5. Cấu trúc khóa luận
3.1.2. Cách mở đầu và kết thúc độc đáo
Một câu chuyện hấp dẫn người đọc sẽ tạo được dấu ấn ngay từ những dòng đầu tiên và để lại trong tiềm thức những suy ngẫm khi đóng lại những trang sách cuối cùng. Hồ Anh Thái đã làm được điều đó. Trong SBC là săn bắt chuột,
ông tạo được sự đối xứng và cuốn hút độc đáo ở chương mở đầu và kết thúc. Kết cấu này đã tạo nên một vòng tròn khép kín. Câu chuyện tiểu thuyết được tác giả gói ghém vừa vặn vào hai nếp gấp tự nhiên muôn đời của con sông Hồng: Lũ lụt và hạn hán. Tiểu thuyết mở đầu bằng trận lụt kinh hoàng, kết thúc bằng trận hạn hán trên bãi cát sông Hồng, tự thân nó đong đầy những lát cắt thế sự - xã hội bên trong.
Chương mở đầu không đầy bốn trang nhưng lập tức khiến người đọc thích thú. Câu chữ tung tẩy. Tiếng lóng đường phố, giễu nhại dân gian và cười cợt chữ nghĩa cùng lúc có mặt như tình cờ, nhưng san sát bên nhau như thể cùng hội cùng thuyền. Lối viết này là tiền đề đầu tiên để từ đó ở các chương tiếp theo mở rộng một cách khoái hoạt tạo nên cái hài, cái duyên của cuốn tiểu thuyết.
Trong cuốn tiểu thuyết chương nào tác giả cũng khuyến cáo đừng đọc, nhưng ngay cái nhan đề SBC là săn bắt chuột cũng khiến người ta “phải đọc”. Mở đầu bằng một trận lụt càng khiến người ta “phải đọc”, bởi đó không phải là một trận lụt hư cấu mà là trận lụt có thật ở thủ đô Hà Nội (cuối năm 2008). Một trận lụt biến các con đường trong thành phố Hà Nội thành những dòng sông:
Hà Nội mùa này phố cũng như sông
Cái rét đầu đông chân em thâm vì ngâm nước lạnh Hoa sữa thôi rơi em tôi bơi cả chiều trên phố Đường Cổ Ngư xưa ngập tràn nước sông Hồng
Hà Nội mùa này chiều không có nắng Phố vắng nước lên thành con sông Quán cóc nước dâng ngập qua mông
Hồ Tây giờ không thấy bờ [36,tr.5-6]
Mở đầu bằng một trận lụt – cách tác giả miêu tả, kể chuyện mưa lụt trong chương mở đầu tác phẩm không khỏi khiến người đọc phải liên tưởng đến trận Đại hồng thủy trong huyền thoại sáng thế của rất nhiều dân tộc trên thế giới. Trận lụt đó mang Chàng và Nàng đến với nhau, trận lụt đó là cơ duyên để Nàng chứng tỏ tình yêu và giữ Chàng lại bên mình, cũng từ căn nguyên đó để tác giả viết tiếp câu chuyện ly kì và hấp dẫn trong các chương tiếp theo.
Cách mở đầu hết sức bình thường nhưng lại gây sự tò mò cho độc giả bởi sự độc đáo và hài hước, nó gợi cho người đọc một cảm giác vui, hứng khởi muốn được thỏa mãn mãi cảm giác đó. Để rồi sau những gay cấn, ngột ngạt ở trong tác phẩm người đọc lại một lần nữa được bất ngờ vì không phải là một khung cảnh diễm lệ, đẹp lung linh nơi chứng kiến tình yêu của Chàng và Nàng mà là một trận hạn hán, cũng rất thật như một lẽ tất yếu của cuộc sống.
Như một sự đối xứng có quy luật, có mưa có nắng, lũ lụt rồi hạn hán, cuộc sống con người luôn là bức tranh muôn màu, đa thanh điệu, bài hát của nhạc sĩ Trương Qúy Hải lại được nhại lại thêm một lần nữa:
Hà Nội mùa này bãi cát mênh mông
Phố lớn người đông em khô mông vì không nước lạnh Mưa móc thôi rơi em tôi bơi ngập chìm ly nước
Đường Cổ Ngư xưa đều cạn đáy hai hồ Hà Nội mùa này người kinh doanh cát
Bới cát lên ta đào giun chơi Bới cát lên ta trồng thanh long Tìm đâu tìm đâu bến bờ? [36,tr.342]
Cách mở đầu và kết thúc như vậy đã biến tác phẩm thành một vòng tròn khép kín. Một bài hát được nhại đi nhại lại hai lần. Hình ảnh sông Hồng mở đầu và khép lại cho một câu chuyện vừa thực vừa nhiều phần hư ảo. Nó có tác dụng
kết nối những mảnh truyện có phần rời rạc ở các chương, biến những mẩu sự kiện ngồn ngộn rối mắt trong tiểu thuyết thành một bộ phận trong một câu chuyện chung, gói gọn trong lòng Hà Nội, trong bờ đê sông Hồng muôn thưở quay vòng với những trận lụt và những trận hạn hán. Thực mà ảo, ảo mà thực là phong cách đặc trưng của Hồ Anh Thái. Cả truyện nhà văn dẫn dắt người đọc bay bổng trên đôi cánh hiện thực huyền ảo, nhưng khép lại tác phẩm, người ta vẫn thấy hiện lên rõ nhất là cái hiện thực đô thị hiện đại “là là sát đất”.