Mắt xích xuất khẩu

Một phần của tài liệu CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC CHO NGÀNH DỆT MAY VIỆT NAM KHI THAM GIA VÀO CHUỖI GIÁ TRỊ DỆT MAY TOÀN CẦU (Trang 50 - 51)

5. Kết cấu nội dung của khóa luận

3.2.4. Mắt xích xuất khẩu

Hầu hết các doanh nghiệp dệt may ở Việt Nam đều xây dựng theo xu hướng sản xuất để xuất khẩu và nhận được sự đón nhận từ thị trường quốc tế. Đây là một phương hướng đúng đắn khi kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may luôn đạt tăng trưởng cao 10% đến 15% mỗi năm, tuy nhiên lợi nhuận mang lại không cao. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp dệt may Việt Nam chỉ đóng vai trò nhà thầu phụ, gia công sản phẩm và chưa thực sự chủ động trong hoạt động xuất khẩu.

Do chỉ là những nhà thầu phụ, Việt Nam nhận đơn đặt hàng từ một số trung gian của Hàn Quốc, Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan và Singapore để gia công và sau đó xuất khẩu thẳng tới các thị trường đích như Hoa Kỳ, Châu u, Nhật Bản hoặc những thị trường khác và nhận chi phí gia công. Tùy thuộc vào yêu cầu bên trung gian mà Việt Nam có thể tự tìm vật liệu bao gói hoặc thậm chí nhập khẩu cả vật liệu bao gói, phụ kiện, nguyên liệu từ trung gian (hoặc bên khác mà bên trung gian chỉ định). Ngay cả việc chỉ định người thuê chuyên chở cũng do các trung gian thực hiện. Khâu sản xuất gia công sản phẩm, toàn bộ khâu này (cắt may, hoàn thiện, đóng gói, vận chuyển ...) chiếm giá trị 5 - 7% trong chuỗi giá trị toàn cầu (bao gồm cả các thủ tục xuất nhập khẩu). Với hình thức xuất khẩu này, hàng dệt may xuất đi của Việt Nam ở trong tình thế bị động, phụ thuộc quá nhiều vào bên thứ ba dẫn đến giá trị bị hạn chế đi nhiều.

Gánh nhiều chi phí, trong khi lợi nhuận nhỏ giọt đã gây ra những khó khăn lớn với ngành, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu có quy mô vừa và nhỏ. Dưới sự tác động tiêu cực của đại dịch Covid 19, chuỗi cung ứng toàn cầu, các hoạt động thương mại và vận chuyển xuyên biên giới bị đóng băng do không có nhân lực và bị giới hạn bởi các chính sách đóng cửa biên giới. Nhu cầu may mặc cũng giảm khiến các doanh nghiệp dệt may rơi vào tình trạng khó khăn, thiếu thốn khi đơn hàng mới chưa kịp làm đã bị hủy hoặc hoãn vô thời hạn, đơn hàng cũ chưa thể làm vì thiếu nhân lực, không nhập khẩu được nguyên liệu đầu vào, buộc phải mua với giá cao

nhằm đảm bảo tiến độ, những đơn hàng đã hoàn thành thì phải gánh phí vận chuyển cao hơn nhiều so với dự chi ban đầu.

Sản phẩm xuất khẩu dệt may đa dạng, phong phú từ các mặt hàng truyền thống tới hiện đại, đặc biệt các doanh nghiệp Việt Nam có sự chuyển đổi theo sát với thực tế dịch bệnh khi sản xuất thêm đồ bảo hộ lao động, sản phẩm dùng cho y tế, may đồ dệt kim, sơ mi truyền thống. Xuất khẩu hàng may mặc 2021 đạt 32,753 tỷ USD tăng 9% so với 2020, đây là một dấu hiệu phục hồi rất tốt đối với ngành xuất khẩu hàng may mặc Việt Nam.

Có thể thấy rằng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đang có sự tăng trường ổn định, tuy nhiên lợi nhuận mang lại chưa cao dù giá của các sản phẩm dệt may vẫn cao hơn so với cường quốc về xuất khẩu dệt may như Trung Quốc, nguyên nhân là do ngành dệt may chúng ta đang phát triển chậm hơn Trung Quốc cả thập kỷ. Trong khi ngành dệt may Trung đã đáp ứng hầu hết nguyên phụ liệu đầu vào cho sản xuất, xuất khẩu, máy móc thiết bị được hiện đại tối đa hóa năng lực sản xuất, kỹ thuật cũng như trình độ của lao động cao, giảm thiểu chi phí khấu hao cho mỗi sản phẩm. Bên cạnh đó, việc sản xuất đại trà với khối lượng lớn, cộng thêm các biện pháp giảm giá “cạnh tranh không lành mạnh” như trợ cấp, hạ giá đồng Nhân dân tệ,... trong khi Việt Nam phải chịu chi phí nhập khẩu nguyên liệu đầu vào cao, thua kém về công nghệ, trình độ quản lý cũng như trình độ lao động dẫn tới giá thành sản phẩm cao hơn. Như vậy, dù chi phí lao động Việt Nam rất thấp nhưng tất cả các yếu tố trên đã liên tiếp đội giá bán sản phẩm dệt may Việt Nam lên cao khiến cho sức cạnh tranh của hàng may Việt Nam xét về giá bán vẫn thua các nước khác trong khu vực và trên thế giới.

Một phần của tài liệu CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC CHO NGÀNH DỆT MAY VIỆT NAM KHI THAM GIA VÀO CHUỖI GIÁ TRỊ DỆT MAY TOÀN CẦU (Trang 50 - 51)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(71 trang)