(Cuốn “Tính thương và lòng độ lượng”)
Năm 2010, tôi về Ấn, qua Nepal, được Thầy Huyền Diệu tặng cuốn sách Tình thương và lòng độ lượng, xem qua vô cùng trân trọng và tán thán, ngòi bút của Thầy quá linh động, lời văn phong tế nhị. Thầy nói lên cuộc đời tuổi trẻ của chính mình và quá trình tu tập trong cuộc sống, thăng trầm, luôn cả lịch sử Phật giáo. Điểm đáng lưu ý và cảm động nhất là tuổi trẻ của Thầy quá gian nan. Từ cậu bé yếu đuối nhút nhát bệnh tật, nay trở thành nhà học giả uyên bác.
Thầy có hướng đi lên, đầy tự tin, tư duy dũng chí, là Hành xứ Như Lai có tầm cỡ quốc tế. Dù gặp bao oan trái, bao thử thách dập dồn... bẩm sinh Thầy sẵn lòng độ lượng và khoan dung, luôn cả sự kiên nhẫn. Đó là kim chỉ nam, là la bàn giúp Thầy vượt qua bao thử thách, bao sóng gió trùng dương.
Thầy là vị hướng đạo sư, kiên cường dũng mãnh khi lái thuyền trí tuệ của chính mình. Thầy có tầm nhìn xa, bình dân giản dị, vui chịu mọi cảnh ngộ, kham nhẫn mọi vấn đề. Như chuyện cậu Mai bướng bỉnh, nhờ lòng vị tha của thân sinh Thầy, việc oan trái trở thành tốt đẹp. Riêng Thầy đã mang trong người dòng huyết quản bằng tình thương, lòng độ lượng, vì thế hai cậu bé lớn lên trở thành bạn thân... Tôi có mặt tại Việt Nam Phật Quốc Tự nhiều năm, qua sự thấy biết và chứng kiến cảnh ngộ Thầy đã quên mình giúp người. Đôi khi kẻ thọ ơn gây không ít khó khăn cho Thầy. Thầy lòng vị tha cao độ, lời thị phi như gió thoảng bên tai. Nói về ân sư của Thầy, là danh tăng ẩn mình nơi ngôi Sơn tự, giữa rừng mai biệt mù sơn dã. Ngài có sức sống mãnh liệt về tâm linh. Ngài giáo dưỡng môn đồ thành người hữu dụng cho đạo pháp, cho quê hương, nhân loại.
Thầy là môn sinh học Phật, kiến thức sâu rộng, theo dấu chân Phật, theo dấu bước của Ngài Trần Huyền Trang. Thầy kêu gọi các nước qui tụ về xứ Phật, tìm về cội nguồn. Nay đã có 32 nước thành viên Liên hiệp quốc có mặt tại Nepal, nơi Đức Phật giáng trần... Việc làm hy hữu này, bao nhiêu người tán thán, suýt chút nữa Thầy phải trả giá bằng sinh mạng...! Thầy đã trả công ơn giáo dưỡng của ân sư bằng hành động thiết thực “Hành Như Lai xứ, tác Như Lai sự...”. Tôi tin rằng giác linh của ân sư Hoàng Nhơn sẽ mỉm cười hoan hỷ, vì Minh sư xuất Cao đồ.
Có đoạn Thầy sơ lược về lịch sử Phật. Như chuyện của Vua Bình Sa vương và A Xà Thế được sơ lược rút gọn, lối văn tao nhã đầy ý nghĩa khiến người học Phật xem qua, như bức tranh tuyệt mỹ, đầy màu sắc. Thầy nêu mẩu chuyện như: Ông Bảy, Cậu Lý, Cô Lan... có phần hấp dẫn lẫn hài hước, xem qua dấu ấn khó quên, khó nín cười được.
Nói tóm lại quyển sách Tình thương và lòng độ lượng mang tính giáo dục, nói về nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, nói lên kinh nghiệm sống, về nhân quả với tu dưỡng cao siêu như những câu: “Thực tế không ai tránh khỏi va chạm, phản ứng tự nhiên là giận dữ, căm hờn... Lịch sử từ cổ chí kim cho ta thấy con người, với sự vô minh, đầy lòng ganh tỵ, tham lam, thù hận, có thể tàn hại lẫn nhau. Tình thương là quà tặng quí giá nhất trên đời và lòng độ lượng là phép mầu kỳ diệu.” Những câu châm ngôn này, nếu ai siêng học và thực hành, tôi tin rằng chân trời hạnh phúc sẽ đến với chúng ta.