PHẦN 2 TỔNG QUAN TÀI LIỆU
2.3. Cơ sở khoa học của lợi ích trồng xen
2.3.6. Một số biện pháp kỹthuật nghiên cứu về trồng xen
Mô hình trồng lạc xen cao su tiểu điền giai đoạn KTCB tại huyện Đức Cơ là huyện biên giới phía Tây của Gia Lai cho thấy: Đa phần diện tích trồng cao su tiểu điền trên địa bàn huyện là đất đồi độ dốc 10-150 nên dễ xói mòn về mùa mưa, làm đất nhanh thoái hoá. Để cao su phát triển tốt trên diện tích chuyển đổi từ trồng sắn, việc trồng xen cây họ Đậu nhằm khôi phục chất đất, tăng thu nhập trong thời gian cao su chưa cho thu hoạch là rất cần thiết. Biện pháp canh tác trồng xen lạc trong vườn cao su đã góp phần làm tăng thu nhập cho người dân. Cao su trong thời
gian này chưa có tán, rễ ăn sâu, còn lạc có rễ ăn nông nên khả năng sinh trưởng và phát triển tốt, cho năng suất vài chục tạ/ha. Thu hoạch xong, có thể trồng xen bắp (ngô) và cây trồng khác để luân canh. Hiệu quả thu được từ mô hình này có thể lên tới hơn 10,0 triệu đồng/ha/năm. Đây cũng là một trong những biện pháp tiết kiệm công làm cỏ, xới đất.
Ngoài hiệu quả thu lợi từ sản phẩm, bề mặt đất có lạc che phủ còn có tác dụng tích cực trong việc bảo vệ đất, chống xói mòn, rửa trôi trong mùa mưa. Sau khi thu hoạch lạc, chân đất đã được bổ sung một lượng mùn đáng kể nhờ xác cây lạc. Chi phí đầu tư và công chăm sóc giảm hơn 1 triệu đồng/ha. Cao su sinh trưởng tốt hơn vì thu được hàm lượng dinh dưỡng từ thân và rễ lạc.
Mô hình vườn bí xanh trồng xen canh trong lô cao su mới một năm tuổi của gia đình anh Nguyễn Văn Tuấn, xã Tân Hiệp, huyện Bình Long bắt đầu cho thu hoạch. Theo anh Tuấn, cây bí xanh phát triển rất tốt dưới tán cao su nhưng không làm ảnh hưởng đến sự phát triển của cây cao su. Chu kỳ sinh trưởng và cho trái của cây bí xanh chỉ trong vòng 50 ngày và cho thu hoạch trong 2 tháng. Nếu chăm sóc tốt, 1ha bí trồng xen canh trong lô cao su cho thu hoạch khoảng 35,0 tấn quả. Với giá bán bình quân 4.000 đồng/kg như hiện nay thì 1ha bí cho thu nhập gần 140,0 triệu đồng, trừ chi phí chăm sóc, phân bón gia đình anh cũng lãi hơn 100,0 triệu đồng. Một năm bình quân trồng 3 vụ, anh thu về khoảng 300,0 triệu đồng/năm. Theo kinh nghiệm của anh Tuấn,trước tiên đất phải làm sạch cỏ, bón vôi, phân lót và thường xuyên tưới nước để giữ độ ẩm cho cây, đến khi thu hoạch cần bón thúc.
Ông Hồ Viện ở ấp Bàu Lùng, xã Tân Hiệp (huyện Bình Long) đã chọn dưa hấu để trồng xen canh trên đất cao su. Bình quân 1 ha dưa hấu cho thu hoạch khoảng 30 tấn quả, mỗi năm trồng 2 vụ, nếu được giá, sau khi trừ chi phí cũng thu về được gần 300 triệu đồng.
Mô hình ngô xen đậu đen: Với chủ trương “trồng thuần 1 cây, xen thêm cây khác với mật độ thích hợp để thu thêm sản phẩm trên cùng diện tích” là một trong những quan điểm “ăn chắc, mặc bền” của nhiều nông hộ trước tình hình thời tiết và giá nông sản không ổn định. Trong những năm 80, trong sản xuất có rất nhiều mô hình trồng xen được thiết kế, tuy nhiên đến năm 1995, mô hình trồng hai hàng ngô lai xen sáu hàng đậu xanh là mô hình đạt lợi nhuận có sức tuyết phục.
Mô hình trồng hai hàng ngô lai xen sáu hàng đậu xanh giúp nông dân giảm được chi phí đầu tư từ 14,4- 18,9% so với trồng ngô thuần. Đậu xanh trồng xen có tác dụng cải tạo đất, lượng thân lá đậu xanh trồng xen vùi lại cho đất là 6,45 tấn/ha, tương ứng 25,1 N + 6,0 P2O5 + 26,6 K2O (kg/ha).
Công ty cao su Dak Lak đã đưa giống cây dứa Cayen vào trồng xen canh trong vườn cây cao su kiến thiết cơ bản nhằm tận dụng quỹ đất, tạo việc làm thêm cho công nhân. Mỗi chu kỳ thu được từ 3-4 vụ và cho năng suất là 30 tấn/ha trồng xen. Theo Trung tâm đầu tư và phát triển cao su Dak R’lấp, sản lượng dứa quả được Công ty xuất nhập khẩu Tân Bình ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ với mức giá là 1.300 đ/kg loại 1, 1.000 đ/kg loại 2, 650 đ/kg loại 3.
Sau 2 năm triển khai thực hiện đề tài "Nâng cao hiệu quả sản xuất cà phê bằng phương pháp xen canh" triển khai tại xã Kim Long, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Trung tâm Nghiên cứu cây ăn quả Đông Nam bộ đã xây dựng được nhiều mô hình trồng xen canh nhiều loại cây ăn quả khác nhau cho giá trị thu nhập cao như: bưởi, sầu riêng, tiêu… trong vườn cà phê đều đưa lại hiệu quả kinh tế rất tốt, trong đó mô hình trồng hồ tiêu xen cà phê cho hiệu quả cao nhất. Theo nhiều hộ gia đình tham gia xây dựng mô hình xen canh ở xã Kim Long thì trước đây cà phê trồng thuần, nếu chăm sóc tốt, bán được giá mỗi ha cũng chỉ cho thu hoạch từ 35- 40 triệu đồng, từ khi chuyển sang trồng xen canh với hồ tiêu lợi nhuận tăng gần gấp đôi. Hiệu quả của việc trồng xen không chỉ làm tăng thêm thu nhập mà còn rải vụ thu hoạch, giảm công lao động, đỡ "kẹt" về nguồn vốn đầu tư mà cả 2 loại cây trồng đều có tác dụng che bóng cho nhau nên năng suất, chất lượng cả cây trồng chính lẫn cây trồng phụ đều tăng .
Thí nghiệm trồng xen cây lạc, đậu xanh kết hợp với phân NPK và băng cốt khí hay cỏ vectiver ở trên đất đồi có độ dốc từ 10 – 200 tại Chương Mỹ - Hà Tây (1998) cho thấy: Các công thức đậu phộng, đậu xanh xen với sắn cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với các công thức trồng xen khác. Kết quả thí nghiệm còn chỉ ra rằng: công thức trồng sắn xen với 2-3 hàng lạc và lạc được trồng trước 2 tuần hay cùng lúc với sắn cho hiệu quả kinh tế cao hơn.
Từ năm 1998, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Việt Nam (VASI) và Trung tâm Hợp tác Quốc tế về Nghiên cứu Nông nghiệp với Sự phát triển của Pháp (CIRAD) đã hợp tác thực hiện dự án nghiên cứu các hệ thống Nông nghiệp miền núi (SAM), trong đó nghiên cứu về các kỹ thuật che phủ đất và gieo thẳng, không thông qua làm đất hoặc làm đất tối thiểu là nội dung hoạt động chính của dự án. Kỹ thuật che phủ đất được dự án nghiên cứu áp dụng dựa trên các kết quả nghiên cứu trên thế giới và kinh nghiệm thực tế của nông dân Việt Nam. Dự án đó nghiên cứu và phát hiện một số yếu tố hạn chế trong đất, nguyên nhân cốt lõi của sự thoái hoá đất và tìm ra những hướng khắc phục. Các kết quả của dự án đó
được Chương trình Khoa học Công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp và nông thôn miền núi phía Bắc nghiên cứu áp dụng ở nhiều địa phương với các điều kiện sinh thái nông nghiệp khác nhau như Na Rì - Bắc Kạn; Hoàng Su Phì - Hà Giang; Mộc Châu, Yên Châu, Mai Sơn, Thuận Châu - Sơn La; Văn Yên, Văn Chấn, Yên Bình - Yên Bái.
Từ kết quả nghiên cứu đề tài “Nghiên cứu kỹ thuật canh tác tổng hợp nâng cao hiệu quả sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên và cải thiện môi trường” thuộc Chương trình “Nghiên cứu Khoa học công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp miền núi phía Bắc” thực hiện trong giai đoạn 2002 – 2005 đã đưa ra: + Biện pháp canh tác lạc xen sắn đã được hội đồng KHCN Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là tiến bộ kỹ thuật. Kết quả nghiên cứu đã được nhân rộng tới hàng nghìn ha tại Sơn La, Bắc Kạn và Yên Bái. Năng suất sắn đạt 45,0 tấn -50,0 tấn/ha, lạc đạt 1,3 - 1,5 tấn/ha. Mức lãi cao nhất đạt 16.577.000 - 18.554.000 đ/ha cao hơn so với trồng sắn thuần của của người dân 6-7 lần. Độ phì đất được duy trì và cải thiện, hạn chế đáng kể lượng xói mòn đất.
+ Biện pháp trồng xen cây đậu đỗ với mía năm thứ nhất đến năm thứ 3 đã được nghiên cứu và mở rộng trong sản xuất tại vùng nguyên liệu mía của tỉnh Sơn La, diện tích áp dụng lên tới hàng trăm ha. Năng suất mía đạt 65,0 - 70,0 tấn/ha, cây đậu đỗ đạt 0,8 tấn - 1,2 tấn/ha, tăng hiệu quả kinh tế trên 5.000.000 đ/1ha/1 năm. Thân lá đậu được phủ lại góp phần hạn chế cỏ dại, duy trì độ ẩm đất và hạn chế xói mòn cho quá trình canh tác mía.
+ Biện pháp canh tác lúa nương có che phủ đất đã được nghiên cứu và phổ biến trong sản xuất cho nhiều tỉnh như Bắc Kạn, Yên Bái, Sơn La, Hà Giang, Lai Châu. Biện pháp canh tác này có những ưu điểm rõ rệt: giảm công làm đất, làm cỏ, tăng năng suất lúa, cải tạo đất, nhất là độ tơi xốp, được nông dân chấp nhận cao, đặc biệt là bà con dân tộc thiểu số không có hoặc có ít đất ruộng lúa nước để canh tác. Diện tích nghiên cứu triển khai lên đến hàng trăm ha. Năng suất lúa nương đạt 2,0 - 2,2 tấn/ha, tăng 100 - 120% so với đối chứng.
+ Biện pháp trồng cây ăn quả có che phủ đất bằng cây lạc dại tại Sơn La, Bắc Kạn, Hà Giang, Yên Bái cho thấy năng suất cây ăn quả được tăng lên khá rõ (năng suất mận ở Sơn La sau 2 năm trồng lạc dại che phủ đạt 11,5 tấn/ha tăng 20% so với canh tác theo phương thức của nông dân, năng suất vải ở Bắc Kạn đạt 8,71 tấn/ha cao hơn đối chứng là 7,2% và năng suất mận đạt 38,1 tấn/ha, cao hơn đối chứng là 12,9%), biện pháp canh tác này có khả năng duy trì và giữ độ ẩm cho cây
ăn quả trong các tháng khô hanh là rất tốt, điều này đã góp phần tăng năng suất và chất lượng cũng như hình thức quả, độ phì đất được cải thiện.