Theo số liệu từ công ty nghiên cứu thị trường GfK, trong tháng 3/2021, Samsung là nhà sản xuất smartphone có thị phần lớn nhất tại Việt Nam, chiếm 36,2%. Đứng vị trí thứ 2 là Oppo với 18,3% thị phần; tiếp đó là Xiaomi (8,7%), Vivo (8,7%), Apple (8,4%), Realme (6,1%)...
Liên tục trong ba tháng đầu năm 2021, thị phần của Samsung đã tăng từ mức 30% ở tháng 1 lên 36,2% trong tháng 3. Nguyên nhân chính đến từ việc gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc liên tục ra mắt sản phẩm mới, như thế hệ Galaxy S21 hay một số thiết bị tầm trung như Galaxy A52, A72.
Ngược lại, từ đầu năm 2021 đến nay, thị phần của Apple liên tục giảm qua từng tháng. Cụ thể, trong tháng 1, công ty công nghệ Mỹ chiếm 11,9% thị phần, đứng thứ 3 tại Việt Nam. Con số này đã giảm về mức 8,4% trong tháng 3, khiến hãng bị đẩy xuống vị trí thứ 5. Theo nhận định từ một số chuyên gia, tình trạng này là do nhu cầu mua sắm iPhone mới đã không còn ở trong giai đoạn đỉnh điểm.
"Sau Tết là khoảng thời gian nhu cầu mua sắm của người dùng giảm mạnh. Thêm vào đó, iPhone 12 cũng đã ra mắt được một khoảng thời gian, sức hút không còn đủ lớn như trước. Vì thế, sự quan tâm của người dùng đối với dòng sản phẩm này giảm xuống là điều dễ hiểu", ông Lê Xuân Tình, đại diện một hệ thống kinh doanh điện thoại tại đường Lê Hồng Phong, Quận 10, TP.HCM chia sẻ.
Dù thị phần chỉ xếp thứ 5 tại Việt Nam, Apple lại đang thống trị phân khúc smartphone cao cấp. Cụ thể, theo thống kê từ GfK, iPhone 12 Pro Max là mẫu smartphone cao cấp duy nhất nằm trong danh sách 10 chiếc điện thoại bán chạy tại Việt Nam trong tháng 3. Trong khi đó, 9 thiết bị còn lại đều thuộc phân khúc giá dưới 8 triệu đồng.
Phân khúc cao cấp luôn là mảnh đất màu mỡ mà các nhà sản xuất smartphone muốn đẩy mạnh phát triển. Với mức giá bán cao hơn, những thiết bị thuộc phân khúc này sẽ giúp thu về được nhiều lợi nhuận hơn. Tuy nhiên, việc cạnh tranh ở phân khúc cao cấp không hề đơn giản.
Nhìn lại vài năm trước, thống kê từ GfK cho thấy trong tháng 3/2019, 2 gã khổng lồ Apple và Samsung đã chiếm đến 99,2% thị phần di động cao cấp tại Việt Nam; trong đó, 42,8% thuộc về Apple và 56,4% của Samsung. Đến tháng 4/2019, Apple vươn lên dẫn đầu với 59,1% thị phần, Samsung ở vị trí thứ 2 với 34,1% và xếp thứ 3 là Huawei với 6,5%.
Thời điểm đó, tổng thị phần của tất cả thương hiệu còn lại luôn nằm dưới 1%. Thậm chí, một số tên tuổi như Vivo hay Nokia lại không bán smartphone cao cấp tại thị trường Việt Nam.
Hiện tại, bên cạnh Apple và Samsung, thị trường smartphone cao cấp tại Việt Nam đã trở nên sôi động hơn với sự xuất hiện của hàng loạt tên tuổi như Xiaomi, Oppo, Vivo và Sony. Dù vậy, Apple vẫn là cái tên dẫn đầu.
"Đối với những sản phẩm ở phân khúc cao cấp, thương hiệu là yếu tố đặc biệt quan trọng. Bên cạnh việc mang đến trải nghiệm tốt về hầu hết mọi mặt, những chiếc smartphone ở phân khúc cao cấp còn phải chinh phục được lòng tin và tình cảm của người dùng", ông Tuấn Anh, đại diện một hệ thống bán lẻ lớn tại Việt Nam chia sẻ.
Ở phân khúc smartphone giá tầm trung và phổ thông, cũng là phân khúc có sự cạnh tranh gay gắt nhất tại thị trường Việt Nam với sự góp mặt của hàng loạt ông lớn trong ngành công nghiệp di động, đặc biệt là các thương hiệu từ Trung Quốc như Xiaomi, Oppo, Realme hay Vivo.
Điện thoại tầm trung và giá rẻ giúp các hãng có thể dễ dàng tiếp cận với nhiều đối tượng người dùng hơn, từ đó tạo nhóm khách hàng trung thành. Đây là phân khúc không thể thiếu của một thương hiệu dù hiệu suất lợi nhuận có thể không bằng các smartphone cao cấp.