SANH CON DỄ, NUÔI DẠY CON KHÓ HƠN

Một phần của tài liệu 5489-nhu-the-nao-la-giai-thoat-pdf-khoahoctamlinh.vn (Trang 45 - 47)

Sự giáo dục con em có nhiều cách. Quí vị có con cháu nên lưu ý: Những đứa trẻ lanh lợi, năng động, quí vị đừng cưng nó quá, nó muốn gì được nấy, lớn lên bị thói quen trở thành những người yếu đuối, làm việc khó đắc lực. Tôi từng dạy học trẻ em, luôn gần đám cô nhi, nên năng nghiên cứu về tâm lý trẻ thơ. Những đứa con được cưng chiều cũng nên để nó sợ một người trong nhà. Còn như trẻ quá cứng đầu đừng cứ đánh mà không dạy nó. Tuổi ấu thơ, nó biết theo cái biết của nó, đánh đừng đánh đau quá sẽ gieo vào lòng nó sự uất hận, cũng là điều tai hại và khi lớn lên, nó chẳng thấy ai tốt cả, chính cha mẹ còn thường đánh mắng, không thương mình, nó mất niềm tin với mọi người. Những đứa ấy có thể thành vấn nạn xã hội.

Quí vị sanh con còn dễ, dạy con nên người hữu dụng sau này rất khó. Thuở xưa mẹ của Nhạc Phi bên Trung Quốc sợ con sống gần những trẻ kém giáo dục, ảnh hưởng đến tư tưởng măng non của con bà, bà thả thuyền tìm chỗ ẩn trong rừng sinh sống. Vì thiếu phương tiện bút mực, bà vẽ chữ trên cát dạy con học. Bà giáo dục con không được nói dối, trung quân, ái quốc. Nhạc Phi còn trẻ, nói không thật với mẹ đôi lời bị mẹ giận, ngài tự lấy roi nằm xuống mời mẹ đánh và ông thề cùng mẹ sau này không bao giờ nói dối nữa.

Ngài Nhạc Phi có người mẹ trí thức, sanh con sanh cả lòng, ông lớn lên làm quan lớn. Dù rằng ông bị Tần Cối mưu hại, nhưng cái chết trung can nghĩa khí hiện giờ được người đời phụng cúng, danh vang muôn thuở. Còn Tần Cối bị người đời phỉ nhổ, để tượng hình bị trói, hậu thế chê cười!

Người xưa rất quan tâm giáo dục con em: Khi cha mẹ mất để tang 3 năm mới lập gia đình. Ông Nguyễn Công Trứ, đời vua Minh Mạng, ngài thị sát dân tình, nghe trong nhà có tiếng mắng cha mẹ, ông ghé vào thấy đứa nhỏ khoảng 4 hay 5 tuổi đang mắng cha mẹ. Ông bảo đem chén cơm cho bé ăn, bảo người để đũa ngược. Bé cầm đưa lên so đầu đuôi thứ tự, ông ra lệnh chém đầu bé ngay, vì ông cho rằng bé đã đủ trí hiểu biết mà bất hiếu.

Còn nhà vua Tự Đức đời Nguyễn, vua đi công việc lâu, Thái hậu ở cung trông đợi, vua về thấy mẹ buồn, quì lạy mẹ và nằm dài, để roi cho mẹ đánh. Đời xưa chữ hiếu làm đầu, nay có phần khác hơn nhiều! Đôi khi cha mẹ còn đó, chữ hiếu chưa tròn; nếu cha mẹ có chút vật chất, thì anh, chị, em lo tính phân chia; đôi khi cha mẹ hấp hối, nhắm mắt không yên vì các con chỉ lo phân chia của cải. Tôi chứng kiến cảnh này rất nhiều.

Cũng có nhiều trường hợp cha mẹ cũng quá đáng, không vừa ý với con, coi như bỏ nó bên lề đường, lối giáo dục chưa đủ tế nhị, hãy xét kỹ nguyên do, tại sao con phản ứng, nó muốn nhu cầu gì? Dù con có sai trái thế nào, thì khúc ruột đừng nên cắt bỏ, ngược lại phận làm con phải nhớ công ơn cha mẹ như trời biển, dù cha mẹ có gây đau thương oan ức như thế nào cũng nên lấy chữ hiếu làm đầu, mai sau quí vị lập gia đình, con cháu quí vị sẽ hiếu kính với quí vị. Đừng mơ gia tài của cha mẹ, quan trọng là tạo cho mình nghề nghiệp, bản thân vững chắc, có trách nhiệm, siêng năng trong công việc là cơ sở bền lâu; gia tài ấy dùng hoài chẳng hết, đòi chi gia tài vài căn phố, vài mảnh ruộng để gia đình tan rã, anh em bất hòa.

Một phần của tài liệu 5489-nhu-the-nao-la-giai-thoat-pdf-khoahoctamlinh.vn (Trang 45 - 47)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(73 trang)