5. Cấu trúc khóa luận
3.4.2. Giọng trữ tình, sâu lắng
Nhìn đời bằng con mắt sắc lẹm và tinh tế, Hồ Anh Thái không chỉ lên án, chỉ ra cái xấu, cái kệch cỡm mà ẩn khuất trong những trang văn còn là biết bao nỗi niềm, những ước muốn khát khao yêu thương. Chính vì vậy, ngoài giọng giễu nhại chủ đạo thì giọng trữ tình, sâu lắng giàu cảm xúc cũng chiếm một phần không nhỏ trong tiểu thuyết SBC là săn bắt chuột.
Nhưng điều đặc biệt trong tác phẩm, là nhà văn phần lớn sử dụng giọng trữ tình sâu lắng trong những trang viết cảm động về thế giới loài chuột. Những hình ảnh giàu cảm xúc về thế giới người dường như không còn nữa, thay vào đó là một thế giới loài chuột với những đặc điểm tính cách giống như con người, với tình cảm chúng giành cho nhau rất chân thành.
Chẳng hạn khi nhân vật Nàng bắt được vợ của Chuột Trùm, Nàng biết Nàng đã chiến thắng vì nó sẽ không bao giờ bỏ mặc vợ mình. Tác giả miêu tả cuộc trao đổi con tin với một chất giọng có hài hước nhưng nhẹ nhàng, đôi lúc dạt dào cảm xúc chân thành. Không chút cợt nhả trong cách nhà văn kể lại cảnh Chuột Trùm đòi thương lượng: “Ta đề nghị được nạp mạng thay cho hiền thê yêu dấu của ta” [36,tr.324]. Bằng giọng trữ tình, nhẹ nhàng nhưng giàu cảm xúc, tác giả đưa chúng ta đến với khung cảnh cảm động khi vợ chồng Chuột Trùm chia tay: “Chuột Trùm đến bên cái lồng sắt. Các chiến sĩ SBC mở lồng cho nó vào bên trong. Hai con chuột đồ sộ cầm tay cầm chân nhau. Nàng nước mắt chứa chan, Chàng run run kiềm chế. Trên chiến trường vết thương chưa bao giờ làm nàng rơi lệ. Trên chiến trường, sự hy sinh chưa bao giờ làm chàng run rẩy. Chàng chấp nhận ở lại trong lồng sắt này. Nàng sẽ được phóng thích, ra khỏi lồng. Nàng về nuôi cái cùng con. Chuột Trùm dặn. Rồi quay lưng đi. Để không phải nhìn phó tướng ra khỏi lồng rồi vẫn sụp xuống hồi lâu” [36,tr.324].
Hay trong cảnh đám tang Chuột Trùm, tiễn biệt vị tướng là cuộc tuẫn tiết của toàn thể cư dân vương quốc chuột. Đoạn văn đẹp nhất, nghiêm túc duy nhất trong cuốn tiểu thuyết cười cợt từ đầu đến cuối lại không viết về người. Nếu cảnh chia tay của hai vợ chồng chuột vẫn còn phảng phất chất giọng hài hước – dù không giễu cợt, thì cảnh tuẫn tiết được kể với giọng nghiêm túc mà đong đầy cảm xúc trữ tình sâu lắng. Trước hết là cái chết của vợ hai Chuột Trùm: “Phó tướng quay lại nhìn tàn bộ đoàn chuột. Mấy trăm cặp mắt cung kính nhìn lại. Phó tướng đưa mắt nhìn vĩnh biệt. Nó hét lên một tiếng xé họng rồi bay mình khỏi mỏm dốc, lao mình xuống dòng sông” [ 36,tr.338], rồi tiếp sau đó: “Mấy
trăm con chuột cùng hét lên một tiếng. Ông trùm bà trùm ấy thì phải có chúng dân này. Bại trận mất tướng thì lính tráng cũng không thể sống tiếp đời thừa. Một tiếng thét vang sông dồn góp từ hàng trăm cổ họng. Một cú lao mình đồng loạt từ trên đỉnh dốc xuống” [36,tr.339]. Nếu như khi miêu tả về con người, giọng văn Hồ Anh Thái cực kỳ sắc lạnh, giễu cợt thì khi viết về loài chuột, giọng văn ấy pha nhiều âm hưởng trữ tình, nhất là càng về những đoạn cuối. Không còn cái nanh nọc, cười cợt hay châm biếm, chỉ còn trên trang viết một sự cảm thương, chia sẻ, thán phục và trân trọng. Giọng điệu trữ tình, sâu lắng giàu cảm xúc mà tác giả ưu ái giành cho loài chuột như là cách nhà văn thể hiện thái độ đau đớn, muốn đập thẳng vào thế giới loài người giả trá, lừa lọc, nhẫn tâm. Thế giới con người là gì khi phần con đã vượt lên trên phần người? Thế giới loài chuột có phải là thế giới súc sinh không khi mà nhân tính trong đó còn nhiều hơn so với thế giới người? Giọng điệu trữ tình, giàu cảm xúc càng làm nổi bật sự đối lập giữa hai thế giới. Khoảng lặng trữ tình ấy là một tiếng nói cảm thương nhưng đồng thời cũng là một lời báo động. Những điều đẹp đẽ liệu có thể tồn tại bên trong một thế giới đầy xáo trộn của cuộc sống hôm nay? Sự đau xót, chua chát như hiển hiện rõ ràng hơn trong những trang văn đậm chất trữ tình.