6. Bố cục đề tài
1.3.1.2. Tài nguyên du lịch nhân văn
Tài nguyên du lịch nhân văn do con người tạo ra, hay nói cách khác, nó là đối tượng và hiện tượng được tạo ra một cách nhân tạo. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho tài nguyên du lịch nhân tạo này có những đặc điểm khác biệt nhiều với nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên.
Theo Luật Du lịch Việt Nam (2005), quy định tại điều 13, chương II: “Tài
nguyên du lịch nhân văn gồm truyền thống văn hóa, các yếu tố văn hóa, văn nghệ dân gian, di tích lịch sử, cách mạng, khảo cổ, kiến trúc, các công trình lao động sáng tạo của con người và các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể khác có thể được sử dụng phục vụ mục đích du lịch” [16].
Thừa Thiên - Huế là nơi lưu giữ nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể chứa đựng nhiều giá trị biểu trưng cho trí tuệ và tâm hồn của dân tộc Việt Nam. Đặc biệt, trong đó có quần thể di tích cố đô Huế và nhã nhạc cung đình Huế đã được UNESCO ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa thế giới.
* Di tích lịch sử - văn hóa
Nói đến Huế, người ta nghĩ ngay đến những công trình lăng tẩm, đền đài, cung điện, là kinh đô của triều đại nhà Nguyễn kéo dài gần hai thế kỷ. Theo thời
gian, Huế vẫn phần nào lưu giữ những công trình, những nét cổ kính và trầm mặc. Một số di tích đặc sắc, nổi tiếng như:
Chùa Thiên Mụ
Chùa Thiên Mụ được xây dựng năm 1601 dưới thời chúa Nguyễn Hoàng và được tu sửa nhiều lần. Chùa được xây dựng trên đồi Hà Khê, tả ngạn sông Hương, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 5km về phía tây.
Chùa được chia làm 2 phần, lấy cổng Tam quan làm ranh giới: phần trước cổng giáp bờ sông Hương là phần có những công trình kiến trúc mang tính kỷ niệm như bia đá, chuông đồng, bửu tháp… Phần sau là các điện thờ Phật và nhà tăng. Kiến trúc chùa Thiên Mụ nổi bật nhất là tháp Phước Duyên. Tháp Phước Duyên là một biểu tượng gắn liền với chùa Thiên Mụ. Tháp cao khoảng 21m, gồm bảy tầng, được xây ở phía trước chùa, mỗi tầng đều có thờ tượng Phật.
Chùa Thiên Mụ ngày nay còn là nơi có nhiều cổ vật quý giá không chỉ về lịch sử mà còn cả về nghệ thuật như các bức tượng Hộ pháp, tượng Thập Vương, tượng Tam thế, những bức hoành phi, câu đối, chuông đồng, trống…
Chùa Thiên Mụ tọa lạc bên bờ sông Hương thơ mộng cùng với kiến trúc cổ kính đã góp phần tô điểm cho bức tranh thiên nhiên nơi đây thêm duyên dáng, thi vị. Tiếng chuông chùa như linh hồn của Huế, vang vọng mãi theo dòng nước sông Hương chảy qua Kinh Thành, rồi xuôi về của biển, đọng lại trong lòng khách phương xa đến Huế một nỗi niềm vương vấn chốn Thần Kinh.
Du khách có thể xuống thuyền Rồng lướt trên sông Hương đến chùa, đồng thời có thể ngắm cảnh hai bên bờ sông. Từ đây có thể lại chuyển sang phương tiện ôtô để đi tham quan các di tích khác.
Hoàng Thành
Hoàng thành và Tử Cấm Thành được gọi chung là Đại nội. Hoàng thành với khoảng 100 công trình kiến trúc bên trong được xây dựng từ năm 1804 đến năm 1883 hoàn tất. Hoàng thành cũng gần hình vuông, chu vi 2400m, xây bằng gạch dày
1m, cao 4m. Xung quanh đào một hệ thống hào để bảo vệ. Có 10 chiếc cầu bắc qua hào. Có 4 cửa ra vào ở 4 mặt thành là Ngọ Môn (cửa trước), Hòa Bình (cửa sau), Hiển Nhơn (cửa trái), Chương Đức (cửa phải). Diện tích trong Hoàng thành 38 ha (bao gồm cả Tử Cấm thành).
Khu vực cử hành đại lễ từ Ngọ Môn đến điện Thái Hòa. Đây là nơi diễn ra các cuộc đăng quang, khánh thọ, Nguyên đán, duyệt binh và thiết đại triều mỗi tháng hai lần vào ngày mồng 1 và ngày rằm.
Khu vực ăn ở của Hoàng thái hậu (mẹ vua) có cung Diên Thọ với khoảng 20 công trình kiến trúc với đầy đủ tiện nghi.
Khu vực ăn ở của Thái hoàng thái hậu (bà nội vua) có cung Trường Sanh với khoảng 10 công trình kiến trúc kèm theo.
Khu vực Phủ Nội vụ bao gồm nhà kho, xưởng chế tạo đồ dùng phục vụ sinh hoạt của gia đình nhà vua.
Khu vực điện Khâm Văn và vườn Cơ Hạ là nơi để các Hoàng tử học tập và vui chơi.
Tử Cấm thành
Tử Cấm thành được xây dựng cùng với Hoàng thành, cũng có hình gần vuông, chu vi 1.200m, vòng thành xây bằng gạch cao 3,5m để ngăn cách với nơi ăn ở sinh hoạt của vua và gia đình với thế giới bên ngoài. Trong Tử Cấm thành có khoảng 50 công trình kiến trúc lớn nhỏ là những cung điện tráng lệ nhất. Xung quanh thành có 7 cửa để ra vào, của chính ở mặt tiền và Đại Cung môn. Bước qua Đại Cung môn là vào ngay điện Cần Chánh nơi làm việc hàng ngày của vua. Hai bên điện Cần Chánh là điện Văn Minh, điện Võ Hiển, Đông Các, Tả Vu, Hữu Vu. Sau đó là điện Càn Thành nơi vua ở. Cách một cái sân, cũng trên trục chính là cung Khôn Thái nơi Hoàng hậu ở, rồi đến lầu Kiến Trung. Hai bên dãy cung điện này là điện Quang Minh, điện Trịnh Minh, điện Dưỡng Tâm, Tĩnh Quang Đường, Duyệt Thị Đường (nhà hát), Thượng Thiện Đường (nhà nấu ăn cho vua), Lục Viện (nơi ở
của các phi tần), Thái Bình lầu (nơi vua đọc sách) kế đó là vườn Thượng Uyển và những đình tạ, ao hồ, cầu cống…
Lăng Khải định
Lăng Khải Định nhỏ hẹp hơn các lăng tẩm khác, nhưng đây lại là một tòa điện đài được cấu trúc bằng xi - măng cốt thép lộng lẫy, tráng lệ giữa núi đồi làng Châu Chữ, cách thành phố Huế 10km. Lăng Khải Định xây dựng trong 11 năm (1920 - 1931) tốn nhiều công phu, tiền của.
Với bối cảnh lịch sử Việt Nam đầu thế kỷ XX, sở thích và phong cách cá nhân thường được biểu hiện trong cuộc sống hàng ngày, vua Khải Định (1916 - 1925) đã đưa vào kiến trúc lăng tẩm của mình nhiều yếu tố mới của nghệ thuật, kỹ thuật và vật liệu xây dựng. Về nghệ thuật lăng Khải Định đã kết hợp hai dòng kiến trúc Á - Âu. Về kỹ thuật thì tiếp thu không ít những tiện nghi tân tiến như cột thu lôi, đèn điện, cổng sắt… Về vật liệu kiến trúc, gỗ ở đây dường như vắng bóng để cho kỹ thuật bê - tông cốt thép, ngói ác - đoa (ardoise), gạch ca - rô... chiếm lĩnh. Phần thiên nhiên bên trong lăng Khải Định bị lu mờ.
Hổ Quyền
Hổ Quyền là nơi nhà Nguyễn tổ chức hàng năm những trận đấu giữa voi và cọp để vua và đình thần đến xem. Đây là một đấu trường lộ thiên hình vành khăn, đường kính 44m, dày 4,50m, cao 5,80m được xây bằng gạch ở cả hai mặt trong và ngoài ôm lấy mô thành bằng đất ở giữa. Khán đài vua ngồi quay mặt về hướng Nam, đối diện với 5 chuồng cọp nằm ngay trong chân thành. Có một cửa cao và rộng để voi đi vào dự trận đấu.
Hổ Quyền được xây dựng năm 1830 thời vua Minh Mạng, rồi được sửa chữa nâng cao thêm trong thời vua Thành Thái. Trận đấu cuối cùng giữa voi và hổ là năm 1904. Ở vùng Đông Nam Á, Hổ Quyền là đại đấu trường duy nhất dành cho voi - hổ tranh hùng, đến nay còn nguyên vẹn.
* Bảo tàng, nhà lưu niệm
Thừa Thiên - Huế là một trong 3 trung tâm có hệ thống bảo tàng độc đáo. Sự ra đời của các bảo tàng, nhà trưng bày là nơi lưu giữ nhiều cổ vật, di vật gắn liền với văn hóa cung đình, văn hóa dân gian, về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lịch sử cách mạng, các anh hùng, danh nhân tiêu biểu, nghệ sĩ tài hoa của đất nước, trong đó có nhiều hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia như: bộ Cửu vị thần công, bộ Cửu Đỉnh, bệ thờ Vân Trạch Hòa, Áo Tế giao.
Một số bảo tàng và nhà lưu niệm tại Thừa thiên - Huế: bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế (Điện Long An), bảo tàng Đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn, bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên - Huế, bảo tàng Lịch sử và Cách mạng, nhà trưng bày nông cụ Thủy Thanh (Hương Thủy)…
* Lễ hội
Thừa Thiên - Huế là một vùng đất có truyền thống văn hóa, tuy không lâu đời như ở miền Bắc, nhưng từ khi chúa Nguyễn đặt thủ phủ tại đây cho đến khi triều đại nhà Nguyễn chấm dứt (1945), Huế là kinh đô của nhà Nguyễn, là nơi giao lưu, gặp gỡ các luồng tư tưởng Đông Tây kim cổ. Văn hóa Huế có truyền thống từ Bắc tràn vào, theo những lưu dân lập nghiệp trên vùng đất mới. Tại đây còn tồn tại dân tộc Chăm với nền văn hóa Ấn Độ, sau này có thêm nền văn hóa phương Tây thâm nhập vào từ thời các chúa Nguyễn. Các lễ hội truyền thống được duy trì và phát triển thêm những lễ hội từ những nguồn văn hóa ấy.
Lễ hội ở Thừa Thiên - Huế khá đa dạng với hai loại lễ hội chính là lễ hội cung đình và lễ hội dân gian. Lễ hội cung đình phản ánh sinh hoạt lễ nghi của triều Nguyễn, phần lớn chú trọng về “lễ” hơn là “hội”. Lễ hội dân gian đa dạng và phong phú, tiêu biểu như: lễ hội Huệ Nam (điện Hòn Chén) hay còn gọi là lễ rước sắc nữ thần Thiên Y A Na theo tín ngưỡng của người Chămpa xưa… Trong những dịp tế lễ, nhiều sinh hoạt văn hóa bổ ích như đua thuyền, kéo co, đấu vật… được tổ chức và thu hút đông người xem. Một số lễ hội ở Thừa Thiên - Huế: hội đua ghe truyền thống, hội vật làng Sình, lễ tế Nam Giao, Festival Huế…
* Văn hóa, ẩm thực
Ẩm thực: ông Trần Đình Giáng, sống ở Thừa Thiên - Huế là một nhà địa lý học say mê nghiên cứu sưu tầm món ăn trên các miền đất nước đã tổng kết khoảng 3.000 món ăn Việt Nam, trong đó có 1.700 món ăn Huế và tạm chia làm 3 loại: món ăn bình dân, món ăn chay và ngự thiện (cơm vua). Những món ăn của các vua triều nhà Nguyễn có trên vài chục món thuộc loại cao lương mỹ vị, được chuẩn bị vô cùng công phu, tỷ mỷ, cầu kỳ như chè yến sào hạt sen, vi cá xào rối, cháo hải sâm, chả phụng…. Các món ăn dân dã rất phổ biến trong quần chúng nhân dân với bản thực đơn phong phú hàng trăm món ăn được chế biến khéo léo, hương vị quyến rũ, màu sắc hấp dẫn, coi trọng phần chất lượng, nghệ thuật bày biện các món ăn đẹp mắt, nghệ thuật thưởng thức tinh tế như cơm hến, bún bò Huế, nem lụi, chè hẻm, cơm chay Huế, bánh canh, chè Huế...
Đặc biệt Huế còn là xứ sở của các loại bánh như bánh bột lọc quai vạc, bánh lá chả tôm, bánh lọc lá, bánh bèo chén, bánh cuốn tôm chấy, bánh khoái…
* Làng nghề truyền thống
Nghề và làng nghề ra đời, tồn tại và phát triển luôn gắn liền với những bước thăng trầm của lịch sử Thuận Hóa - Phú Xuân - Huế và góp phần tạo dựng bản sắc văn hóa Huế, đóng vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội. Ngày nay, các làng nghề truyền thống còn có vai trò phát triển du lịch, vì vậy mà có không ít làng nghề được phục hồi, đầu tư và phát triển. Làng nghề truyền thống là một lợi thế cho du lịch, là một yêu cầu tất yếu khách quan, cần thiết để giúp cho kinh tế du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phong phú và đa dang nhiều loại hình du lịch: tham quan, chữa bệnh, an dưỡng, học tập, thể thao, tín ngưỡng, lễ hội, nghề truyền thống...
Một số làng nghề tiêu biểu: làng nghề đan lát Bao La, làng nghề nón lá, nghề dệt Zèng, nghề đúc đồng, nghề gốm Phước tích, nghề thêu, tranh làng Sình…