Nhại phong cách chức năng ngôn ngữ

Một phần của tài liệu (Trang 67 - 70)

5. Cấu trúc khóa luận

3.3.2.Nhại phong cách chức năng ngôn ngữ

Trong vòng quay của nền văn học nước nhà và thế giới, để tìm ra được một lối đi mới cho sáng tác tiểu thuyết là một điều rất khó khăn, thử thách bản lĩnh và khả năng của người cầm bút. Nghệ sĩ phải không ngừng nỗ lực cách tân để mang đến cái hay cái lạ. Và Hồ Anh Thái cũng không ngoại lệ. Càng về sau tác phẩm của ông càng có những đổi mới, đặc biệt là tiểu thuyết SBC là săn bắt chuột, với một thực đơn ngôn từ quá tuyệt vời. Ngoài ngôn ngữ đời thường, vỉa hè ta còn bắt lối tư duy hậu hiện đại qua cách tác giả nhại các phong cách chức năng ngôn ngữ khác nhau.

Trong tiểu thuyết, Hồ Anh Thái nhại từ thành ngữ, tục ngữ cho đến thơ ca, âm nhạc. Tác giả nhại chúng theo hai cách, hoặc là tùy nghi sửa đổi nhạc thơ ca, ca dao tục ngữ cho phù hợp với ngữ cảnh. Hoặc dùng nguyên nhạc, thơ, ca dao, tục ngữ nhưng khiến cho sắc thái nghĩa của chúng bị biến dạng hẳn.

Đối với cách nhại đầu tiên, hàng loạt thơ ca, thành ngữ, tục ngữ đã được ông biến hóa, nhào nặn để đáp ứng với ngữ cảnh lúc đó. Ngay chương mở đầu đã gây cho người đọc sự chú ý khi tác giả đã nhại lại bài thơ phổ nhạc của nhà thơ Bùi Thanh Tuấn và nhạc sĩ Trương Qúy Hải.

Hà Nội mùa này phố cũng như sông

Cái rét đầu đông chân em thâm vì ngâm nước lạnh (…)

Cho đến đêm qua lạnh đôi chân Giờ đây, lạnh luôn toàn thân [36,tr.5-6]

Bài hát Để gió cuốn đi cũng được tác giả nhại lại một cách điêu luyện: “Sống trong đời sống cần có một cái vòng/ Để làm gì em biết không/ Để tránh có thai/ Để tránh bế con/ Tránh có thai nên ai ai đều vui/ Nhiều người vui và chào đón nơi nơi/ Tránh có thai nên ai ai đều mong/ Làm sung sướng cho muôn người biết không” [36,tr.201]. Đó là một cách tuyên truyền dân số mới và hot, để lại tiếng cười sâu cay về một hiện thực bây giờ. Nhờ có “cái vòng”, con người có thể thỏa sức vui chơi mà không cần phải lo nghĩ. Hay âm hưởng núi rừng của bài

Tiểu đoàn 307 được đưa vào nhưng tréo ngoe thay, là để diễn tả về cảm xúc khi đi qua bãi tha ma: “Ai đã từng đi qua muôn bãi tha ma, bãi tha ma có nhiều ma lắm/ Ai đã từng nghe tiếng ma cười, tiếng ma cười vang trong đêm tối” [36,tr.319]. Hồ Anh Thái có thể nhại ở mọi lúc, mọi nơi, trong mọi hoàn cảnh và cái hay ở đây là không gây cảm giác nhàm chán cho người đọc. Không dừng lại ở đó, bài thơ Đề Đền Sầm Nghi Đống của Hồ Xuân Hương cũng được nhà văn sử dụng để nói lên thói lẳng lơ, dâm tục của bà phó chủ nhiệm: “Thân này ví xẻ làm trăm được, sự nghiệp anh hùng há bấy nhiêu[36,tr.20] (Nguyên bản : Ví đây

đổi phận làm trai được/ Thì sự anh hùng há bấy nhiêu).

Đọc tiểu thuyết này chúng ta chợt nghĩ, nếu Hồ Anh Thái làm thơ chắc cũng sẽ gặt hái được nhiều thành quả như đối với tiểu thuyết. Những câu thơ không chỉ xuất hiện một thoáng mà nó chạy dài suốt chiều dọc của câu chuyện, đến đâu cũng thấy có thơ, có nhạc: “Tôn Đản là chợ vua quan/ Vân Hồ là chợ trung gian nịnh thần/ Đồng Xuân là chợ thương nhân/ Vỉa hè là chợ nhân dân anh hùng” [36,tr.226]. Hay khi nói về tiêu chuẩn chọn người yêu của con gái thời niên thiếu của Luật Sư: “Một yêu anh có Senkô/ Hai yêu anh có Pơgiô cá vàng” [36,tr.227]. Một hình thức khác, khi nói về thói dâm ô của cô Báo, tác giả lại nhại bài ca dao : “Nhà thơ bươm bướm tên Ương, gặp ai cũng rủ lên giường làm thơ”[36,tr.22]. Có khi đó không phải nhại thơ văn, thành ngữ, tục ngữ mà nhại lời nói. Tuy nhiên có thể dễ dàng nhận thấy lời nói đó cũng được nhại theo phong cách của hát vè dân gian: “Một kẻ muốn chia loan rẽ phượng, chia uyên rẽ thúy, chia sim rẽ dế”[36,tr.61]. Hay: “Nói có người nghe/ Đe có người sợ/ Vợ có người chăm/ Nằm có người bóp/ Họp có người ghi/ Chi có người bù/ Đi tù có người chạy”. [36,tr.124] Ngôn ngữ cứ đua nhau chạy dồn dập, chữ này đẩy chữ kia tạo nên một con sóng ngôn từ: “Đẹp giai đi bộ không bằng mặt rỗ đi lơ/ không bằng đù đờ đi cúp/ không bằng anh cụt ngồi xe hơi”[36,tr.231]. Phải là một người có một vốn kiến thức lớn về văn học, âm nhạc, đời sống mới có thể cải biến được một cách nhanh nhạy và chính xác như vậy.

Là một tác phẩm đậm màu sắc dân gian, thành ngữ tục ngữ đã được ông dung nạp và đưa vào sử dụng tạo hiệu ứng mạnh. Đó có thể là những thành ngữ tục ngữ đúng trong dân gian nhưng ông đưa vào trong ngữ cảnh, ý nghĩa của nó đã bị bóp méo. Tục ngữ được dùng khi nói đến việc cô chủ nhiệm đi xin tiền từ các quỹ để phục vụ cho bản thân: “Ở đâu có quỹ xóa đói giảm nghèo là cô tìm đến (…). Chỗ nào bèo cũng được một triệu. Lấy ngắn nuôi dài. Tha lâu đầy tổ. Thân lươn bao quản lấm đầu”[36,tr.15], nhưng nghĩa tốt đã chuyển thành nghĩa xấu, mang tính châm biếm. Hay để diễn tả niềm sung sướng sau đêm tân hôn,

nhà văn nhại ca dao: “Biết thế này em lấy chồng từ tuổi mười ba, đến khi mười tám em đà năm con” [36,tr.14]. Ở một đoạn khác, khi viết về Nàng sau khi gặp Chàng trong đêm định mệnh, ông cũng dùng lối nói dân gian: “Gái phải hơi giai như thài lài gặp cứt chó” [36,tr.40] hay “Nàng thì không phải thế. Không phải cưa sừng làm nghé, tròn mắt nai tơ”[36,tr.41]. Trong tác phẩm này, lượng thành ngữ, tục ngữ được sử dụng khá nhiều, và đặc sắc: “Nuôi ong tay áo, nuôi cáo trong nhà, nuôi ma trong máy tính” [36,tr.75], “Vỏ quýt dày có móng tay nhọn” [36,tr.209].

Ngôn ngữ nhại được thể hiện một cách nhuần nhuyễn đã góp phần tạo nên tiếng cười, cười ra nước mắt, cười chế giễu phê phán thói đời với nhiều nghịch lý, bất công. Cuộc sống dường như mở rộng trước mắt ta với những cung bậc, sắc thái đa dạng, từ đó nhà văn có điều kiện đi sâu thể hiện những suy nghĩ của mình, gợi ra cho độc giả nhiều suy ngẫm.

Có thể nói, ngôn ngữ trong tiểu thuyết SBC là săn bắt chuột của Hồ Anh Thái đã tìm được sự dung hòa giữa ngôn ngữ tả thực trần trụi và ngôn ngữ nhại đậm chất dân gian. Ngôn ngữ được nhà văn lựa chọn, sàng lọc, sắp xếp và cách điệu theo ý muốn chủ quan của mình. Những cách tân trong ngôn ngữ nói trên đã thể hiện rõ những nét chuyển biến trong phong cách riêng của Hồ Anh Thái. Câu chữ trong tác phẩm đã vượt qua cấu trúc ngữ pháp thông thường, vừa tạo nhịp điệu cho câu văn vừa nhấn mạnh tính chất, đặc điểm của đối tượng phản ánh, làm nổi bật tính khách quan của người viết. Sự luân phiên giữa các đoạn văn cũng rất tự nhiên. Đọc tác phẩm ta thấy ngôn ngữ đối thoại của nhân vật được nhà văn chuyển qua lời nói gián tiếp theo phương thức trần thuật mới.

Một phần của tài liệu (Trang 67 - 70)