Kết cấu phân mảnh

Một phần của tài liệu (Trang 51 - 54)

5. Cấu trúc khóa luận

3.1.1.Kết cấu phân mảnh

“Kết cấu là toàn bộ tổ chức phức tạp và sinh động của tác phẩm, là phương tiện cơ bản và tất yếu của khái quát nghệ thuật. Kết cấu đảm nhiệm các chức năng rất đa dạng : bộc lộ tốt chủ đề và tư tưởng của tác phẩm; triển khai, trình bày hấp dẫn cốt truyện; cấu trúc hợp lý hệ thống tính cách; tổ chức điểm nhìn trần thuật của tác giả; tạo ra tính toàn vẹn của tác phẩm như là một hiện tượng thẩm mĩ” [10,tr.132].

Hồ Anh Thái là nhà văn luôn có sự tìm tòi, thể nghiệm những hình thức nghệ thuật mới trong sáng tác, đặc biệt là thử nghiệm những kiểu kết cấu mới lạ. Xuyên suốt hành trình sáng tác của mình, Hồ Anh Thái lúc nào cũng mải mê với trò chơi kết cấu. Nếu như trước đây các tác phẩm Phía sau vòm trời, Vẫn chưa đến mùa đông…được viết theo kết cấu truyền thống, theo một trật tự thời gian trước sau để người đọc tiện theo dõi thì càng về sau những kiểu kết cấu mới càng được nhà văn vận dụng như kết cấu phân mảnh, kết cấu lồng xoắn… Chúng ta có thể bắt gặp những kiểu kết cấu này trong tiểu thuyết Mười lẻ một đêm, Cõi người rung chuông tận thế, Người và xe chạy dưới ánh trăng.

Còn trong tiểu thuyết SBC là săn bắt chuột là kiểu kết cấu phân mảnh. Đây là kiểu kết cấu phi tuyến tính, phá vỡ lối kết cấu truyền thống trước đây. Kết cấu phân mảnh không chú trọng trình tự sự kiện, không tuân theo diễn tiến thời gian, không tuân theo logic thường thức. Kết cấu phân mảnh được xem là đặc trưng của lối tư duy tiểu thuyết hiện đại. Với kết cấu này, tác phẩm được chia làm nhiều mảnh vỡ nhỏ nhưng vẫn tập trung thể hiện được rõ ý đồ tác giả. Kiểu kết cấu này đã từng được Phạm Thị Hoài sử dụng trong Thiên sứ, Tạ Duy Anh trong Giã biệt bóng tối,

Với tiểu thuyết SBC là săn bắt chuột, tác giả đã chia 13 chương thành mười ba mảnh ghép: Mở đầu bằng trận lụt, Ai quá lứa lỡ thì đừng đọc chương này, Ai sợ chuột đừng đọc chương này, Ai báo chí văn thơ đừng đọc chương này, Ai giàu xổi đừng đọc chương này, Ai rào giậu đừng đọc chương này, Ai ăn đất đừng đọc chương này; Ai ăn đất đừng đọc chương này, Ai ngại chiến trận đừng đọc chương này, Ai làm luật đừng đọc chương này, Ai quá sốt ruột đừng đọc chương này, Ai giáo sư đừng đọc chương này, Ai sợ bãi tha ma đừng đọc chương này, Kết thúc bằng một trận hạn hán. Mỗi chương lại được chia thành nhiều phần nhỏ, mỗi phần như tồn tại một cách độc lập, không có mối liên hệ ràng buộc với nhau. Các nhân vật ở đây cũng vậy, chúng xuất hiện rời rạc, đơn lẻ tạo nên một khối hỗn độn trong cái xã hội thị dân đó.

Xét trên góc độ cốt truyện ta thấy được sự phân mảnh một cách rõ ràng. Đang nói đến câu lạc bộ nữ quyền tác giả lại bàn đến chuyện Chàng và Nàng, sau đó đến chuyện diệt chuột, chuyện về nhà báo, nhà thơ và một số nhân vật khác. Nếu để ý chúng ta sẽ nhận thấy mỗi câu chuyện dù viết về một nhân vật nhưng tác giả đã mở rộng ra nhiều chiều kích về không gian, thời gian chứ không bó hẹp trong một khuôn khổ. Khi miêu tả về Đại Gia, tác giả lồng vào đó câu chuyện về nữ cảnh sát. Hay khi nói về Chàng, câu chuyện về làng ăn thịt chuột cũng được nhắc đến. Khi nói về ông Cốp, tác giả lại khéo léo đưa người đọc quay trở về quá khứ với công việc trồng cây…Tất cả những câu chuyện tưởng chừng như không liên quan nhưng lại rất thống nhất. Cốt truyện tưởng như lỏng lẻo nhưng lại rất chặt chẽ. Không sắp xếp câu chuyện theo một trật tự thời gian tuyến tính, người đọc có thể đọc phần nào tùy ý, thứ tự của nó cũng có thể đảo lộn mà không ảnh hưởng đến nội dung của câu chuyện.

Toàn bộ câu chuyện xoay quanh cuộc chiến nảy lửa giữa người và chuột. Trong cuộc chiến đó, một xã hội loài người đủ các thành phần xuất hiện tạo nên một bức tranh hiện thực đặc sắc. Bảo Ninh trong Nỗi buồn chiến tranh và Hồ Anh Thái với SBC là săn bắt chuột đã sử dụng rất thành công kỹ thuật lắp ghép

điện ảnh này. Nhờ đó mà nhiều sự kiện, nhiều nhân vật tưởng chừng không liên quan đến nhau lại có quan hệ mật thiết. Trong tiểu thuyết này, các nhân vật gần như không có mối quan hệ từ trước. Nàng chỉ biết có Chàng, nhưng với công việc hóa giải lời nguyền, Nàng đã có mối quan hệ với những người khác như ông Cốp, Luật Sư, Thư Ký, cô Báo…Những nhân vật này đáng lý cũng không có mối quan hệ nhưng ở đám tang Đại Gia, mỗi người một mục đích, người lấy tin viết Báo, kẻ đi vì ham thích…gặp nhau ở đây và đều bị số phận đẩy vào bi kịch lời nguyền. Chính vì vậy nên dù không phải là những người có mối quan hệ từ trước nhưng ở đây tác giả đã đặt họ trong mối quan hệ chồng chéo, đan xen nhau.Không gian và thời gian được chuyển đổi, xáo trộn, khi tiến khi lùi phóng túng. Từ trận lụt ngập tràn khắp đường phố Hà Nội, không gian chuyển sang dãy nhà nơi Nàng làm việc rồi lại đến không gian Chàng sinh sống, khách sạn Chàng thuê ở trong lần đi viết báo…Không gian không cố định mà liên tục thay đổi. Thời gian cũng vậy, không theo trật tự trước sau, tuyến tính. Xen lẫn trong tiểu thuyết giữa thời gian quá khứ, hiện tại như: tác giả đã đề cập đến sự việc mất trọng lượng rồi mới nói đến bản thân từng người. Bên cạnh đó, nói về mỗi nhân vật đều có sự xáo trộn thời gian. Ông Cốp hiện tại là một viên chức cấp cao nhưng trong đó có đoạn quay về quá khứ thích trồng cây của ông. Hay Thư Ký đang có công việc ở hiện tại nhưng cũng có đoạn quay về trước đây kkhi bỏ lỡ cơ hội làm con rể sếp… Tất cả đều được kết dính chặt chẽ với nhau. Điều thú vị là sự lắp ghép, luân chuyển được thể hiện một cách rất tự nhiên. Nhờ kết cấu như vậy Hồ Anh Thái đã tạo được mối liên hệ cốt lõi giữa những sự kiện hiện tượng, những mảng đời khác nhau, phản ánh được một cuộc sống phức tạp, phong phú. Đồng thời cũng tạo cho người đọc một ấn tượng chung về đời sống xã hội Việt Nam xô bồ thời hậu chiến. Với kiểu kết cấu này Hồ Anh Thái đã bao quát được một hiện thực xã hội rộng lớn. Đó là bức tranh xã hội thị dân lố lăng, kệch cỡm, xấu xa, đồi trụy. Một xã hội mà con người đánh mất đi tâm hồn, nhân phẩm và sự sa đọa đó sẽ còn tiếp tục nếu chính bản thân họ không nhận thức được. Nó đã

góp phần không nhỏ làm nên thương hiệu Hồ Anh Thái.

Một phần của tài liệu (Trang 51 - 54)