6. Kết cấu của đề tài
2.3. Tiềm năng phát triển Mobile Money tại Việt Nam
Tại Việt Nam, Mobile Money là dịch vụ tương đối mới, tuy nhiên có nhiều tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong tương lai.
* Việt Nam có lượng thuê bao điện thoại lớn:
Hiện nước ta có khoảng 129,5 triệu thuê bao; trong đó số điện thoại di động băng rộng 3G và 4G là hơn 61,3 triệu thuê bao, mạng điện thoại di động đã được phủ kín hầu hết các địa phương trên toàn quốc. Với 43,7 triệu người dùng điện thoại
thông minh chiếm tỷ lệ gần 45% dân số (2019), Việt Nam đang ở mức trung bình khu vực, cao hơn so với Ấn Độ, Philippines, Indonesia và Thái Lan.
Hơn nữa, còn rất nhiều cơ hội để phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam. Hiện nay, mới có khoảng 63% người lớn (trên 15 tuổi) có tài khoản ngân hàng7, thấp hơn so Trung Quốc (80%) và châu Á - Thái Bình Dương (70%). Tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán của Việt Nam năm 2019 là 11,33% (giảm 0,45% so 2018). Tỷ lệ tiền mặt trong lưu thông/GDP của Việt Nam năm 2019 là 20,2%, cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Vì vậy, Việt Nam còn dư địa và có khả năng phát triển Mobile Money trong tương lai gần, đó cũng là một trong những mục tiêu trọng tâm của Chính phủ trong Chiến lược phát triển tài chính toàn diện đã được ban hành tháng 1/2020.
* Chính phủ Việt Nam cũng đã ban hành một số quy định mở đường cho việc triển khai Mobile Money như sau:
+ Quyết định số 149/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ ban hành ngày 22/1/2020 Về việc phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Đối tượng của Chiến lược là tất cả mọi người dân và doanh nghiệp, trong đó đặc biệt chú trọng tới nhóm đối tượng mục tiêu là những người chưa được tiếp cận hoặc ít được tiếp cận với các sản phẩm, dịch vụ tài chính như: người sống ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; người nghèo, người thu nhập thấp, phụ nữ và những đối tượng yếu thế khác; doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ, hợp tác xã, hộ gia đình sản xuất kinh doanh.
Một số chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2025 của Chiến lược là ít nhất 80% người trưởng thành có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác; mỗi người trưởng thành có ít nhất một tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác vào năm 2030; ít nhất 25-30% người trưởng thành gửi tiết kiệm tại tổ chức tín dụng; số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt tốc độ tăng 20-25% hàng năm…
Đồng thời, một loạt các chương trình hành động thực hiện Chiến lược đã được đưa ra kèm theo đơn vị chủ trì nghiên cứu và thời gian thực hiện có liên quan đến: tiền điện tử và tài khoản tiền điện tử; đẩy mạnh thanh toán qua thiết bị di động; phát triển các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số, tài chính số cho người dân sống ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa; khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức công nghệ tài chính, tổ chức viễn thông tham gia tích cực vào chuỗi cung ứng sản
phẩm, dịch vụ tài chính; khuyến khích phát triển các dịch vụ tài chính cơ bản cung cấp qua mạng lưới bưu chính công cộng theo quy định của pháp luật; tạo điều kiện cho mạng lưới bưu chính công cộng hợp tác với các tổ chức cung ứng dịch vụ tài chính, tổ chức công nghệ tài chính phát triển các dịch vụ tài chính số với chi phí thấp phục vụ người dân nông thôn, vùng sâu, vùng xa; cung ứng sản phẩm, dịch vụ tài chính vi mô; khuyến khích các tổ chức tín dụng và các tổ chức được phép khác phát triển các dịch vụ thanh toán, chuyển tiền dễ sử dụng và phù hợp với điều kiện ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa…
+ Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4/3/2020 của Thủ tướng chính phủ Về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19. (nhóm giải pháp 1a).
Dịch Covid-19 xuất hiện từ đầu năm 2020 đã có tác động, ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế toàn cầu. Tại Việt Nam, dịch Covid-19 đã và đang tác động đến nhiều mặt của đời sống kinh tế, xã hội. Các hoạt động xuất, nhập khẩu, lưu thông, vận chuyển hàng hóa, hành khách, nhiều lĩnh vực dịch vụ như y tế, giáo dục, ăn uống, lưu trú, giải trí, nhất là du lịch bị ảnh hưởng rõ rệt. Một số ngành, lĩnh vực sản xuất bước đầu bị ảnh hưởng, có nơi thiếu hụt lao động tạm thời, gián đoạn chuỗi cung ứng nguyên, vật liệu đầu vào, gây đình trệ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp trên địa bàn có dịch phải thu hẹp sản xuất kinh doanh hoặc tạm ngừng hoạt động.
Trước tình hình đó, Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4/3/2020 của Thủ tướng chính phủ đã nhanh chóng đề ra 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19. Nhóm giải pháp "Tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi về tiếp cận vốn, tín dụng, tài chính, thuế, thương mại, thanh toán điện tử" là nhóm giải pháp đầu tiên. Trong nhóm giải pháp này, một trong các nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là "Trình ngay Thủ tướng Chính phủ quyết định cá biệt về việc thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán cho các dịch vụ có giá trị nhỏ (dịch vụ Mobile Money)". Điều đó khẳng định rằng, Thủ tướng Chính phủ rất coi trọng việc triển khai Mobile Money, và coi đây là một trong các giải pháp cần triển khai ngay để giải quyết những khó khăn do Covid-19 gây ra.
+ Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày 09/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ Về việc phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ. Đây là văn bản pháp luật có liên quan trực tiếp đến việc triển khai Mobile Money tại Việt Nam. Một số điểm cần lưu ý được đưa ra trong Quyết định như sau:
Đối tượng thực hiện thí điểm: là doanh nghiệp có Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán Ví điện tử và Giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng/là công ty con của công ty mẹ có Giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng.
Đối tượng khách hàng: phải có Chứng minh thư nhân dân/Căn cước công dân/Hộ chiếu trùng với thông tin đăng ký số thuê bao di động của khách hàng và được Doanh nghiệp thực hiện thí điểm định danh, xác thực theo các quy định của Chính phủ về đăng ký thuê bao di động. Số thuê bao di động phải có thời gian kích hoạt và sử dụng liên tục trong ít nhất 3 tháng liền kề tính đến thời điểm đăng ký mở và sử dụng dịch vụ Mobile Money. Mỗi khách hàng chỉ được mở 1 tài khoản Mobile Money tại mỗi doanh nghiệp thực hiện thí điểm./.
Thời gian thực hiện thí điểm: 02 năm
Nội dung thí điểm: nạp tiền, rút tiền, chuyển tiền và thanh toán, với hạn mức giao dịch không quá 10 triệu đồng/tháng/tài khoản cho tổng giao dịch. Dịch vụ này chỉ áp dụng với giao dịch nội địa và không thực hiện cho các dịch vụ xuyên biên giới.
Quy định cũng chỉ ra các hành vi bị cấm có liên quan tới dịch vụ Mobile Money, nổi bật là: doanh nghiệp thực hiện thí điểm không được cấp tín dụng cho khách hàng; không được trả lãi trên số dư tài khoản…; doanh nghiệp thực hiện thí điểm không thực hiện hoạt động ngân hàng (cho vay, huy động vốn)… Đồng thời, các bên có trách nhiệm giám sát, quản lý việc triển khai Mobile Money là: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an.
* Sự sẵn sàng của các nhà mạng lớn tại Việt Nam (VNPT, Viettel, Mobifone) cho việc thí điểm Mobile Money.
VNPT là nhà mạng có lợi thế rất lớn trong Mobile Money với một hệ sinh thái tài chính số khá hoàn chỉnh. VNPT Pay đã có gần 50.000 điểm chấp nhận thanh toán. VNPT cũng đã hoàn thiện toàn bộ giải pháp công nghệ và kỹ thuật với hệ sinh thái dịch vụ, gồm mạng giáo dục Việt Nam (VnEdu), dịch vụ phần mềm quản lý bệnh viện (VNPT HIS), dịch vụ phần mềm một cửa điện tử VNPT-iGate, Giải pháp định danh vạn năng Mobile Connect. Đặc biệt, năm 2020, ví điện tử VNPT Pay đã được kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia và rất mạnh trong việc cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến qua hệ thống này. Ông Nguyễn Sơn Hải, Phó tổng giám đốc VNPT Media cho biết, VNPT đã chuẩn bị sẵn sàng về công nghệ, hạ tầng kỹ thuật, nhân lực, đồng thời kết nối với đối tác, tập huấn nội bộ cho cán bộ nhân viên… để ngay khi được phê duyệt thử nghiệm dịch vụ Mobile Money sẽ sẵn sàng triển khai.
Một nhà mạng lớn nữa là Viettel cũng đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện triển khai dịch vụ Mobile Money ngay sau khi được cấp phép. Cụ thể, Viettel đã xây dựng hạ tầng chấp nhận thanh toán, hệ thống cung cấp dịch vụ từ thành thị đến nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Hệ sinh thái số thiết thực cũng đã được hình thành gồm thanh toán số và các dịch vụ tài chính số, thương mại điện tử trên nền thanh toán số. Viettel hiện có mạng lưới điểm giao dịch và chấp nhận thanh toán hơn 200.000 điểm trên toàn quốc. Viettel từ sớm cũng được cấp phép dịch vụ ví điện tử và trung gian thanh toán, hệ thống xử lý hàng tháng dòng tiền hơn 50.000 tỷ đồng với hơn 30 triệu giao dịch. Hệ thống của Viettel có thể phục vụ ngay 60 triệu thuê bao khi triển khai Mobile Money.
Đối với MobiFone, cùng ngày Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 316/QĐ-TTg, MobiFone cũng chính thức được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành giấy phép số 09/GP-NHNN, cấp phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (ngày 9/3/2021). Đây chính là “điều kiện cần và đủ” để MobiFone tham gia cung cấp dịch vụ Mobile Money. Ông Bùi Sơn Nam, Phó tổng giám đốc MobiFone nhận định “Mobile Money là mảnh ghép cuối cùng, là mạch máu của hệ sinh thái số của MobiFone", là một cấu phần quan trọng trong tổng thể chiến lược của MobiFone nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, mở rộng lĩnh vực kinh doanh ngoài viễn thông, phát triển hệ sinh thái thương mại điện tử, thanh toán, tài chính. Với ưu thế sở hữu các điểm giao dịch rộng khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước, nên MobiFone có thể phát triển và đa dạng hóa cơ cấu sản phẩm, dịch vụ và đối tượng khách hàng trong lĩnh vực trung gian thanh toán. MobiFone cũng đã sẵn sàng kết nối với các điểm chấp nhận dịch vụ thanh toán.