Công tác quản lý an toàn lao động

Một phần của tài liệu Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình thủy lợi (Trang 25 - 27)

Quản lý an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình là hoạt động quản lý của các chủ thể tham gia hoạt động đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật có liên quan nhằm đảm bảo các yêu cầu về an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình [1].

Theo các số liệu thống kê trong nhiều năm tại nhiều địa phương, lĩnh vực thi công, xây dựng luôn có số vụ tai nạn lao động cao (khoảng 40% tổng số vụ tại nạn lao động được thống kê hàng năm), đặc biệt là tai nạn lao động gây chết người xảy ra tại các công trình xây dựng dân dụng, nhà ở riêng lẻ do các thầu tư nhân hoặc các công ty xây dựng có quy mô nhỏ nhận thầu thi công hoặc khoán lại cho các nhóm thợ tự tổ chức thi công nhưng không hiểu biết và chấp hành đầy đủ các quy định pháp luật về an toàn vệ sinh lao động.

Ở hầu hết các báo cáo và các nghiên cứu về tình hình tai nạn lao động nói chung và ngành xây dựng nói riêng đều có chung nhận định, tai nạn không chỉ đơn thuần do sự cố kỹ thuật mà xuất phát từ sự chủ quan của cả chủ sử dụng lao động và người lao động. Cụ thể với lĩnh vực xây dựng, các báo cáo và các nghiên cứu đã chỉ ra nhiều trường hợp người sử dụng lao động không tổ chức đánh giá, kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc trước khi bố trí cho công nhân làm việc; Không tổ chức huấn luyện an toàn lao động trước khi làm việc; Không xây dựng quy trình làm việc an toàn cho từng loại công việc, tổ chức lao động không hợp lý, không có phương tiện bảo vệ cá nhân, hoặc phương tiện bảo vệ cá nhân không tốt; Không thực hiện kiểm định kỹ thuật an toàn đối với thiết bị, máy móc trong quá trình sử dụng vận hành. Trong khi đó, các báo cáo và các nghiên cứu trong những năm gần đây cho thấy, tới hơn 60- 80% công nhân ngành xây dựng chủ yếu là lao động thời vụ và lao động tự do, không được tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm lao động. Cũng vì vậy, rất nhiều người lao động chưa được tập huấn theo quy định, không nắm bắt nội quy, quy trình biện pháp làm việc an toàn, không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân, một số qua đào tạo nhưng chưa hiểu rõ về công tác an toàn vệ sinh lao động nên việc phòng ngừa tai nạn lao động chưa được quan tâm.

Trong khi đó, công tác quản lý Nhà nước về an toàn lao động tại các công trình còn nhiều hạn chế, thiếu sót. Bên cạnh đó, vai trò giám sát công trình, trong đó có giám sát về công tác an toàn lao động của tư vấn giám sát, nhà thầu lại chưa làm hết trách nhiệm của mình nhằm đảm bảo an toàn cho người lao động và chính doanh nghiệp. Xét về tổng thể, bức tranh công tác an toàn lao động trong những năm qua mặc dù vẫn còn những tồn tại và một số hiện tượng vi phạm pháp luật về an toàn lao động gây bức xúc dư luận xã hội, song đã có thêm những điểm sáng đáng khích lệ. Theo báo cáo của Cục An toàn Lao Động - Bộ Lao Động Thương binh và Xã hội, từ năm 2016 - 2018, tần suất tai nạn lao động chết người trong một số ngành, lĩnh vực có nguy cơ cao về tai nạn lao động như: khai khoáng, xây dựng, sản xuất kim loại và sản xuất hóa chất so với năm 2011 – 2015 đã giảm 7,2%/ năm. Như vậy, tính trên bình diện chung, tần suất tai nạn lao động chết người đã giảm. Giá trị của việc bảo đảm an toàn lao động tới hiệu quả sản xuất kinh doanh cũng được các bộ, ngành, doanh nghiệp nhận thức sâu sắc hơn. Các hoạt động thúc đẩy an toàn lao động cho các doanh nghiệp có sự đầu tư, quan tâm đến chất lượng thay vì chạy theo phong trào như trước đây. Các bộ, ngành đẩy mạnh nghiên cứu, xây dựng và đưa vào ứng dụng thí điểm các mô hình quản lý an toàn lao động trong các đơn vị Chủ đầu tư, nhà thầu. Vấn đề nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước bước đầu đi vào chiều sâu với việc xây dựng và áp dụng thí điểm mô hình quản lý nhà nước về an toàn lao động. Công tác đào tạo, huấn luyện an toàn lao động được triển khai rộng hơn rãi hơn. Hệ thống thanh tra lao động, trong đó có thanh tra an toàn lao động ở các địa phương đặc biệt là Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã được tăng cường về số lượng và ngày một nâng cao về chuyên môn, nghiệp vụ. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng với các bộ, ngành đã tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung và ban hành các văn bản hướng dẫn, một số tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật an toàn lao động, các quy trình kiểm định an toàn thiết bị,... nhằm nâng cao chất lượng quản lý nhà nước về an toàn lao động. Các chương trình nghiên cứu đề xuất hoàn thiện pháp luật về an toàn lao động, đề án Quỹ bồi thường tai nạn lao động,... tiếp tục được triển khai nhằm hướng tới xây dựng một hệ thống pháp luật ATLĐ đồng bộ và trong đó quan trọng nhất là hình thành một khung pháp lý, một cơ chế hoạt động hiệu quả, để không chỉ bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp về an

toàn lao động của người lao động mà còn khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn cho việc cải thiện an toàn lao động.

Hình 1.8- Để ngăn ngừa tình trạng tai nạn lao động, các doanh nghiệp phải bảo đảm thời gian, điều kiện, chương trình tập huấn cho người lao động

Một phần của tài liệu Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình thủy lợi (Trang 25 - 27)