơ sở vật chất gia công một số mặt hàng theo mẫu và các khách hàng nước ngoài đặt gia công cũng chỉ chuyên mạnh về một số mã hàng nhất định.
Về phương thức xuất khẩu, phần lớn các doanh nghiệp dệt may ở Việt Nam thực hiện nghiệp vụ gia công may mặc (chiếm 85% tổng số doanh nghiệp dệt may), do đó ngành dệt may Việt Nam mới chỉ tham gia khâu tạo ra giá trị gia tăng thấp là “cắt may” trong chuỗi giá trị toàn cầu, các doanh nghiệp thực hiện gia công theo mẫu mã của các đơn hàng. Về ngành công nghiệp phụ trợ cho ngành dệt may Việt
Nam chưa thực sự được chú trọng khi các doanh nghiệp trong lĩnh vực phụ trợ cho ngành chỉ chiếm chưa tới 15%. Do đó nguồn nguyên liệu cho ngành dệt may “ cung không đủ cầu”, chúng ta phải phụ thuộc chính vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu (khoảng 70% đến 80%), chủ yếu là từ Trung Quốc, Đài Loan và Hàn Quốc, năng lực sản xuất ngành công nghiệp phụ trợ còn yếu phải nhập tới 90% bông, các loại sợi tổng hợp, hoá chất nhuộm, máy móc, thiết bị và phụ tùng, 70% vải và các loại phụ liệu cho may xuất khẩu…, chi phí sản xuất do đó tăng cao. Do không tự chủ được nguồn nguyên liệu đầu vào cũng như chỉ nhận các đơn hàng gia công theo mẫu nên phương thức xuất khẩu chính của ngành dệt may Việt Nam là CMT tức bên đặt hàng/ người mua hàng sẽ cung cấp cho doanh nghiệp nguyên vật liệu, mẫu thiết kế và các yêu cầu cụ thể, doanh nghiệp sản xuất chỉ cắt, may và hoàn thiện sản phẩm.
Về thị trường xuất nhập khẩu, các sản phẩm dệt may Việt Nam đã phần nào gây dựng được vị thế ở các thị trường khó tính như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc, bên cạnh đó, một số thị trường như khối ASEAN, Trung Quốc đang có tốc độ tăng trưởng đáng ghi nhận. Nhờ đã và đang thỏa thuận hiệp định thương mại tự do (FTA) với hầu hết các thị trường xuất khẩu (trừ Hoa Kỳ), mang đến cho các doanh nghiệp kinh doanh dệt may Việt Nam cơ hội được hưởng thuế suất ưu đãi và giảm bớt rào cản trong xuất khẩu sang các thị trường đối tác FTA, qua đó nâng cao khả năng cạnh tranh và tạo dấu ấn cho mặt hàng dệt may Việt Nam trên thị trường quốc tế. Về khâu nhập khẩu, Việt Nam vẫn còn phải phụ thuộc phần lớn vào nguyên phụ liệu nhập khẩu nước ngoài, theo thống kê từ báo cáo xuất nhập khẩu 2021, nhập khẩu vải nguyên liệu từ các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan,... tăng mạnh; nhập khẩu bông nguyên liệu của Việt Nam có sự chuyển dịch từ thị trường Hoa Kỳ sang các thị trường Brazil, Ấn Độ, Australia,…; Nhập khẩu xơ, sợi dệt các loại từ các thị trường chính là Trung Quốc, Đài Loan, Ấn Độ, Hàn Quốc,... đều tăng trưởng mạnh.
Mặc dù là ngành xuất khẩu mũi nhọn của Việt Nam, tuy nhiên đối với thị trường tiêu dùng trong nước, ngành dệt may vẫn còn nhiều hạn chế khi chi tiêu bình
quân đầu người cho dệt may còn chưa cao. Các doanh nghiệp dệt may Việt Nam gặp khó khăn trong việc chiếm lĩnh thị trường nội địa do khó cạnh tranh với hàng giả, hàng nhái và hàng ngoại nhập khẩu qua đường tiểu ngạch. Bên cạnh đó, với tư duy sính ngoại của người tiêu dùng Việt, ưa thích các mặt hàng nhập khẩu hơn là hàng Việt Nam dù chất lượng tương đương. Mặc khác cũng là do các thương hiệu dệt may tới từ Việt Nam chưa có sự đầu tư và mảng thiết kế và marketing thương hiệu, với mức giá tương đương thì khó có thể cạnh tranh được với các thương hiệu nước ngoài tại Việt Nam.
Về tổng quan, ngành dệt may Việt Nam vẫn đang trên đà phát triển tốt, tuy nhiên các doanh nghiệp trong ngành đa phần có quy mô vừa và nhỏ, tiềm lực tài chính cũng như năng lực cạnh tranh còn yếu. Bên cạnh đó, phần lớn doanh thu ngành tới từ hoạt động gia công theo các đơn hàng có sẵn và xuất khẩu theo phương thức CMT, chưa tạo ra giá trị gia tăng lớn, về lâu dài thì đây không phải phương thức phát triển bền vững cho ngành. Cần có những biện pháp để các doanh nghiệp dệt may Việt Nam tham gia nhiều hơn và tới các khâu có giá trị gia tăng cao hơn trong chuỗi giá trị dệt may toàn cầu.