Mắt xích sản xuất, gia công

Một phần của tài liệu CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC CHO NGÀNH DỆT MAY VIỆT NAM KHI THAM GIA VÀO CHUỖI GIÁ TRỊ DỆT MAY TOÀN CẦU (Trang 47 - 50)

5. Kết cấu nội dung của khóa luận

3.2.3. Mắt xích sản xuất, gia công

Đây là mắt xích được đánh giá là tạo ra giá trị gia tăng thấp nhất trong chuỗi giá trị dệt may toàn cầu, tuy nhiên đây lại là phân đoạn mạnh nhất của ngành dệt may Việt Nam hiện nay.

Phương thức thực hiện là các doanh nghiệp sản xuất hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam nhận đơn đặt hàng từ một số trung gian tới từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore,... để gia công và xuất khẩu thẳng sang các thị trường Hoa Kỳ, Châu Âu, Nhật Bản,... và nhận chi phí gia công. Tùy thuộc vào hợp đồng gia công

mà Việt Nam tự chủ động nguyên phụ liệu đầu vào hoặc nhập khẩu từ bên trung gian.

Theo thống kê của VCOSA (2019) năm 2018, cả nước có khoảng hơn 6500 doanh nghiệp đang hoạt động trong ngành dệt may, trong đó các doanh nghiệp nhà nước hay trên 50% vốn nhà nước chiếm chưa tới 2%, đa số là các doanh nghiệp vốn tư nhân, hay doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, số lượng doanh nghiệp gia công hàng may mặc chiếm 85%; Số lượng doanh nghiệp sản xuất vải, nhuộm chiếm 13%; Số lượng sản xuất chế biến xơ, sợi chiếm 2%. Lực lượng lao động ngành dệt may chiếm hơn 20% lao động trong khu vực công nghiệp và gần 5% tổng lực lượng lao động toàn quốc [31].

Với 85% số doanh nghiệp dệt may thực hiện gia công hàng may mặc, hoạt động sản xuất trong ngành Dệt may Việt Nam chủ yếu tập trung vào công đoạn gia công, dẫn đến lợi nhuận thấp và kinh doanh kém hiệu quả do chỉ nhận được phần giá trị gia tăng rất thấp. Đây không phải vấn đề mới, tuy nhiên nó đòi hỏi ngành cần có những chiến lược phát triển tăng trưởng về chất thay cho lượng như kéo dài suốt thời gian qua. Về phương thức xuất khẩu, hình thức CMT đang chiếm tới 65%, OEM chiếm 30%, ODM chỉ chiếm 5% và Việt Nam chưa có doanh nghiệp OBM nào. Khi giá nguyên phụ liệu nhập khẩu tăng sẽ ảnh hưởng tiêu cực trực tiếp tới lợi nhuận của doanh nghiệp dệt may Việt Nam. Mặc dù chiếm khoảng 30% trong hoạt động dệt may xuất khẩu, hình thức OEM ở Việt Nam vẫn còn sơ khai, và chủ yếu là hình thức OEM loại I - các công ty may Việt Nam mua nguyên liệu đầu vào từ các nhà cung cấp do khách hàng chỉ định. Loại hình xuất khẩu này làm cho các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm dệt may Việt Nam bị động và phụ thuộc vào khách hàng vì các công ty may Việt Nam phải mua nguyên liệu từ các nhà cung cấp do chính khách hàng lựa chọn và chỉ hưởng 5% đến 10% trên giá trị sản phẩm cuối cùng. Một phần nhỏ các doanh nghiệp thực hiện OEM loại II, tức là các doanh nghiệp Việt Nam được cung cấp mẫu thiết kế và có trách nhiệm lo nguồn nguyên liệu, thực hiện sản xuất và thu xếp khâu vận chuyển nguyên liệu và thành phẩm đến cảng của

khách hàng. Mặc dù có sự chủ động hơn trong việc lựa chọn nguyên liệu đầu vào, nhưng hình thức này vẫn mang nặng tính gia công và chưa tạo ra nhiều lợi nhuận.

Đối với phương thức sản xuất CMT, đơn vị sản xuất chỉ thực hiện cắt may, dựng và hoàn tất, còn về nguyên vật liệu cũng như thu mua sẽ do bên đặt hàng thực hiện. Đơn giá gia công CMT là 25% giá trị xuất khẩu, tuy nhiên lợi nhuận sau thuế thực nhận chỉ là 1% đến 3% giá trị đơn hàng. Còn đối với đơn OEM, các doanh nghiệp sẽ chịu trách nhiệm nguyên liệu đầu vào, gia công và được hưởng khoảng 30% giá trị xuất khẩu, tính về lợi nhuận sau thuế đạt từ 3% đến 5% giá trị đơn hàng. Còn riêng với đơn hàng ODM, các doanh nghiệp sẽ chịu trách nhiệm thêm khâu thiết kế so với OEM và lợi nhuận rơi vào 5% đến 7% giá trị đơn hàng.

Nếu xét với mức kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam năm 2021 là 40,348 tỷ USD, cho là lợi nhuận sau thuế/ doanh thu thuần ở mức 2% đối với hình thức CMT, 4% đối với hình thức OEM và 6% đối với ODM thì lợi nhuận sau thuế thực nhận của ngành dệt may Việt Nam chỉ đạt 1,21 tỷ USD (tức khoảng 3% tổng kim ngạch xuất khẩu). Do vậy, nhìn vào quy mô, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may VIệt Nam là rất lớn, song thực chất lợi nhuận mang lại rất thấp. Nếu các doanh nghiệp trong ngành thay đổi phương thức theo xu hướng chủ động hơn, thêm vào đó là sự hỗ trợ tích cực từ chính phủ, ngành dệt may Việt Nam có hi vọng bứt phá trong lĩnh vực này.

Mặc dù có chiến lược để nâng tỷ lệ sản xuất theo OEM lên 50%, nhưng ngành công nghiệp phụ trợ cho dệt may chưa được đầu tư và chú trọng, phần lớn nguyên phụ liệu vẫn phải phụ thuộc vào hoạt động nhập khẩu. Đây là một rào cản lớn, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu nguyên phụ liệu phải nộp một khoản thuế tạm thu lớn, cho tới khi xuất khẩu hàng thì hải quan mới trả lại. Thêm vào đó, tính hình dịch bệnh Covid 19 vẫn đang căng thẳng khiến cho hoạt động sản xuất của ngành gặp nhiều khó khăn và khó hồi phục, nhiều nhà máy phải đóng cửa, thực hiện nghiêm chỉnh các quy định phòng dịch. Doanh nghiệp đang phải gánh những chi phí khổng lồ như chi phí khấu hao, chi phí bảo hiểm, trả lãi ngân hàng, cung cấp chi phí khám, xét nghiệm Covid cho người lao động… trong khi chưa thật sự nhận được sự hỗ trợ

tích cực từ phía nhà nước, những khó khăn chồng chất khiến các doanh nghiệp dệt may nản lòng.

Một phần của tài liệu CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC CHO NGÀNH DỆT MAY VIỆT NAM KHI THAM GIA VÀO CHUỖI GIÁ TRỊ DỆT MAY TOÀN CẦU (Trang 47 - 50)