6. Bố cục đề tài
2.3.2. Ảnh hưởng đến tài nguyên và môi trường du lịch
Thời gian qua, thực hiện chủ trương phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, xây dựng Thừa Thiên - Huế xứng tầm là trung tâm văn hoá, du lịch đặc sắc của Việt Nam, du lịch thành phố Huế phát triển khá nhanh, lượng khách đến ngày càng nhiều, thời gian lưu trú dài hơn và số lần khách trở lại thành phố cũng nhiều lần hơn, cơ sở vật chất phục vụ du lịch từng bước được đầu tư nâng cấp, môi trường du lịch không ngừng được cải thiện. Công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực du lịch được tăng cường trên nhiều mặt, trong đó, công tác đảm bảo trật tự, trị an và vệ sinh môi trường được xác định là nhiệm vụ quan trọng, được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo và thực hiện.
Tuy nhiên vệ sinh môi trường tại các điểm tham quan, du lịch trên địa bàn thành phố còn nhiều hạn chế, chưa đảm bảo yêu cầu phát triển du lịch bền vững, tình trạng rác thải ven các tuyến đường, hệ thống nhà vệ sinh công cộng còn thiếu và chưa đạt yêu cầu. Cách thành phố Huế khoảng 10km, đầm Chuồn là một thắng cảnh nổi tiếng của tỉnh Thừa Thiên - Huế, là một điểm du lịch hấp dẫn trong những năm gần đây. Nhưng hiện nay, tại đầm, rác thải tràn lan, rác quấn vào rong tảo, nổi lềnh bềnh dày đặc sát chân đê và trên mặt nước. Chị Lê Thị Thu, một người dân sinh sống gần đầm chia sẻ: “Nhiều người cứ tiện tay vứt rác xuống đầm. Trời mưa nhếch nhác, trời nắng hôi nồng nặc, thở không nổi…”(Báo điện tử).
Vào mùa du lịch, thời gian diễn ra các lễ hội, khách du lịch tăng cao. Lượng khách đông đã dẫn đến hiện tượng rác thải nằm la liệt trên các con đường, công viên, sông … do những người không có ý thức vứt xuống hay thùng rác chứa không hết nên bị rơi ra ngoài làm ô nhiễm môi trường, cảnh quan du lịch. Festival Huế 2016 trùng với kỳ nghỉ 30/4 - 1/5 nên dòng khách đi chơi, tham gia các chương trình, sự kiện tại Festival rất đông và sau khi kết thúc mỗi một sự kiện thì tàn dư còn lại là những đống rác nằm la liệt của những người vô ý thức bỏ lại. Chị Thường, một nhân viên thu gom rác tâm sự: “Có người có ý thức tốt thì vứt rác vào thùng rác nhưng cũng có người ném từ trên cao xuống trúng đầu chúng tôi. Mặc dù buồn, nhưng vì công việc nên chúng tôi phải làm hết sức mình” (Báo điện tử). Ngoài ra, rác thải trên các đường phố, công viên, nhà hàng… cũng tăng hơn so với ngày thường. Chị Phan Lê Thanh Hương chia sẻ: “Đợt Festival này lượng rác xảy ra tăng gấp 2-3 lần ngày thường. Chúng tôi rất vất vả để thu gom số lượng rác khổng lồ đó” (Báo điện tử).
Mặc dù các điểm du lịch đã đầu tư, bố trí các thùng rác công cộng tại các nơi khách du lịch hay đến và đặc biệt các điểm thường xảy ra tình trạng ô nhiễm môi truờng, nhưng do tác động của tính mùa du lịch khá lớn nên hiện tượng trên vẫn diễn ra và vượt khỏi tầm kiểm soát của các nhà quản lý. Có những nơi khách du lịch tập trung đông nên các thùng rác có thể bị che mất khỏi tầm mắt của khách du lịch, hay do lượng rác quá nhiều trong khi đó thùng rác lại nhỏ nên khách thường bỏ tràn ra ngoài. Đến thời gian hè, biển Thuận An thu hút hàng nghìn lượt khách đến nghỉ mát và tắm biển, lượng khách đến đây càng đông thì lượng rác thải càng nhiều với nhiều loại rác thải như túi ni lông, vỏ bánh kẹo, vỏ hoa quả, hộp sữa, chai lọ, xốp… Mặc dù có thùng rác và nhân viên thu gom rác cũng như các biện pháp nhưng vẫn không thể giải quyết hết lượng rác thải này. Ông Cao Ngọc Dung, một người dân địa phương cho biết: “Theo tui được biết thì biển ở phía các nhà hàng thì có sạch hơn vì các chủ nhà hàng họ có thu dọn rác ở khu vực của họ, mà có một số người thiếu ý thức còn chôn rác lại ngay dưới cát, còn lại toàn bãi biển ni toàn là rác thải” (Báo điện tử). Sau khi đến du lịch và chứng kiến những cảnh rác thải bừa bãi, ngổn
ngang này, anh Nguyễn Đức Cảnh, một du khách đến từ Gia Lai đánh giá: “Trước khi tới đây tôi cứ nghĩ đây là một vùng bãi cát vàng, sạch sẽ với làng nước trong xanh thơ mộng. Nhưng giờ thì rất thất vọng, tôi thật không thể ngờ là trên bãi biển nổi tiếng này lại ngập tràn rác thải như vậy. Với tình trạng này, nếu không sớm được khắc phục, chắc chắn rằng những du khách như tôi đến với bãi biển này sẽ rất khó chịu. Thực sự là tôi không muốn trở lại “bãi rác” này thêm một lần nào nữa” (Báo điện tử).
Vào mùa du lịch lượng khách tăng quá cao dẫn đến nhu cầu đi lại cũng vì thế tăng lên, gây ảnh hưởng đến môi trường không khí nặng, ngoài ra lượng rác thải do các cơ sở kinh doanh du lịch gây ảnh hưởng không tốt đến môi trường Thừa Thiên - Huế.
Nếu không có tính mùa vụ trong hoạt động du lịch mà chỉ đơn thuần có hoạt động du lịch diễn ra tại Thừa Thiên - Huế thì ảnh hưởng đến tài nguyên và môi trường du lịch vẫn có, song tính mùa vụ trong hoạt động du lịch ở các khu vực này làm cho các ảnh hưởng của nó trở nên mạnh mẽ hơn, tác động tiêu cực hơn đến tài nguyên và môi trường.