Ảnh hưởng đến công tác tổ chức quản lý và hiệu quả kinh doanh

Một phần của tài liệu ẢNH HƯỞNG CỦA TÍNH MÙA VỤ ĐẾN HOẠT ĐỘNG DU LỊCH TỈNH THỪA THIÊN - HUẾ 10600836 (Trang 59 - 64)

6. Bố cục đề tài

2.3.1. Ảnh hưởng đến công tác tổ chức quản lý và hiệu quả kinh doanh

Phân tích ở trên đã cho thấy thực trạng về tính mùa vụ du lịch Thừa Thiên - Huế, sự phân hóa theo mùa cả về lượng khách, doanh thu, công suất sử dụng, cơ sở lưu trú và cả tình trạng sử dụng lao động là đặc điểm nổi bật của tính mùa vụ. Trong thực tế tính mùa vụ đã gây không ít khó khăn cho việc tổ chức hoạt động kinh doanh ở Thừa Thiên - Huế.

Khách du lịch tập trung với số lượng lớn trong mùa du lịch, các nhu cầu cần được đáp ứng của khách được tăng lên với số lượng lớn hơn, đa dạng hơn rất nhiều. Như vậy, việc đáp ứng được đầy đủ mọi nhu cầu của du khách là việc khó khăn vì lượng nhu cầu quá lớn trong khi đó khả năng cung cấp các dịch vụ hàng hóa thì có hạn, tuy nhiên vào trái mùa du lịch lượng khách lại giảm xuống nhanh gây ảnh hưởng đến tổ chức quản lý và hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp.

Khi lượng khách du lịch tăng thì các dịch vụ đua nhau mở ra (như bán hàng lưu niệm, chụp ảnh, bán hàng rong…) tạo áp lực lớn cho các nhà quản lý hoạt động du lịch. Trong thời gian qua lợi dung khách du lịch tập trung cao có rất nhiều hướng dẫn viên hoạt động không thẻ mà theo quy định hướng dẫn viên phải đeo thẻ khi dẫn khách đi tour. Tại chùa Thiên Mụ một du khách đến từ thành phố Hồ Chí Minh nói: “Trong suốt thời gian tham quan, chúng tôi được anh H giới thiệu, thuyết minh các điểm đến nhưng không thấy anh này đeo thẻ hướng dẫn viên du lịch” (Báo điện tử). Một cán bộ kiểm soát vé tại lăng vua Khải Định cho biết: “Đa số hướng dẫn viên dẫn khách đến đều có thẻ nhưng cũng có một số không đeo, có thể do họ… quên?” (Báo điện tử). Điều này đã làm cho hướng dẫn viên thật giả lẫn lộn. Mở rộng hiện trạng hoạt động hướng dẫn viên du lịch trong khu di sản Huế, ông Nguyễn Việt Dũng, Trưởng phòng Hướng dẫn - Thuyết minh (thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế) nói: “hướng dẫn viên du lịch hoạt động tự do là một vấn nạn. Nếu hướng dẫn viên du lịch nước ngoài thuyết minh sai về điểm đến khó kiểm soát do không hiểu ngôn ngữ đã đành, nhưng đến hướng dẫn viên du lịch người Việt thuyết minh bằng tiếng Việt mà sai thông tin cũng khó ai quản lý được” (Báo điện tử). Ngoài ra, ở Quần thể di tích cố đô Huế thỉnh thoảng xuất hiện người nước ngoài làm hướng dẫn viên du lịch. Chị Phạm Thị Dung, một hướng dẫn viên lâu năm ở phòng Hướng dẫn - Thuyết minh cho biết: “Chưa kể sự có mặt của đội ngũ hướng dẫn viên tự do và hướng dẫn viên suốt tuyến, ngay tại các điểm di tích Cố đô Huế vẫn có tình trạng người ngoại quốc hướng dẫn, thuyết minh về di sản văn hóa Huế. Đến hướng dẫn viên tiếng Việt còn khó kiểm soát thông tin, huống chi là người ngoại quốc” (Báo điện tử). Từ những đều này, không chỉ làm cho các cơ quan

làm du lịch địa phương thất thu mà chất lượng dịch vụ, thông tin chính thống của di tích du lịch sai lệch và không kiểm soát được.

Vào dịp lễ hội Festival Huế diễn có nhiều dịch vụ kèm theo để phục vụ khách du lịch, các hiện tượng chèo kéo khách du lịch, nâng giá cao…chẳng hạn như dịch vụ gửi xe trong lễ hội không có nơi nào treo bảng giá, đẩy giá gửi xe lên gấp cả chục lần so với ngày thường, xe đạp 10.000 đồng xe máy 20.000 đồng hoặc cao hơn. Đây là vấn đề mà hiện nay các cơ quan chức năng quản lý du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế còn hạn chế trong các kỳ diễn ra lễ hội.

Đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và lưu trú gây nên nhiều khó khăn cho các nhà quản lý. Khi lượng khách du lịch tăng cao việc cung cấp các dịch vụ cho khách du lịch không được đảm bảo, đặc biệt là các cơ sở nhỏ lẻ hoạt động ngoài vùng kiểm soát của các cơ quan chức năng. Như thức ăn không đảm bảo chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm, không đảm bảo nguồn gốc rõ ràng…

Ngoài ra hiện tượng trốn thuế cũng diễn ra mạnh mẽ. Các cơ sở lưu trú chưa ý thức tầm quan trọng của việc đăng ký khách, hay vì những lý do khác mà không khai báo với các cơ quan chức năng gây khó khăn cho công tác kiểm soát khách, gây mất trật tự, an toàn xã hội.

Đó là ảnh hưởng đến công tác quản lý chung, còn đối với từng cơ sở kinh doanh tính mùa vụ không những tác động đến việc tổ chức quản lý hoạt động của cơ sở mà còn ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động kinh doanh. Những ảnh hưởng này mạnh nhất và rõ nét nhất ở các cơ sở kinh doanh về lưu trú và dịch vụ nhà hàng.

Cơ sở vật chất kỹ thuật ở Thừa Thiên - Huế được sử dụng với công suất lớn trong mùa du lịch và để lãng phí trong thời gian vắng khách dẫn tới tình trạng mất cân đối giữa cung và cầu. Việc sử dụng quá mức cơ sở vật chất kỹ thuật trong mùa du lịch dẫn đến việc xuống cấp nhanh chóng và nghiêm trọng gây khó khăn và tốn kém trong việc tôn tạo và tu bổ các công trình. Ngoài mùa du lịch công suất sử dụng buồng giường ở các khách sạn giảm hẳn, thậm chí có thời gian bằng không. Như vậy, hoạt động kinh doanh của các công ty, khách sạn gần như ngưng trệ, doanh thu

giảm hẳn. Ví dụ như Vườn quốc gia Bạch Mã là khu du lịch sinh thái nổi tiếng với khí hậu mát mẻ (mùa hè nhiệt độ trung bình từ 180 độ C đến 230 độ C), phong cảnh hùng vỹ với nhiều đỉnh núi, suối thác, nhiều loài động , thực vật đan xen giữa nhiệt đới và á nhiệt đới. Vào năm 1932, người Pháp cho xây dựng tại khu Bạch Mã một khu nghỉ dưỡng lớn với 139 biệt thự, hồ bơi, sân quần vượt… hệ thống đường dài 19km nối quốc lộ 1A với khu trung tâm Bạch Mã. Ngày nay, nhiều biệt thự, cơ sở hạ tầng… được trùng tu, tôn tạo phục vụ du lịch, mang tên như Đỗ Quyên, Sao La, Kim Giao… Vào mùa du lịch (chủ yếu từ tháng 3 đến tháng 9) số khách của các tháng chiếm trên 90% (15.900 lượt khách năm 2015) tổng lượng khách cả năm, lượng khách cao dẫn theo doanh thu tăng, chỉ riêng doanh thu từ dịch vụ lưu trú đạt trên 40% doanh thu du lịch cả năm. Nhưng vào trái mùa du lịch, lượng khách đến đây rất thấp do đi lại khó khăn, mưa (là nơi có lượng mưa lớn nhất nước ta với 8.000 mm/năm), bão, sạt lở, độ ẩm luôn trên 80%… các yếu tố thiên nhiên này không chỉ ảnh hưởng đến lượng khách, các cơ sở hạ tầng để lãng phí trong thời gian vắng khách, mà còn làm hư hỏng các cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, sản phẩm du lịch, kinh phí sửa chữa lại có khi lên đến vài tỷ đồng. Lượng khách thấp dẫn đến hiệu quả kinh doanh du lịch thấp theo.

Vào mùa du lịch cao điểm, du khách rất đông dẫn đến tình trạng tăng giá sản phẩm, dịch vụ, phục vụ qua loa không đảm bảo chất lượng, kiếm lời bất chính, bị móc túi, bị lột sạch tư trang… những tình trạng này gây nên những khó khăn cho việc quản lý, an toàn trật tự, gây mất ổn định giá cả thị trường, tạo nên hình ảnh du lịch không tốt về giá cả, an ninh trật tự, du lịch của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Một số khách sạn lợi dụng số lượng khách đông vào dịp lễ hội Festival Huế 2016 đã nâng giá phòng lên gấp nhiều lần như Khách sạn Bảo Sơn nằm trên đường Nguyễn Công Trứ (TP Huế) vào ngày thường giá phòng đơn từ 200 - 300 nghìn đồng, giá phòng đôi từ 400 đến 600 nghìn đồng, nhưng vào dịp lễ hội này khách sạn tăng giá phòng đôi lên 1,3 triệu đồng/đêm. Hay tại khách sạn Hương Vĩ đường Nguyễn Sinh Cung (TP Huế), phòng đơn có giá 250 nghìn đồng/đêm, phòng đôi giá 350 nghìn

đông/đêm, nhưng từ ngày 28/4, khi thời điểm Huế bắt đầu đi vào mùa lễ hội thì khách sạn tăng giá phòng từ 500 đến 700 nghìn đồng.

Một trong những yếu tố ảnh hưởng đến môi trường du lịch Thừa Thiên - Huế là tình trạng nhà vệ sinh, thùng rác, xã rác bừa bãi tại các điểm tham quan, di tích. Đây là vấn đề tế nhị nhưng lại rất quan trọng trong việc tạo ấn tượng, thu hút du khách. Khi mà các cơ sở này đã thiếu cùng với lượng khách du lịch tập trung cao vào mùa du lịch làm nó quá tải gây nên những hình ảnh không tốt cho du khách.

Sản phẩm du lịch là nhân tố quan trọng để hạn chế tác động của tính mùa vụ đến hoạt động du lịch tại Thừa Thiên - Huế. Khi tỉnh đưa ra được các sản phẩm du lịch hấp dẫn và phong phú đa dạng thì mới có khả năng kéo dài mùa du lịch chính và thu hút du khách vào mùa du lịch phụ, trái mùa du lịch.

Tính mùa vụ ảnh hưởng khá mạnh đến sản phẩm du lịch tại Thừa Thiên - Huế. Lượng khách thay đổi khá mạnh vào các mùa trong năm trong khi đó tùy theo thời gian nhất định mà khách du lịch cần các loại sản phẩm du lịch khác nhau để phục vụ cho sự thỏa mãn nhu cầu của mình. Thừa Thiên - Huế có những sản phẩm du lịch chưa thật sự hấp dẫn du khách đồng thời có những sản phẩm du lịch hoạt động hết công suất vào mùa du lịch chính như dịch vụ nghe ca Huế trên sông Hương, nhưng loại dịch vụ du lịch ăn khách này lại ế ẩm vào trái mùa du lịch. Tính mùa vụ tác động đến loại hình du lịch trên sông Hương mạnh, đây là sản phẩm du lịch kết hợp cả tự nhiên và nhân văn. Vào thời gian mùa đông các hoạt động du lịch gần như đóng cửa vì rất khó hoạt động, đặc biệt là khi lũ lụt, bão.

Khi vào trái mùa du lịch chính quyền và các cơ sở kinh doanh du lịch gặp nhiều khó khăn, phải tìm ra các phương pháp nhằm đảm bảo cho hoạt động du lịch duy trì trong tình trạng hoạt động ổn định (cắt giảm nguồn lao động, giảm các dịch vụ, thậm chí có một số cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ phải đóng cửa vì doanh thu không đảm bảo để duy trì hoạt động…). Ví dụ như công ty Du lịch Hoàng Đế (TP Huế) phần lớn khai thác thị trường du lịch nội địa nên vào mùa du lịch thấp điểm các nhân viên công ty một phần hoạt động tại nhà, một phần tạm dừng hoạt động, nghỉ

việc do lương thấp, doanh thu hoạt động thấp, công ty không đủ kinh phí trả lương nhân viên. Nhưng vào mùa du lịch cao điểm thì nhân viên hoạt động với công suất cao với các nhiệm vụ như lập và thiết kế chương trình tour du lịch, bán tour, quảng cáo tour du lịch…

Vào mùa đông các hoạt động du lịch ngoài trời ở tỉnh hầu như phải ngừng hoạt động, nhất là loại hình du lịch biển, du lịch sông hồ. Còn loại hình du lịch nhân văn tuy có thể khai thác quanh năm nhưng do lượng mưa, bão, khí hậu lạnh, hoạt động đi lại, tham quan cũng chịu không ít ảnh hưởng.

Một phần của tài liệu ẢNH HƯỞNG CỦA TÍNH MÙA VỤ ĐẾN HOẠT ĐỘNG DU LỊCH TỈNH THỪA THIÊN - HUẾ 10600836 (Trang 59 - 64)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(87 trang)