TU CHUYỂN NGHIỆP, HAY BỊ NGHIỆP CHUYỂN

Một phần của tài liệu 5489-nhu-the-nao-la-giai-thoat-pdf-khoahoctamlinh.vn (Trang 33 - 35)

CHUYỂN

Lời Phật dạy, tâm tạo tác tất cả, tâm dẫn đầu tạo đủ các duyên. Tổ dạy: Nhất thiết do tâm tạo, có những Phật tử quá ham tu, vọng tưởng, muốn sớm thành Phật nên Tiên, nên dễ nảy sinh tâm lý cực đoan. Cũng có thành phần xuất gia, muốn mau chứng đạo quả, kết cuộc uổng phí đời tu.

Nói về phần xuất gia, vọng tưởng điên đảo, mới tu không siêng học pháp, hành pháp, hay nghiên cứu kinh, luật, luận; lại chạy theo tướng bên ngoài, thường bị vấp ngã. Chính tôi là người thiếu chút nữa thành tội nhân lừa thầy, bỏ đạo, may là tôi có bệnh sợ ma. Mỗi lần có người trong chùa chết, tôi thất vía kinh tâm, không dám ngủ riêng phòng, tìm chỗ đông người chui vô kẹt ngủ. Không ngờ bệnh sợ ma đưa tôi vào thế giới bình yên.

Năm 1964, quí Sư cô rủ tôi lên núi tu tịnh, quí vị ca tụng lối tu luyện: Nào biết bay, biết quá khứ, vị lai... Pháp tu luyện trên đỉnh đầu chiếu sáng gọi là Mô Ni Châu, rồi luyện hơi thở, đưa khí vào bụng. Tu nhất kiếp ngộ, nhất thành. Quí vị nói thao thao bất tuyệt, thật là hấp dẫn. Tôi định cuốn gói theo họ, sau thời gian thành chánh quả sẽ về. Đến ngày hẹn có người rước, tôi hỏi trên núi có ma không? Họ đáp: “Ở núi ma nhiều lắm...”. Nghe quá kinh sợ, tôi nói: “Có ma em không đi đâu...!”.

Thật là buồn cười cho tôi, vì sợ ma nên trở chứng thất hẹn. Vài năm sau, tôi hay tin quí vị ấy người thì nổi cơn khùng, người thì ra đời, người thì nằm nhà thương vì bệnh phổi, người thì xơ gan lớn bụng. Thành Phật, thành Tiên, biết quá khứ vị lai đâu chưa thấy, chỉ thấy bệnh ngặt mang vào thân? Sai một ly đi ngàn dặm. Con đường giác ngộ bơ vơ, không có chỗ đến cũng không có lối đi. Tu không chuyển nghiệp, lại bị nghiệp chuyển.

Đại Sư Ấn Quang nói: “Học đạo phải có thầy trí tuệ hướng dẫn. Như leo cây tìm cá, cá nào có ở trên cây. Đừng nói tâm tức Phật rồi không cần. Giới, Tánh, Tướng... như thuyền với buồm. Ghe quá nhỏ, buồm to, căng buồm nhiều, chạy quá nhanh sẽ bị chúi mũi, bị chìm; còn ghe lớn, buồm quá nhỏ, không bọc được gió, ghe cũng không chạy được. Học Phật gạn lọc hết mê, tỉnh giác; huấn tập Định, Huệ vào tâm thức. Giống như chất lượng bông lài, ướp vào trà, trà hút mùi lài, lâu ngày sẽ tỏa mùi thơm”.

Theo kinh nghiệm tu tập của tôi, không nên thái quá, bất cập. Những người mới xuất gia không nên vọng tưởng ham kiến tánh sớm, rồi tìm pháp tu thế này, thế khác, thường thay đổi pháp tu như thay khăn đổi áo, lại còn ham độ chúng sanh. Nhắn nhủ đôi lời cùng huynh đệ, nếu chưa biết lội thì đừng ham vớt người, chết không kịp trối; còn như biết lội cứu người, phải cẩn thận, không chừng bị người nhấn chìm, chết chung với họ.

Muốn xuất gia phải theo thầy học đạo ít nhất là 3 năm. Muốn xây nhà lầu phải đắp nền móng cho vững. Nên nhập chúng, vì đại chúng có nhiều thành phần để cho ta học hỏi. Nếu ta gặp thầy, bạn tốt, thì cùng phát triển lý tưởng; bằng như nghịch duyên, gặp oan gia trái chủ thì ta sẽ học được bài học ngàn vàng. Con đường ta đi không bằng phẳng, nên bước từng bước e dè trong sự tĩnh tâm. Hãy xem đại chúng như môi trường huấn luyện, vì họ là ân nhân của ta, họ bào gọt dùm tự ngã của ta. Ta hãy dũng chí chịu đựng, ta sẽ trưởng thành trong tự tánh. Muốn tự tại không phải ngồi cầu mà có được, ta phải diệt tâm vọng động, tâm sanh diệt, thì tự tại không mời cũng đến.

Qua giai đoạn trên, mặt trời hạnh phúc sẽ ló dạng. Ta khoan bàn chuyện thành Phật mà làm người biết lắng nghe. Hiện tại không vướng mắc, tương lai không tìm cầu, quá khứ cho đi qua. Hãy đặt mình ở cương vị thấp nhất trong ngôi nhà Tam Bảo. Cha mẹ đi vắng, anh chị lo việc lớn, phận con trò, siêng năng làm vườn, nhổ cỏ, quét sân, dọn dẹp lau chùi bàn ghế, đừng để bụi bám vào.

Đừng làm ông chủ bắc ghế ngồi giữa nhà rồi ba hoa lắm lời. Mãi ngồi một chỗ không làm gì được cả, còn xưng là con của Trưởng giả (ý chỉ Phật) lại đòi chia gia tài, mọi người lánh xa, ngôi nhà lạnh lẽo, nhện giăng khắp nhà. Nếu ngôi nhà Tam Bảo có những đứa con thích ra oai làm ông chủ thì than ôi! Thật đáng tiếc!

Một phần của tài liệu 5489-nhu-the-nao-la-giai-thoat-pdf-khoahoctamlinh.vn (Trang 33 - 35)