Nhân vâ ̣t người – những hư cấu nhiều ám chỉ

Một phần của tài liệu (Trang 56 - 61)

5. Cấu trúc khóa luận

3.2.1. Nhân vâ ̣t người – những hư cấu nhiều ám chỉ

Nhân vật văn học là “những con người cụ thể được miêu tả trong tác phẩm văn học” [ 10,tr.202]. Nhân vật đóng vai trò rất quan trọng đối với sự thành công của một tiểu thuyết. Chính vì vậy nên “người viết ra tiểu thuyết nghĩ mọi vấn đề đều phải thông qua các nhân vật, xuất phát từ nhân vật hơn là sự việc. Một quyển tiểu thuyết có đứng được hay không là ở chỗ có tạo ra được những nhân vật làm cho bạn đọc nhớ được hay không” [38,tr.289].

Hồ Anh Thái, bằng ngòi bút tài hoa của mình, đã khắc họa thành công thế giới nhân vật sinh động trong tiểu thuyết SBC là săn bắt chuột. Nhà văn đã vận dụng các thủ pháp của văn học hậu hiện đại để xây dựng SBC là săn bắt chuột

với một thế giới người không ra người. Đó là nơi mọi giá trị của con người trở nên hỗn loạn, tan vỡ.

Trước hết, tác giả đã sử dụng thủ pháp mờ hóa nhân vật, ký hiệu hóa nhân vật. Trong văn học hậu hiện đại, các nhà văn thường làm mờ hóa nhân vật mình xây dựng, thậm chí tẩy trắng nhân vật, xóa sổ nhân vật ra khỏi tiểu thuyết. Như trong tiểu thuyết Song Song của Vũ Đình Giang. Nhân vật trong tiểu thuyết này chỉ là những cái tên bị tẩy trắng hoàn toàn: G.g và H – hai nửa của một con người; nhân vật Kan, nhân vật p; nhân vật đám đông; những họa sĩ, nhà thiết kế, những tâm hồn bệnh hoạn, luôn bị ám ảnh bởi cái chết, bóng tối, sự cuồng sát. Nhân vật không rõ nhân dạng, ít nhiều hoang tưởng.

Quay trở lại với tiểu thuyết SBC là săn bắt chuột, hệ thống nhân vật ở đây cũng được tác giả xây dựng nửa thực nửa hư cấu. Đường viền để xác định nhân vật mờ đi, méo mó đi, chỉ còn là những bức chân dung biếm họa với những cái tên chung chung mang tính đại diện như Luật Sư, cô Báo, Nhà Thơ Lửa, Đại Gia, Giáo Sư, Chàng, Nàng… Chúng tiêu biểu cho các loại người trong xã hội thị dân hiện đại. Nhân vật nào ra nhân vật ấy, đều có cái thực và cái ảo, cái hình và cái bóng, cái chân thật và cái ẩn dụ, cái xác thực và cái mờ nhòe, cái hiểu được và cái không nắm bắt được. Ở SBC là săn bắt chuột, Hồ Anh Thái đã chứng minh được “nhân vật chỉ tưng bừng sinh sắc một khi nó từ ngoài đời bước vào trang sách, sau khi đã được nhào nặn, hư cấu đến độ khó chia tách đâu là đời thực, đâu là sự bồi đắp gia giảm của nhà văn. Khi ấy mọi cố gắng đối chiếu nó với nguyên mẫu đều trở nên máy móc và thiếu chuyên nghiệp” [15].

Trong cách đặt tên nhân vật, trước đây Hồ Anh Thái thường dựa vào đặc điểm nhân vật : Cốc, Bóp, Phũ trong Cõi người rung chuông tận thế ( Cốc - Vốn nó tên là Công, lũ bạn gọi nó là Cốc, đọc chệch đi là Cock – con gà trống để diễn tả tính lăng nhăng, ham mê dục vọng của hắn), hay những cái tên Dăm Bông, Xúc Xích, Sâm Banh trong Vẫn tin vào chuyện thần tiên thì xuất phát từ những ước muốn tầm thường là có miếng ăn. Trong thời kỳ đầu Hồ Anh Thái thường đặt cho nhân vật của mình những cái tên rất bình thường, giản dị như Toàn, Mỵ (Người và xe chạy dưới ánh trăng), Tân (Trong sương hồng hiện ra) nhưng càng về sau thì ông đã thay đổi cách đặt tên để làm nổi bật đặc điểm, tính cách của nhân vật. Đến tiểu thuyết SBC là săn bắt chuột thì tên nhân vật trở thành những danh từ chung mang tính đại diện cho một tầng lớp, một nghề nghiệp xã hội. Có thể xem đó là một cách nhà văn ký hiệu hóa nhân vật của mình. Những Luật Sư, Đại Gia, Nhà Thơ, Chàng, Nàng…; nhân vật mất đi tính cụ thể và xác định, nhưng đồng thời trở thành những ám chỉ riêng. Nó không chỉ đích danh ai nhưng lại vô tình chạm tới rất nhiều người. Dường như nhà văn muốn đề cập đến cá tính chung của những kiểu người, những loại người chứ

không riêng một ai bởi trên thực tế, tuyệt đại đa số nhân vật người ở đây đều bước thẳng từ cuộc sống thực vào truyện.

Nhà phê bình Cao Việt Dũng có nhận xét rằng “người ta đọc để đoán xem nhân vật (các nhân vật chính: Chàng, Nàng, cô Báo, chú Thơ, Đại Gia, ông Cốp, Luật Sư, Thư Ký, Giáo Sư; ngoài ra còn có một tuyến nhân vật chuột, chủ yếu gồm Chuột Trùm và hai bà vợ, cùng Chuột Quang) là những ai ở ngoài đời thật.” Làm mờ nhân vật trong tiểu thuyết bằng những cái tên kiểu kí hiệu, nhưng Hồ Anh Thái lại làm rõ nguyên mẫu nhân vật là ai ở ngoài đời thực, thông qua việc những chi tiết nổi tiếng trong tiểu sử của những nguyên mẫu này gần như được bê nguyên xi vào tác phẩm. Chẳng cần quá rành về một số giới cũng dễ dàng nhận ra một ai đó trong câu chuyện mà Hồ Anh Thái kể, thậm chí có những lúc nhà văn còn dùng câu chuyện nhằm “tính sổ” cho vài vụ việc mà ông từng gặp trong đời. Tính chất “quá đà” trong lối ám chỉ “lộ liễu” này khiến những nhân vật trong tiểu thuyết như là một chuỗi người thật được ghép vào một câu chuyện hư cấu.

Sử dụng thủ pháp mờ hóa nhân vật, trong tiểu thuyết Hồ Anh Thái đã không tập trung đi sâu miêu tả ngoại hình nhân vật mà chủ yếu phác thảo bằng những nét tính cách. Chỉ bằng những nét chấm phá, người ta vẫn có thể hình dung được một số đặc điểm của đối tượng được nói đến. Nàng và Chàng là những nhân vật chính trong tác phẩm nhưng chỉ được giới thiệu lướt qua: “Chàng bốn mươi tuổi, độc thân” [36,tr.27], Nàng “băm lăm, băm sáu” [36,tr.31] vẫn còn độc thân. Chàng là nhà báo, Nàng là một doanh nhân. Hay với nhân vật Đại Gia, ngoại hình “Đẹp trai đô con hơn cả đám học sinh nam toàn khối”, “miếng bánh ngon trong mắt đám nữ sinh” [36,tr.113], dự báo trước một cuộc đời trăng hoa của gã trai này.

Cùng với việc làm mờ hóa nhân vật, Hồ Anh Thái cũng đã phá vỡ khung hình tính cách nhân vật, thay vào đó ông đặt nó vào các tình huống để nhân vật tự bộc lộ tính cách. Tường trong tiểu thuyết Người đàn bà trên đảo hay Đông

trong Cõi người rung chuông tận thế đều được đặt vào tình huống quay về con đường hướng thiện. Hồ Anh Thái thường đặt nhân vật mình vào tình huống nhạy cảm để nhân vật tự ý thức, tự đấu tranh tìm ra được sự lựa chọn cho hướng đi của mình. Chàng – Nàng đã gặp nhau trong tình huống cả hai đều đi tham gia câu lạc bộ Nữ Quyền, đều vì trời ngập mưa nên không về được và Chàng đã thể hiện bản lĩnh đàn ông của mình để đưa Nàng về nhà. Đó cũng chính là khoảnh khắc gắn kết hai con người này lại với nhau. Tình huống tiếp theo đặt ra là cuộc chiến giữa loài người và loài chuột đã làm Chàng mất trọng lượng. Nàng đã chứng tỏ bản lĩnh và tình yêu của mình bằng việc giải cứu Chàng và những người còn lại. Qua những tình huống mà nhà văn dựng lên, đi theo diễn biến tâm lý nhân vật qua tình huống đó chúng ta nhận thấy được về đặc điểm, cá tính của từng nhân vật. Từ lần gặp gỡ quen nhau, Chàng nhận ra Nàng là con người tinh tế, bản lĩnh không như những người con gái Chàng gặp trước đây. Còn Nàng lại nhìn thấy ở Chàng sự lịch lãm, cuốn hút. Cũng từ sau tình huống đấu tranh giữa người và chuột mà những con người lố lăng, kệch cỡm phi đạo đức đó đã bắt đầu có sự hối cải về lỗi lầm của mình “ Tự hứa khỏi bệnh rồi thì không còn ham hố gì nữa. Không còn bươn chải tranh giành đấu đá. Không tham sân si(…). Sẽ không mở con đường ấy chia bôi những lô đất ấy. Sẽ không lấy lí do sử dụng sai mục đích để thu hồi lô đất ấy rồi chuyển cho một đại gia khác tìm cách phân chia lại. Từ nay chỉ xin trở lại đầu tư vào phong trào văn nghệ quần chúng, nghệ thuật chưa thấy đâu, chỉ cần đời sống dân dã tưng bừng hân hoan” [ 36,tr.330]. Xây dựng tình huống là để thử thách tính cách nhân vật, qua những tình huống xây dựng lên Hồ Anh Thái đã để cho nhân vật của mình tự bộc lộ, biến đổi đi đến nhận thức.

Nhân vật trong tiểu thuyết này còn bộc lộ tính cách qua hành động và lời nói. Trong cơn mưa nước dâng đầy đường, Chàng đã dắt Nàng cưỡi trên lưng con thiên nga đi qua phố, qua phường mặc cho mình ướt đẫm. Hành động đã nói lên tất cả về con người của Chàng, dù chỉ mới quen nhau, nhưng trong cuộc sống

Chàng luôn là người có trách nhiệm. Hay Nhà Thơ Lửa đốt thơ của nhà thơ trẻ và khen thơ mình, lại thêm cái tật trộm vặt, những hành động của nhà thơ này đã mang đến cho ta một hình dung về con người xấu xa, ích kỷ. Cũng bằng hành động lừa gạt mẹ để bán nhà, Luật sư đã tự vạch ra chân tướng về bản chất con người không tình nghĩa, bất hiếu. Bên cạnh đó thì lời nói cũng đóng góp một phần không nhỏ vào sự hình thành chân dung các nhân vật. Cô Báo sồn sồn hé lộ cho Chàng “Tay Đại gia này. Tay ấy thích gái già giai trẻ” – một câu nói đầy ẩn ý của cô gái lố lăng luôn kết thúc những bài báo trên giường. Rồi đến cha cô, Giáo sư, một học vị rất cao trong xã hội lại là con người dâm ô, đồi trụy, thể hiện rất rõ qua dòng suy nghĩ, độc thoại nội tâm của ông, Giáo Sư nghĩ “Mấy chục năm qua mình hướng dẫn luận văn cho hàng trăm sinh viên, tiến sĩ có, thạc sĩ có, cử nhân có, trong ấy sáu mươi phần trăm là nữ. Ông đã ngủ được với bảy mươi phần trăm trong số sáu mươi phần trăm ấy. Tức là mười cô thì ngủ được với bảy” [ 36,tr.282]. Bức tranh thế giới loài người đầy rẫy những kẻ suy đồi về đạo đức, nhân phẩm. Hồ Anh Thái đã phác họa ra một số nét sơ lược, nhưng đã giúp người đọc hình dung được về nguyên mẫu của những con người trên.

Không chỉ làm mờ hóa, tẩy trắng nhân vật, đặt nhân vật vào trong tình huống tự bộc lộ mình, ở tiểu thuyết SBC là săn bắt chuột, Hồ Anh Thái còn sử dụng thủ pháp phi trung tâm hóa nhân vật. Hay nói cách khác trong toàn bộ tác phẩm người đọc khó có thể xác định được đâu là nhân vật trung tâm. Ở đó, nhiều nhân vật có thể được xem là nhân vật trung tâm, nhưng chúng không điển hình về tính cách. Sự xuất hiện của nhân vật trung tâm được biểu diễn theo nguyên tắc lộ rõ dần. Toàn bộ câu chuyện các nhân vật thay nhau xuất hiện, mỗi nhân vật là một chương, một mảnh truyện khác nhau. Nhân vật tạm coi là chính Nàng và Chàng cũng xuất hiện không nhiều hơn các nhân vật khác. Chúng ta thấy, những câu chuyện ở đây không được kể theo trật tự thứ lớp thông thường. Nghĩa là, sự quan tâm của tác giả không đặt vào việc kể lại một biến cố (hay một sự kiện hoặc một hành động) trung tâm, để từ đó, các nhân vật hiện ra, quan hệ tác

động lẫn nhau theo một quá trình nhất định nào đó nằm trong chủ đích của tác giả. Mỗi chương nhấn mạnh về một nhân vật: Chương bốn nói về nhà báo, nhà thơ, chương năm nói về Đại Gia, chương chín là Luật Sư, Giáo Sư được đề cập đến ở chương mười một…Xét trong mối quan hệ văn bản, những nhân vật này được lắp ghép lộn xộn nhưng có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Nhân vật được tác giả chia đều sự quan tâm. Tuyệt nhiên ở đây không còn xuất hiện kiểu nhân vật chính – phụ một cách rõ ràng như trong văn học truyền thống nữa, tất cả đều trở nên bình đẳng. Nhân vật giờ đây chủ yếu thuộc về đám đông, có khả năng thể hiện bao quát về một hiện thực xã hội mà tác giả muốn thể hiện.

Văn học Việt Nam hậu hiện đại đi sâu vào khai thác thế giới nhân vật đầy mảnh vỡ. Con người lúc này được đặt trong mối quan hệ chồng chéo, đan xen nhau và được nhìn ở nhiều góc độ, nhiều chiều kích. Sử dụng một cách nhuần nhuyễn các thủ pháp mới, nhân vật trong tiểu thuyết của Hồ Anh Thái tạo thành một bức tranh về thế giới người hỗn loạn, tan rã. SBC là săn bắt chuột có thể nói là một thành công đáng ghi nhận của Hồ Anh Thái trong việc xây dựng một thế giới nhân vật với đủ các màu sắc và cung bậc cảm xúc.

Một phần của tài liệu (Trang 56 - 61)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(83 trang)