Đời tu của tôi không có gì đặc biệt, sở học chẳng bằng ai, tầm nhận thức giới hạn nên tôi chỉ sợ thầy và vâng lời thầy tuyệt đối. Thầy tôi là giáo trưởng của hệ phái Khất sĩ, Ni sư trưởng Huỳnh Liên. Tất cả mấy ngàn đồ chúng đều kính quý thầy, không phải riêng mình tôi. Ni sư trưởng giới luật uy nghiêm, khiêm cung, đức hạnh, thương yêu đồ chúng. Tuy người nữ nhưng chí trượng phu dũng cảm, sống làm lợi ích đời đạo, xả báo thân để lại hai câu thơ hy hữu: “Tôi xin hiến trọn đời mình; Cho nguồn đạo pháp, cho tình quê hương”.
Ni chúng sợ thầy không phải thầy ra oai nạt nộ, vì thầy giữ giới luật trang nghiêm, bản thân thầy luôn cần kiệm đến nỗi tắm nước cũng không nhiều, thầy nói: “Không nên xài nước phung phí, sau sanh vào chỗ thiếu nước”. Cách thầy dạy đệ tử rất sâu sắc, khi tôi còn trẻ thầy hỏi những câu tôi đáp không đi vào vấn đề. Chẳng hạn thầy: “Nếu con uống sữa, uống nửa chừng rồi liệng hay uống hết mới liệng”? Tôi khờ khạo đáp: Con không biết uống sữa. Thầy nói thí dụ thôi. Tôi đáp: Bạch thầy, uống nửa hộp liệng uổng lắm, phải uống hết. Bằng nụ cười phúc hậu, thầy nói: “Cuộc đời của con như hộp sữa vậy, không thể liệng nửa chừng, con phải sống hết cuối đời tu học vì con là dòng máu Gandhi”.
Thầy dạy đạo tôi bằng phong cách đặc biệt, giáo dục đệ tử bằng phương pháp nghịch hạnh. Ngoài việc học triết lý nhà Phật, học thêm thuật xử thế của: Nguyễn Hiến Lê và Nguyễn Duy Cần (hiệu là Thu Giang)... Khi xem sách xong phải bình luận ý nghĩa của tác giả, nếu phân tích sai thầy hướng dẫn lại. Thầy tôi am hiểu sâu sắc giáo lý Phật Đà. Thầy dạy đạo rất tâm lý, mỗi người thầy dạy mỗi cách theo trình độ căn cơ.
Có cuộc lễ lớn ở Rạch Giá, thầy dẫn tôi theo vào buổi trưa nắng gắt. Thầy bận đi công việc bảo tôi ở lại tịnh xá, và đưa tôi sách xử thế, bảo xem, hứa tối sẽ về hỏi bài. Tôi cầm sách trong tay, thấy ê chề ngao ngán, mới xuống xe đầu còn choáng, tâm trí đâu mà nghiên cứu rồi tôi đi phụ bếp cùng chủ Ni. Mệt quá tôi nằm nghỉ một chút. Thầy về lôi tôi ra sân la lớn: “Quý sư cô lại đây mà coi tổ tôi nè, đi theo tôi mà chẳng làm gì cả, giờ này mà còn nằm xem tiểu thuyết...”, rồi thầy ra lệnh phải trục xuất tôi ra khỏi tịnh xá.
Lúc ấy tôi chết điếng cõi lòng, sợ hãi, bối rối và mắc cỡ giữa đám đông. Mọi người nhìn tôi với ánh mắt mất thiện cảm. Riêng Sư cô Tùng và Sư cô Võng gọi tôi ra sân quở: “Sao Giác tệ quá vậy, không lo học Kinh mà xem tiểu thuyết”. Tôi biết hai vị này hay thông cảm cho mọi người nên tôi tâm sự thầy đưa sách. Hai Sư cô an ủi: “Giác đang bị Giáo trưởng thử thách, nhớ bị đuổi đừng đi nhé!”. Giờ thì hai Ni sư đã mất, tôi mãi tri ân sự thông cảm của hai vị, và tôi cũng học hạnh của hai vị tuyệt đối không bao giờ bàn tán chư Ni bị kết tội.
Tối hôm đó, tôi trốn trong phòng không dám ra, phận sự tôi phải giăng mùng, sư cô Tùng vào phòng thay tôi phận sự ấy, bị thầy tôi quở: “Cô vào đây làm gì, cô Giác đâu?”. Sư cô Tùng hoảng sợ bảo tôi vào phòng. Lúc đó, tôi bần thần cả người, tôi nghĩ có lẽ cuộc đời tu của tôi đến đây bị đứt gánh sao? Tôi đứng bên ngoài lấp ló mãi, tiếng thầy bên trong vọng ra: “Liên Giác đó hả con, sao chưa giăng mùng cho tôi vậy?”. Tôi bước vào phòng như xác không hồn với nỗi buồn sâu lắng, văng vẳng lệnh trục xuất ban chiều. Âm điệu ôn hòa với nụ cười tươi thầy hỏi: “Xem sách tới đâu rồi nói nghe coi?”. Lúc đó nỗi đau của tôi nổi dậy chua xót tận đáy lòng. Tôi cố nén mà nghẹn cả lời, bật thành tiếng khóc.
Thầy tôi ôn hòa nói: “Con buồn khổ lắm phải không con, có câu trời muốn giao việc lớn cho ai, phải làm cho người ấy đau tâm khổ tánh. Tổ sư con khi giao trách nhiệm cho thầy, đã đày thầy đến muôn lần khổ hạnh. Lúc đó thầy quá ngu muội chẳng hiểu ý Tổ sư, định bỏ trốn còn rủ thêm sư nhị, sư tam, sư tứ cùng đi. Vào đêm khuya đi đoạn đường không xa, bỗng bốn người đều bị té nằm sấp. Giật mình ngồi dậy xem lối mòn chung quanh có cây nào vướng chân và tự nhiên nghe lòng sợ hãi lẫn hối hận muốn trở lại xem Tổ sư ra sao, vì Tổ còn đang cảm nặng ho nhiều lắm. Thế rồi bốn người đồng trở lại nghe tiếng Tổ sư trong cốc vọng ra, mấy cô mới về đó à? Nếu không bị té chắc đi luôn rồi phải không? Lúc ấy bốn người đều kinh hãi sám hối Tổ”.
Rồi khi Tổ sư lâm nạn, phận làm trò đáp nghĩa tôn sư, gồng gánh con thuyền Giáo hội với vai trò Huynh trưởng săn sóc đàn em, sứ mạng nặng nề. Bao nhiêu thử thách, bao nhiêu khó nhọc, biết tỏ cùng ai! Quả báo của thầy hiểu lầm Tổ, hôm nay bị trả vay! Hậu quả con khóc vì hờn thầy...!”. Thầy tôi trầm ngâm đôi mắt, nét buồn hiện rõ. Lời thầy như tiếng sáo dịu êm, nỗi khổ đau hờn giận của ban chiều hình như tan thành mây khói. Tôi quỳ sám hối thầy, nguyện từ nay về sau con không dám cãi lời thầy và không dám giận thầy nữa.