Để đánh giá thực trạng quản lý nợ xấu có thể dựa vào các tiêu chí sau: ● Quy mô nợ xấu
Đây là tiêu chí phản ánh chung toàn bộ các khoản nợ xấu của ngân hàng, được xác định bằng tổng dư nợ xấu của ngân hàng. Nợ xấu hay là dư nợ thuộc nhóm 3, 4, 5 của ngân hàng càng cao càng cho thấy mức độ nghiêm trọng của nợ xấu trong hoạt động tín dụng của ngân hàng. Đồng thời chỉ tiêu này càng cao càng cho thấy chất lượng tín dụng của ngân hàng càng thấp. Đồng thời, để đánh giá hoạt động quản lý nợ xấu, cần so sánh quy
mô nợ xấu thực tế với kế hoạch đề ra. Việc so sánh này nhằm xác định liệu ngân hàng có quản lý, kiểm soát nợ xấu theo đúng với định hướng, kế hoạch hoạt động hay không. Nếu nợ xấu thực tế cao hơn so với nợ xấu kế hoạch là dấu hiệu cho thấy việc quản lý nợ xấu chưa thực sự tốt.
● Tốc độ tăng trưởng nợ xấu
Ngoài so sánh nợ xấu giữa thực tế so với nợ xấu kế hoạch, cần so sánh quy mô nợ xấu thực tế năm nay với quy mô nợ xấu thực tế năm trước để thấy được sự thay đổi của nợ xấu ngân hàng như thế nào. Nói cách khác, cần phải xác định tốc độ tăng trưởng nợ xấu qua các năm. Tốc độ tăng trưởng nợ xấu được xác định bằng công thức:
Tốc độ tăng trưởng nợ xấu = (Nợ xấu năm nay – nợ xấu năm trước)/Nợ xấu năm trước * 100%
Tốc độ tăng trưởng ở mức cao và có xu hướng tăng theo thời gian là một trong những dấu hiệu cho thấy hoạt động quản lý nợ xấu chưa thực sự hiệu quả.
● Tỷ lệ nợ xấu
Phân tích hoạt động quản lý nợ xấu cần phải đặt mối quan hệ giữa quy mô nợ xấu và quy mô tín dụng mới đánh giá được chất lượng tín dụng của NHTM. Tỷ lệ giữa nợ xấu với dư nợ tín dụng còn được gọi là tỷ lệ nợ xấu được sử dụng phổ biến trong các nghiên cứu về quản lý nợ xấu như của Nguyễn Thị Thu Cúc (2015), Nguyễn Thị Hồng Vinh (2017). Theo thông lệ quốc tế, tỷ lệ nợ xấu của các NHTM phải được khống chế dưới 3% dư nợ tín dụng của NHTM. Đồng thời, cũng cần so sánh tỷ lệ nợ xấu thực tế so với tỷ lệ nợ xấu theo kế hoạch của ngân hàng đề ra, sự biến động tỷ lệ nợ xấu qua các năm để đánh giá thực trạng hoạt động quản lý nợ xấu của ngân hàng.
● Cơ cấu nợ xấu
Cơ cấu nợ xấu được phản ánh qua tỷ lệ giá trị giữa các khoản nợ xấu/ tổng dư nợ cho vay. Chỉ tiêu này phản ánh chân thực tình hình nợ xấu, chất lượng tín dụng của ngân hàng, năng lực quản lý cho vay của ngân hàng, công tác đôn đốc thu hồi nợ. Phân tích cơ cấu nợ xấu theo từng nhóm nợ sẽ phản ánh mức độ nghiêm trọng của nợ xấu. Nếu tỷ trọng nợ xấu thuộc nhóm 5 mà cao cho thấy ngân hàng có khả năng mất vốn lớn đối với các khoản nợ.
Đây là tỷ lệ thể hiện được khả năng bù đắp của quỹ dự phòng với các khoản nợ xấu khi các khoản nợ xấu chuyển thành khoản nợ mất vốn. Nếu tỷ lệ này càng cao thì khả năng quỹ dự phòng bù đắp cho các thiệt hại từ nợ xấu càng cao và ngược lại.
Đây chỉ là những chỉ tiêu cơ bản để đánh giá thực trạng nợ xấu, không bao gồm tất cả những tiêu chí khác có thể được áp dụng trong bối cảnh khác nhau của mỗi ngân hàng, mỗi thời kỳ và quốc gia.