Công tác quản lý chất lượng

Một phần của tài liệu Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình thủy lợi (Trang 31 - 35)

Theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị định 59/2015/ NĐ-CP thì dự án đầu tư xây dựng công trình có thể gồm 1 hoặc nhiều loại công trình với 1 hoặc nhiều cấp công trình khác nhau. Trong khi đó công trình xây dựng là sản phẩm được tạo thành bởi sức lao đọng của con người, vật liệu lao động, thiết bị lắp đặt vào công trình được liên kết định vị với đất được xây dựng theo thiết kế [16]. Bởi vậy, nội dung quản lý chất lượng dự án đầu tư xây dựng sẽ rộng hơn rất nhiều so với quản lý chất lượng công trình xây dựng. Nhưng mục đích cuối cùng của quản lý chất lượng dự án đầu tư xây dựng là để có những sản phẩm là công trình xây dựng có chất lượng do vậy phải thực hiện quản lý chất lượng từ khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng công trình đến thi công xây dựng công trình với các nội dung cơ bản sau đây

2.1.1.1 Quản lý chất lượng khảo sát xây dựng

Việc quản lý chất lượng công tác khảo sát xây dựng được quy định tại Điều 14 Nghị định 46/2015/NĐ – CP quy định về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng. Theo đó, quản lý chất lượng khảo sát xây dựng là quá trình quản lý, giám sát nhà thầu khảo sát có trách nhiệm bố trí đủ người có kinh nghiệm và chuyên môn phù hợp, thực hiện việc khảo sát theo quy định của hợp đồng xây dựng; cử người có đủ điều kiện năng lực làm chủ nhiệm khảo sát và tổ chức thực hiện biện pháp kiểm soát chất lượng quy định tại phương án kỹ thuật khảo sát xây dựng [3]. Tùy theo quy mô và loại hình khảo sát, chủ đầu tư có trách nhiệm tổ chức giám sát khảo sát xây dựng theo các nội dung sau: Kiểm tra năng lực thực tế của nhà thầu khảo sát xây dựng bao gồm nhân lực, thiết bị khảo sát tại hiện trường, phòng thí nghiệm (nếu có) được sử dụng so với

phương án khảo sát xây dựng được duyệt và quy định của hợp đồng xây dựng; Theo dõi, kiểm tra việc thực hiện khảo sát xây dựng bao gồm: Vị trí khảo sát, khối lượng khảo sát, quy trình thực hiện khảo sát, lưu giữ số liệu khảo sát và mẫu thí nghiệm; kiểm tra thí nghiệm trong phòng và thí nghiệm hiện trường; kiểm tra công tác đảm bảo an toàn lao động, an toàn môi trường trong quá trình thực hiện khảo sát. Chủ đầu tư được quyền đình chỉ công việc khảo sát khi phát hiện nhà thầu không thực hiện đúng phương án khảo sát đã được phê duyệt hoặc các quy định của hợp đồng xây dựng [3].

2.1.1.2 Quản lý chất lượng thiết kế

Thiết kế xây dựng gồm thiết kế sơ bộ trong Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, thiết kế cơ sở trong Báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công trong giai đoạn thực hiện dự án và các bước thiết kế khác (nếu có) theo thông lệ quốc tế. Thiết kế xây dựng được thực hiện theo một hay nhiều bước tùy thuộc quy mô, tính chất, loại và cấp công trình xây dựng. Người quyết định đầu tư quyết định số bước thiết kế khi phê duyệt dự án đầu tư xây dựng

Chủ đầu tư có quyền tự thực hiện thiết kế xây dựng khi có đủ điều kiện năng lực hoạt động, năng lực hành nghề phù hợp với loại, cấp công trình xây dựng; Đàm phán, ký kết hợp đồng thiết kế xây dựng; giám sát và yêu cầu nhà thầu thiết kế thực hiện đúng hợp đồng đã ký kết; Yêu cầu nhà thầu thiết kế xây dựng sửa đổi, bổ sung thiết kế hoặc lựa chọn nhà thầu thiết kế khác thực hiện sửa đổi, bổ sung, thay đổi thiết kế trong trường hợp nhà thầu thiết kế ban đầu từ chối thực hiện công việc này; Đình chỉ thực hiện hoặc chấm dứt hợp đồng thiết kế xây dựng theo quy định của hợp đồng và quy địnhcủa pháp luật có liên quan và các quyền khác theo quy định của hợp đồng và quy định của pháp luật có liên quan.

Chủ đầu tư có các nghĩa vụ sau: Lựa chọn nhà thầu thiết kế xây dựng trong trường hợp không tự thực hiện thiết kế xây dựng; Xác định nhiệm vụ thiết kế xây dựng; Cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu cho nhà thầu thiết kế xây dựng; Thực hiện đúng hợp đồng thiết kế xây dựng đã ký kết; Trình thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán xây dựng và nộp phí thẩm định thiết kế, dự toán xây dựng; Lưu trữ hồ sơ thiết kế xây dựng; Bồi thường thiệt hại khi vi phạm hợp đồng thiết kế xây dựng và các nghĩa vụ khác theo quy định của hợp đồng thiết kế xây dựng và quy định của pháp luật có liên quan.

2.1.1.3 Quản lý chất lượng thi công

Chất lượng thi công xây dựng công trình phải được kiểm soát từ công đoạn mua sắm, sản xuất, chế tạo các sản phẩm xây dựng, vật liệu xây dựng, cấu kiện và thiết bị được sử dụng vào công trình cho tới công đoạn thi công xây dựng, chạy thử và nghiệm thu đưa hạng mục công trình, công trình hoàn thành vào sử dụng.

Quản lý chất lượng thi công xây dựng công trình bao gồm các hoạt động quản lý chất lượng của nhà thầu thi công xây dựng; giám sát thi công xây dựng công trình và nghiệm thu công trình xây dựng của chủ đầu tư; giám sát tác giả của nhà thầu thiết kế xây dựng công trình.

Chủ đầu tư yêu cầu nhà thầu thi công xây dựng phải thực hiện quản lý chất lượng thi công xây dựng công trình với các nội dung sau: Lập hệ thống quản lý chất lượng phù hợp với yêu cầu, tính chất, quy mô công trình xây dựng, trong đó quy định trách nhiệm của từng cá nhân, bộ phận thi công xây dựng công trình trong việc quản lý chất lượng công trình xây dựng; Thực hiện các thí nghiệm kiểm tra vật liệu, cấu kiện, vật tư, thiết bị công trình, thiết bị công nghệ trước khi xây dựng và lắp đặt vào công trình xây dựng theo tiêu chuẩn và yêu cầu thiết kế; Lập và kiểm tra thực hiện biện pháp thi công, tiến độ thi công; Lập và ghi nhật ký thi công xây dựng công trình theo quy định; Kiểm tra an toàn lao động,vệ sinh môi trường bên trong và bên ngoài công trường; Nghiệm thu nội bộ và lập bản vẽ hoàn công cho bộ phận công trình xây dựng, hạng mục công trình xây dựng và công trình xây dựng hoàn thành; Báo cáo chủ đầu tư về tiến độ, chất lượng, khối lượng, an toàn lao động và vệ sinh môi trường thi công xây dựng theo yêu cầu của chủ đầu tư; Chuẩn bị tài liệu làm căn cứ nghiêm thu lập phiếu yêu cầu chủ đầu tư tổ chức nghiêm thu.

Chủ đầu tư phải tổ chức giám sát thi công xây dựng công trình theo nội dung quy định tại Điều 23 Nghị định 46/2015/NĐ-CP như sau:

Kiểm tra các điều kiện khởi công công trình xây dựng theo quy định của Luật Xây dựng;

Kiểm tra sự phù hợp năng lực của nhà thầu thi công xây dựng công trình với hồ sơ dự thầu và hợp đồng xây dựng;

Kiểm tra về nhân lực, thiết bị thi công của nhà thầu thi công xây dựng công trình đưa vào công trường;

Kiểm tra hệ thống chất lượng của nhà thầu thi công xây dựng công trình bao gồm: Sơ đồ tổ chức các bộ phận, cá nhân của nhà thầu thi công xây dựng chịu trách nhiệm quản lý chất lượng phù hợp với yêu cầu, tính chất, quy mô của từng công trường xây dựng; quyền và các nghĩa vụ của các bộ phận, cá nhân này trong công tác quản lý chất lượng công trình. Trường hợp chủ đầu tư không có tổ chức tư vấn giám sát đủ điều kiện năng lực thì phải thuê tổ chức tư vấn giám sát thi công xây dựng có đủ điều kiện năng lực hoạt động xây dựng thực hiện.

2.1.2 Công tác quản lý tiến độ

Công tác quản lý tiến độ chính là quản lý để đảm bảo thực hiện thật tốt kế hoạch tiến độ thi công đã phê duyệt, phù hợp những yêu cầu nhất định về nhân lực, thiết bị, vật tư, tài chính và quy định của pháp luật để hoàn thành dự án hay công trình với chất lượng tốt nhất, thời gian xây dựng ngắn nhất và chi phí thấp nhất. Theo Luật Xây dựng năm 2014: “Người quyết định đầu tư quyết định thời gian, tiến độ thực hiện khi phê duyệt dự án. Đối với công trình thuộc dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước thì tiến độ thi công xây dựng không được vượt quá thời gian thi công xây dựng công trình đã được người quyết định đầu tư phê duyệt” [15].

Quản lý tiến độ là quá trình bao gồm việc thiết lập mạng công việc, xác định thời gian thực hiện từng công việc cũng như toàn bộ dự án và quản lý tiến trình thực hiện công việc dự án trên cơ sở các nguồn lực cho phép trong việc lập kế hoạch tiến độ của dự án và kiểm soát tiến độ của dự án.

Lập kế hoạch tiến độ có tầm quan trọng đặc biệt với các dự án, là bản kế hoạch trình bày theo trình tự và thời gian thực hiện từng công việc và toàn bộ dự án nhằm đảm bảo thực hiện đúng thời gian quy định trong mối quan hệ với thành quả và nguồn lực dành cho dự án; đồng thời là cơ sở để huy động, quản lý chi phí và các yếu tố nguồn lực khác do đó phải tiến hành trước.

Chủ đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng công trình phải lập kế hoạch tiến độ, biện pháp thi công xây dựng và quản lý thực hiện dự án theo tiến độ thi công xây dựng được duyệt. Kiểm soát tiến độ thực hiện dự án trước hết phải hiểu được trạng thái tiến độ, đồng thời thu thập thông tin từ các thành viên về tiến độ nhằm phát hiện các vấn đề phát sinh để kịp thời so sánh trạng thái thực tại với kế hoạch, sớm tìm ra biện pháp giải quyết sao cho dự án đi vào thực hiện đúng yêu cầu đặt ra.

Chủ đầu tư có trách nhiệm tạm ứng, thanh toán khối lượng hoàn thành theo tiến độ thực hiện hợp đồng xây dựng.

Khuyến khích chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng đề xuất và áp dụng các giải pháp kỹ thuật, công nghệ và tổ chức quản lý hợp lý để rút ngắn thời gian xây dựng công trình.

Một phần của tài liệu Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình thủy lợi (Trang 31 - 35)