Vai trò của hoạt động huy động vốn được đề cập đến trong nhiều nghiên cứu như giáo trình ngân hàng thương mại, các nghiên cứu đăng tải trên các tạp chí chuyên ngành. Hoạt động huy động vốn có vai trò quan trọng không chỉ đối với NHTM mà còn đối với khách hàng và cả nền kinh tế. Trong đó:
Đối với NHTM, nghiệp vụ huy động vốn mặc dù “không mang lại lợi nhuận trực tiếp cho ngân hàng nhưng là nghiệp vụ rất quan trọng. Không có nghiệp vụ huy động vốn coi như không có hoạt động của NHTM” (Trương Ngọc Chân, Phạm Đức Tài, 2017). Với đặc điểm là trung gian tài chính - tập trung nguồn vốn nhàn rỗi trong nền kinh tế để thực hiện cấp tín dụng, hoạt động huy động tạo ra vốn kinh doanh đầu vào chủ yếu cho các ngân hàng hoạt động (Nguyễn Hồng Yến và Vũ Thị Kim Thanh, 2017). Vì vậy quy mô và cơ cấu nguồn vốn huy động là yếu tố ảnh hưởng đến quy mô hoạt động của ngân hàng. Ngoài ra, hoạt động huy động vốn còn là thước đo về mức độ tín nhiệm của ngân hàng trên thị trường. Nếu ngân hàng có uy tín, chất lượng dịch vụ tốt thì sẽ thu hút được nhiều khách hàng gửi tiền, quy mô tiền gửi sẽ lớn và ngược lại (Bùi Diệu Anh và cộng sự, 2013). Do đó, ngân hàng có thể căn cứ vào quy mô nguồn vốn huy động để có thể đưa ra những giải pháp phù hợp nhằm tăng khả năng phát triển trên thị trường.
Đối với khách hàng, hoạt động huy động vốn giúp cho khách hàng có một nơi an toàn để cất giữ và tích lũy tiền nhàn rỗi. Kết hợp tùy theo từng mục đích gửi tiền mà khách hàng sẽ hưởng những lợi ích khác nhau. Cụ thể, nếu gửi tiền gửi thanh toán, khách hàng sẽ được hưởng dịch vụ thanh toán qua ngân hàng, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí và đảm bảo an toàn trong quá trình giao dịch. Gửi tiền gửi tiết kiệm là hình thức sinh lời cho tài sản khá đơn giản, an toàn, giúp khách hàng gia tăng được tài sản trong tương lai (Nguyễn Văn Tiến, 2013).
Đối với nền kinh tế, hoạt động huy động vốn của ngân hàng giúp tập trung nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi trong nền kinh tế, tạo thành quỹ lớn để giải quyết tình trạng thiếu hụt vốn cho các chủ thể khác trong nền kinh tế. Nếu ngân hàng thực hiện tốt nghiệp vụ huy động vốn sẽ tạo điều kiện thuận lợi để phát triển tín dụng, hỗ trợ vốn cho các chủ thể thiếu hụt vốn trong nền kinh tế để sản xuất kinh doanh, tiêu
dùng, góp phần phát triển sử dụng vốn (Trịnh Thế Cường, 2018). Điều này có góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của các quốc gia.