Phần 2 Tổng quan tài liệu
2.3. Hội chứng tiêu chảy ở lợn con
2.3.3. Một số biện pháp giúp ngăn chặn bệnh tiêu chảy ở lợn con
Tùy theo nguyên nhân gây bệnh, người ta đưa ra các phác đồ phòng và điều trị bệnh tiêu chảy ở lợn con khác nhau. Một số biện pháp phòng và điều trị chính cho lợn con như sau:
+ Phòng bệnh * Vệ sinh thú y
Vệ sinh chuồng trại và thiết bị chăn nuôi là việc rất quan trọng nhằm ngăn chặn mầm bệnh xuất hiện và tiêu diệt mầm bệnh có trong môi trường như: E.coli,
mycoplasma, clostridium,… Cần giữ cho chuồng trại luôn thông thoáng, đủ ánh
sáng, mát về mùa hè và ấm về mùa đông. Thường xuyên quét dọn, định kỳ tẩy uế, khử trùng chuồng nuôi, cọ rửa và tiêu độc máng ăn, máng uống và các dụng cụ chăn nuôi như cuốc, xẻng, ủng, quần áo bảo hộ lao động,… Sau mỗi đợt nuôi, phải vệ sinh chuồng trại và khử trùng tiêu độc, sau đó để trống từ 3 – 4 ngày trước khi nuôi lứa mới. Sử dụng các biện pháp khử trùng tiêu độc như: dùng vôi bột pha loãng, rắc xung quanh chuồng, xút, hố nhúng ủng được pha bằng Cloramin - T theo hướng dẫn của nhà sản xuất,… Phân, rác và chất thải trong
chuồng cần được thu gom thường xuyên, đưa ra chỗ tập trung riêng để giữ chuồng luôn sạch sẽ. Có thể ủ phân bằng phương pháp ủ phân vi sinh vật hoặc xử lý bằng hầm biogas. Hạn chế người và vật lạ vào khu vực chăn nuôi để tránh đưa mầm bệnh từ khu vực khác vào khu vực chăn nuôi.
* Thức ăn
Thức ăn phải đảm bảo được bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát. Không sử dụng thức ăn bị ôi, thiu, mốc. Không sử dụng thức ăn không rõ nguồn gốc hoặc đã quá hạn sử dụng. Khi pha loãng thức ăn cho lợn ăn nếu còn dư từ ngày hôm trước thì bỏ đi, rửa máng sạch sẽ phòng tránh tiêu chảy.
Sử dụng nước uống sạch, không dùng nước đục, nước ao hồ tự động hoặc nước giếng có hàm lượng sắt cao cho lợn con uống.
* Nuôi dưỡng
Ngày nay, các trang trại có quy mô lớn, chăn nuôi theo hướng công nghiệp, thường tập ăn sớm cho lợn con, cho ăn tự do và sử dụng thức ăn có hàm lượng dinh dưỡng cao, điều đó giúp lợn có tốc độ phát triển nhanh nhưng lại gia tăng tỷ lệ tiêu chảy. Để khắc phục tình trạng khủng hoảng cũng như tỷ lệ tiêu chảy ở lợn sau cai sữa cần bổ sung thêm các chất dinh dưỡng vào khẩu phần của chúng vừa có tác dụng kích thích tăng tiết dịch vị, tăng hàm lượng HCl và enzyme tiêu hóa.
Việc cho ăn cũng rất quan trọng, được thể hiện bởi số lượng thức ăn và số lần cho ăn trong ngày. Ở giai đoạn tập ăn hay sau cai sữa nên cho ăn với lượng nhỏ với khoảng cách đều đặn tránh tồn dư, rơi vãi thức ăn và làm tăng khả năng tiêu hóa, hấp thu của lợn con.
Bên cạnh đó, việc nuôi dưỡng lợn nái mang thai hợp lý cũng giúp tăng cường sức sống cho lợn con, giúp lợn con đề kháng với các mầm bệnh tốt hơn. Giữ ấm cho lợn con là một biện pháp rất hữu hiệu để đề phòng hội chứng tiêu chảy cho lợn con theo mẹ cũng như sau cai sữa. Sử dụng ánh sáng hồng ngoại khi úm lợn con vừa giúp sưởi ấm lợn con vừa giúp hạn chế sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh.
Nâng cao sức đề kháng cho lợn con: cho lợn con bú sữa đầu, tiêm sắt phòng thiếu máu, cung cấp protein chất lượng cao, bổ sung chất điện giải, khoáng chất, vitamin trong khẩu phần ăn hàng ngày,…có thể bổ sung thêm enzyme tiêu hóa.
+ Điều trị
Khi lợn mắc phải hội chứng tiêu chảy thì việc trị bệnh thực sự có hiệu quả cao và nhanh chóng khi xác định rõ nguyên nhân. Liệu pháp kháng sinh là giải pháp hữu hiệu và nhanh chóng được ưa chuộng trong điều trị. Các kháng sinh phổ rộng được ưa chuộng vì vi khuẩn gây bệnh khá đa dạng và thường trên lâm sàng người ta không phân biệt chính xác được căn bệnh thuộc nhóm vi khuẩn nào. Chủng vi khuẩn E.coli có khả năng biến dị nên kháng thuốc một cách nhanh chóng; vì vậy, việc thay đổi thường xuyên kháng sinh điều trị là điều cần thiết.