Giọng giễu nhại, châm biếm

Một phần của tài liệu (Trang 70 - 74)

5. Cấu trúc khóa luận

3.4.1.Giọng giễu nhại, châm biếm

Giọng điệu là “thái độ, lập trường tư tưởng, đạo đức của nhà văn đối với hiện tượng văn học được miêu tả trong lời văn” [10, tr.112]. Giọng điệu có vai trò quan trọng trong việc thể hiện cá tính sáng tạo của tác giả. Trong SBC là săn

bắt chuột, giọng điệu đã thể hiện một tư duy tiểu thuyết hiện đại cũng như bộc lộ thái độ của nhà văn trước hiện thực.

Trước hết là giọng giễu nhại, châm biếm. Có thể xem đây là giọng điệu chủ đạo trong tiểu thuyết SBC là săn bắt chuột. Theo Nguyễn Đăng Điệp : “Trong truyện Hồ Anh Thái, nhất là giai đoạn sau, ta bắt gặp khá nhiều chất giọng giễu nhại. Sự xuất hiện của loại giọng điệu này hiếm khi xuất hiện trong tư duy nghệ thuật sử thi. Cái nụ cười chua chát về cõi nhân sinh, khả năng lật tẩy những sự trớ trêu, nghịch cảnh trong đời chỉ có thể đo được khi nhà văn không nhìn đời bằng cảm hứng lãng mạn thuần túy màu hồng mà nhìn nó như những mảnh vỡ”[7]. Ở nhà văn Hồ Anh Thái giọng điệu giễu nhại đã được ông sử dụng nhuần nhuyễn, tạo ra tiếng cười sâu cay.

Nhại là “một thể văn châm biếm dùng sự bắt chước để giễu một tác phẩm hoặc cả một trào lưu nghệ thuật. Phương tiện chủ yếu của nhại là bắt chước phong cách…” [ 10,tr.193]. Không phải đến tiểu thuyết SBC là săn bắt chuột Hồ Anh Thái mới tìm đến giọng điệu này. Trong Mười lẻ một đêm, bằng giọng giễu nhại nhà văn đã giễu cợt đủ hạng người, đặc biệt là giới trí thức, khi ông miêu tả về một vị giáo sư tiến sĩ viện trưởng nhưng thực chất vốn liếng kiến thức lại không có bao nhiêu, một cái nhìn lệch lạc về nghề nghiệp nhưng xã hội vẫn luôn ưu ái và chấp nhận những chuyện ngược đời như vậy: “Chàng vốn là kỹ sư hóa chất…Chàng được chấm làm cán bộ nguồn cho ngành khoa học xã hội? Không trái ngành trái nghề tí nào. Đất nước của thơ ca, mỗi người dân là một thi sĩ, bà nhà quê không biết chữ còn làm được thơ. Chất văn chương thơ phú sẵn trong máu. Điều kiện thuận lợi như thế, hễ ai yếu chuyên môn một tí đều có thể chuyển qua trông coi văn chương khoa học xã hội nhân văn. Chàng được thu xếp để cấp tốc làm luận văn tiến sĩ triết học…Khi đi là ông kỹ sư hóa chất Việt Nam, khi về là ông tiến sĩ triết học Đức – Việt. Sau này bìa sách của ông bao giờ cũng nhớ ghi rõ một dòng: “lương quốc tiến sĩ” [34, tr.87]. Trong Cõi người rung chuông tận thế, giọng điệu hài hước, giễu nhại đó nhiều lúc còn khiến chúng ta

giật mình, khi những phụ nữ lắm tiền nhiều của trở nên “rảnh rỗi sinh nông nỗi” đã làm ra những hành vi ghê tởm: “Vợ gã ở nhà đã rước giai về nhà. Con gái gã ở nhà cũng rước giai về nhà. Bên này là giường mẹ, bên kia là giường con, chúng cùng lúc lập thành tích chào mừng ngày ông chủ gia đình mang thêm hàng mới về” [31, tr.71].

Đến SBC là săn bắt chuột, giọng giễu nhại thật sự trở thành giọng chủ đạo. Tác giả dùng giọng giễu nhại để miêu tả đám tang của Đại Gia. Đó là một cái chết làm cho nhiều người sung sướng, họ có cơ hội được phơi bày cái tình thương giả tạo của mình: “Người đi viếng thì vô tư hồn nhiên, gọi tắt là vô hồn. Xếp hàng, làm bộ mặt u trầm xót xa. Đi vòng quanh. Đến đúng cái chỗ ô kính thì hơi cúi mình, nhòm một cái. Thương quá, người ơi. Nhòm một cái, mày chết đánh nhoáy như cúp điện, ai kịp chia chác cho chúng tao bây giờ? Nhòm một cái. Ăn cho lắm vào, giờ thì chán cơm thèm đất nằm yên dưới ấy cho cá trê nó sục nhé. Nhòm một cái. Ngủ yên đi, yên luôn cho cả những kế hoạch chỉ chúng mình biết với nhau” [36,tr.66]. Giễu nhại, châm biếm ban đầu sẽ gây cho người đọc tiếng cười nhưng ẩn sâu trong đó là những tầng ý nghĩa. Tác giả đã miêu tả lại cái xã hội “chó đểu” bằng một giọng điệu và sự quan sát vô cùng sắc sảo. Từ cười, châm biếm, chế giễu một số cá nhân đến cười, chế giễu mọi tầng lớp trong xã hội. Ở đây là một hiện thực phũ phàng khi con người dường như sống với nhau không bằng tình cảm, cả đám tang diễn ra nhưng không có nỗi một lời xót thương, không có cảnh miêu tả sự đau đớn trước sự ra đi của người chết mà chỉ có tiếng cười sâu cay.

Không chỉ dừng lại ở đó, giọng hài hước, giễu nhại còn dùng để thể hiện những hiện thực phũ phàng đang diễn ra trong cuộc sống hiện đại, những cảnh ghen tuông vợ chồng cùng lối sống buông thả của các bạn trẻ: “Một chàng bị vợ ghen, lừa cho ngủ trưa, cắt chim, ném cho chó gặm. Phải chạy ra giành giật với chó, rồi mang chim đến bệnh viện. Kịch bản quên ướp lạnh lại. Béo lũ chuột. Đám chị em đi cô vắc đi nạo thai. Béo lũ chuột”[36,tr.91]. Giọng giễu nhại,

châm biếm cũng được sử dụng khi miêu tả một hiện thực về nghề mại dâm đang tràn lan, trở nên quá đỗi bình thường trong xã hội: “Trên nước bạn mà toàn là gái ta, một cuộc hội ngộ ba miền Bắc, Trung, Nam. Ra nước ngoài mà gặp gái ta, bao nhiêu là cảm xúc đồng hương đồng bào nổi lên tạo cảm hứng. Anh giai thích gì? Em này Huế, em kia Thanh, em ngồi bán màng trinh nhân tạo kia thành Nam, em kia nữa Hải Phòng, em kia nữa Vũng Tàu. Thích miền nào có miền ấy”[36,tr.84]. Câu chữ của Hồ Anh Thái vui nhộn quá, hài hước quá nhưng gấp trang sách lại, người đọc chỉ biết cúi đầu nín lặng. Giọng giễu nhại, châm biếm trở thành yếu tố thẩm mỹ nổi bật trong tiểu thuyết Hồ Anh Thái. Đó là phương tiện để ông mổ xẻ những ung nhọt, thối nát của xã hội. Nó không chỉ có tác dụng gây cười mà còn khiến độc giả kinh sợ trước cách sống, cách nghĩ của những con người vô trách nhiệm, vô đạo đức.

Giễu cợt là cách để châm biếm, cười cợt trước cái lố bịch, xấu xa của xã hội. Khi châm biếm một ông Luật Sư bảo vệ thân chủ, chứ không bảo vệ nguyên tắc, nhà văn dẫn ra một câu chuyện tiếu lâm trong nghề luật: “một người bệnh cần thay tim, bác sĩ cho hai khả năng lựa chọn: một quả tim chàng thủy thủ hai mươi tuổi, một của luật sư đã hành nghề ba chục năm. Ngay lập tức bệnh nhân nói luôn “Tôi chọn quả tim luật sư. Vì sao? Vì chắc chắn đó là quả tim chưa sử dụng còn nguyên như mới” [36, tr.224 ]. Có thể xem đây là nụ cười kiểu Êdốp, một cách giễu cợt thông minh. Ngắn gọn nhưng đủ để ta hiểu nhà văn đang muốn nói đến “cái đạo đức nghề nghiệp” của Luật Sư. Chỉ biết đến tiền không cần biết đến tình cảm công lý thì việc quả tim đó còn mới, còn nguyên cũng không có gì quá xa lạ.

Đại gia – chân dài đã trở thành một môtip quen thuộc trong xã hội. Tình, tiền và danh vọng là cầu nối đưa hai đối tượng này đến với nhau. Trong SBC là săn bắt chuột, Hồ Anh Thái cũng vẽ nên bức tranh về hoa hậu – đại gia bằng lối hài hước, giễu nhại. Như một định mệnh cho ta gặp nhau, cặp đôi Đại Gia – hoa hậu Kim Tiêm đã phối hợp, giúp đỡ nhau thật nhiều. Nhờ Đại Gia, cô gái đi nhặt

kim tiêm ngày nào giờ đã thành hoa hậu, cùng Đại Gia phát động phong trào nhặt kim tiêm nổi danh toàn quốc. Tác giả chế giễu cảnh tổng kết ăn mừng phong trào thiện nguyện thành công của cặp đôi này, với ngôn ngữ đầy tính trào lộng: “Phong trào của Đại gia được lấy làm điển hình để học tập và nhân rộng toàn quốc. Nhờ em cả đấy. Ông đặt tay lên bộ ngực trần của á hậu kim tiêm. Mọi sự nhờ anh. Á hậu dịch tay xuống dưới cái mông trần của ông. Họ tổng kết hiệu quả chiến dịch trên những khu nhà bỏ ngỏ, trong căn hộ chung cư cao cấp gần Bờ Hồ mà ông tặng cô” [36, tr.130].

Xu hướng chung của tiểu thuyết Việt Nam sau năm 1986 là từ bỏ giọng điệu sử thi, thay vào đó là những trang viết đậm chất hiện thực được làm nổi bật qua giọng điệu hài hước, giễu nhại. Sự mở rộng các phạm trù thẩm mỹ khiến tiểu thuyết gần với đời thường hơn. Cái bi không còn phải dè dặt né tránh. Cái hài hước gia tăng. Khi những chuẩn mực bị lệch pha, giọng giễu nhại, châm biếm xuất hiện. Cái nhìn phi thành kính, suồng sã, giễu nhại của chất tiểu thuyết đã quy định một giọng điệu riêng cho tiểu thuyết đương đại.

Tiểu thuyết SBC là săn bắt chuột của Hồ Anh Thái với giọng chủ đạo là giọng giễu nhại châm biếm đã mang lại hiệu quả thẩm mỹ cho tác phẩm. Chất giễu nhại kiểu grotesque, chất trào tiếu dân gian làm nổi rõ sự va đập giữa hai mảng sáng tối, một thế giới văn hóa và một thế giới nhào lộn mọi giá trị, lố bịch và kệch cỡm. Chính sự dung hòa giữa chất trào tiếu dân gian và chất suy tưởng bác học ấy đã khu biệt giọng điệu Hồ Anh Thái trong bản hợp xướng nhiều bè của tiểu thuyết đương đại Việt Nam.

Một phần của tài liệu (Trang 70 - 74)