Chấm dứt hợp đồng có điều kiện

Một phần của tài liệu Hợp đồng có điều kiện theo quy định của pháp luật việt nam (Trang 42 - 46)

Tùy từng căn cứ chấm dứt mà hợp đồng có điều kiện sẽ có hệ quả pháp lý khác nhau. Ở đây, tác giả trình bày trường hợp hợp đồng có điều kiện chấm dứt.

Thứ nhất, về hợp đồng có điều kiện phát sinh

Khi điều kiện chưa xảy ra, hợp đồng chưa phát sinh hiệu lực thì các bên cũng có thể thỏa thuận hủy bỏ hợp đồng mà các bên hướng tới. Theo một tác giả: “Trên cơ sở tự do cam kết, thỏa thuận thì chúng ta cần chấp nhận các bên thỏa thuận hủy bỏ (chấm dứt) “dự án” của các bên”79. Trong ví dụ 1, nếu C chưa kiểm tra hàng hóa nhưng các bên có bất kì lý do nào đó không muốn tiếp tục việc mua bán hàng hóa với nhau thì các bên có thể thỏa thuận chấm dứt hợp đồng đó mà không phải chịu trách nhiệm gì với nhau (vì hợp đồng chưa có hiệu lực). Nếu sau khi kiểm tra, C khẳng định các vật liệu không phù hợp với thiết kế của công trình thì hợp đồng mua bán đó vô hiệu.

Khi điều kiện xảy ra và hợp đồng đã có hiệu lực, hợp đồng chưa được thực hiện hoặc đang được thực hiện nhưng có một trong các căn cứ chấm dứt hợp đồng Điều 422 BLDS năm 2015 thì hợp đồng có điều kiện sẽ chấm dứt.

Thứ hai, về hợp đồng có điều kiện thay đổi

Khi điều kiện xảy ra thì một hoặc một vài nội dung hợp đồng thay đổi. Theo đó, các bên sẽ phải thực hiện những nội dung mới thay đổi nên những nội dung trước đó sẽ chấm dứt chứ hợp đồng giữa các bên chưa chấm dứt.

Hợp đồng có điều kiện thay đổi chỉ chấm dứt khi có một trong các căn cứ chấm dứt hợp đồng tại Điều 422 BLDS năm 2015 cho dù điều kiện chưa xảy ra hay đã xảy ra. Trong ví dụ 2, khi điều kiện làm thay đổi hợp đồng xảy ra, tức là đến ngày 31/12/2021 mà dịch Covid-19 vẫn còn thì thỏa thuận “D phải trả cho C số tiền là 25 triệu đồng/quý” sẽ chấm dứt, các bên không phải thực hiện thỏa thuận đó nữa. Khi đó, hợp đồng có điều kiện chưa chấm dứt, các bên tiếp tục thực hiện hợp đồng theo nội dung đã thay đổi. Khi nào có căn cứ chấm dứt hợp đồng thì hợp đồng có điều kiện mới bị chấm dứt.

Thứ ba, về hợp đồng có điều kiện chấm dứt

Theo quy định của BLDS năm 2015 thì hợp đồng sẽ chấm dứt khi có một trong các căn cứ được liệt kê tại Điều 422, trong đó, tại khoản 7 là một quy định mở. Theo đó, hợp đồng có điều kiện chấm dứt sẽ thuộc “trường hợp khác do luật quy định”. Cụ thể, hợp đồng có điều kiện chấm dứt thì hợp đồng sẽ chấm dứt khi điều kiện đó xảy ra, tức là, cho dù hợp đồng chưa đến hạn chấm dứt theo các căn cứ được liệt kê cụ thể tại Điều 422 nhưng khi điều kiện chấm dứt hợp đồng xảy ra thì hợp đồng không

có giá trị nữa và các bên không phải thực hiện hợp đồng nữa. Trong ví dụ 3, khi có người đặt cọc để mua thửa đất đó thì hợp đồng thuê của X và Y sẽ chấm dứt, Y phải trả lại thửa đất cho X.

Hủy bỏ hợp đồng là một trong những trường hợp chấm dứt hợp đồng. Theo đó, khi điều kiện hủy bỏ chưa xảy ra thì các bên vẫn thực hiện nghĩa vụ của mình như bình thường. Nhưng khi điều kiện đó xảy ra, thì hợp đồng sẽ bị hủy bỏ. Tức là, điều kiện này làm cho hợp đồng đang tồn tại sẽ bị coi như không tồn tại nữa, khi đó, các bên phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.

Như vậy, thông qua những trường hợp dẫn đến việc các bên phải thực hiện theo đúng nội dung hợp đồng và những trường hợp chấm dứt hợp đồng, có thể thấy, tương ứng với mỗi loại điều kiện và mỗi giai đoạn của điều kiện mà việc thực hiện cũng như chấm dứt hợp đồng có điều kiện sẽ khác nhau.

KẾT LUẬN CHƯƠNG 1

Chương 1 đã nghiên cứu một cách khái quát về những vấn đề lý luận cũng như những quy định của pháp luật về hợp đồng có điều kiện. Qua đó, tác giả rút ra được những được những vấn đề sau:

Thứ nhất, hợp đồng có điều kiện được hiểu là hợp đồng mà khi giao kết, bên

cạnh việc thỏa thuận về nội dung của hợp đồng thì các bên còn đưa ra những sự kiện nhất định là điều kiện để xác định việc phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ của các bên.

Thứ hai, chủ thể của hợp đồng có điều kiện phải tuân theo các quy định về

chủ thể tham gia quan hệ hợp đồng nói chung. Trong hợp đồng có điều kiện luôn có bên chủ thể đưa ra điều kiện và bên chủ thể chấp nhận điều kiện.

Thứ ba, điều kiện trong hợp đồng có điều kiện có thể hiểu là những dự liệu

về những sự kiện nhất định nhằm làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng. Các sự kiện đó có thể là những sự kiện trong tự nhiên hoặc có thể là hành vi của một hoặc nhiều bên trong hợp đồng cam kết thực hiện theo thoả thuận.

Về nội dung của điều kiện, điều kiện trong hợp đồng có điều kiện phải tuân thủ những yêu cầu pháp lý nhất định để đảm bảo tính hợp pháp và hạn chế những tranh chấp có thể xảy ra.

Về hình thức của điều kiện, điều kiện có thể được thể hiện dưới bất kỳ hình thức nào mà không nhất thiết phải tuân theo hình thức của hợp đồng có điều kiện, điều quan trọng là hình thức thể hiện điều kiện đó có thể kiểm chứng được.

Thứ tư, điều kiện được chia thành 3 loại: điều kiện làm phát sinh, điều kiện

làm thay đổi và điều kiện làm chấm dứt hợp đồng. Theo đó, hợp đồng có điều kiện sẽ phát sinh hiệu lực sau khi điều kiện phát sinh xảy ra. Hợp đồng có điều kiện sẽ phát sinh hiệu lực trước khi điều kiện thay đổi và điều kiện chấm dứt xảy ra.

Thứ năm, tương ứng với mỗi loại điều kiện và mỗi giai đoạn của điều kiện

mà việc thực hiện cũng như chấm dứt hợp đồng có điều kiện sẽ khác nhau.

Những phân tích trên đã phần nào làm rõ quy định của pháp luật về hợp đồng có điều kiện. Việc phân tích những vấn đề đó đóng vai trò quan trọng, là tiền đề để tìm hiểu thực tiễn áp dụng và có một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật về hợp đồng có điều kiện được tác giả trình bày tại Chương 2.

CHƯƠNG 2. THỰC TIỄN ÁP DỤNG VÀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ HỢP ĐỒNG CÓ ĐIỀU KIỆN

Khi xét xử, Tòa án phải giải quyết vụ việc một cách thấu đáo, có cơ sở pháp lý phù hợp nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho các bên. Để làm được điều đó, trước tiên cần phải có những quy định pháp luật hoàn thiện làm nền tảng vững chắc cho Tòa án đưa ra hướng giải quyết thuyết phục. Tuy nhiên, như đã phân tích ở Chương 1, những quy định về hợp đồng có điều kiện còn hạn chế. Do đó, trong chương này, thông qua việc phân tích một số Bản án, Quyết định của Tòa án áp dụng quy định pháp luật về hợp đồng có điều kiện mà tác giả sẽ đưa ra một số kiến nghị nhằm hoàn thiện hơn những quy định về hợp đồng có điều kiện.

Một phần của tài liệu Hợp đồng có điều kiện theo quy định của pháp luật việt nam (Trang 42 - 46)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(111 trang)