Một số thách thức khi triển khai Mobile Money tại Việt Nam

Một phần của tài liệu NGHIÊN cứu ỨNG DỤNG MOBILE MONEY của SINH VIÊN các TRƯỜNG đại học TRÊN địa bàn hà nội (Trang 38 - 41)

6. Kết cấu của đề tài

2.4.Một số thách thức khi triển khai Mobile Money tại Việt Nam

Theo Chỉ số pháp lý của Mobile Money năm 2019 (GSMA)8, Chỉ số quy định về Mobile Money của Việt Nam đạt 74,70 điểm, nằm trong thang trung bình khá của thế giới.

Các chỉ số này được đo lường dựa trên kỹ thuật định tính và định lượng để tính điểm cho 95 quốc gia trên thế giới với thang điểm từ 0 đến 100. Các nội dung chính được GSMA quan tâm gồm: Tính uỷ thác; Định danh khách hàng (KYC); Bảo vệ người tiêu dùng; Mạng lưới đại lý; Giới hạn giao dịch; Cơ sở hạ tầng và mạng lưới đầu tư.

Theo đó, Việt Nam đang được chấm 74,70 điểm về chỉ số Mobile Money, mức trung bình khá so với toàn cầu. Ở hạng mục uỷ thác và hạn mức giao dịch, Việt Nam

được điểm tối đa. Khả năng bảo vệ người tiêu dùng đạt 80/100. Cơ sở hạ tầng và môi trường đầu tư được 63 điểm. KYC và mạng lưới đại lý lần lượt là 52 và 24 điểm.

Hình 2.2: So sánh chỉ số Mobile Money của Việt Nam với Campuchia, Singapore, Thái Lan

(Nguồn: gsma.com)

Điểm định danh khách hàng và mạng lưới đại lý của chúng ta còn khá thấp, một phần là do ngày 9/3/2021 Thủ tướng chính phủ mới ra Quyết định 316/QĐ-TTg thí điểm Mobile Money. Bên cạnh đó, phải thừa nhận đây chính là hai thách thức lớn khi triển khai Mobile Money tại Việt Nam:

Đầu tiên là việc định danh khách hàng (Know Your Customer - KYC):

KYC là quá trình một tổ chức nhận dạng và xác minh khách hàng của mình. KYC trong dịch vụ Mobile Money được hiểu là khi các nhà cung cấp dịch vụ tiếp nhận một khách hàng mới, họ phải có khả năng định dạng chính xác khách hàng đó và thu thập đầy đủ thông tin để đánh giá được rủi ro tham gia vào giao dịch tài chính bất hợp pháp của khách hàng. KYC được xem là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng để ngăn chặn dấu hiệu tội phạm rửa tiền ngay từ ban đầu, nhưng cũng là một vấn đề khó với các cơ quan quản lý.

Việc định danh khách hàng quá chặt chẽ sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của thanh toán di động. Hơn thế nữa, việc đăng ký trực tiếp tại đại lý, ngân hàng hay trung tâm của nhà cung cấp cũng gây trở ngại về thời gian và địa lý trong khi nhu cầu của người sử dụng là mong muốn các hoạt động diễn ra đơn giản nhất có thể. Nhưng nếu không siết chặt, rất dễ dẫn đến tình trạng các cá nhân/tổ chức cung cấp thông tin giả hoặc mua lại giấy tờ tùy thân từ những người khác để mở tài khoản nhằm mục đích rửa tiền và tài trợ khủng bố. Các vấn đề kèm theo là một cá nhân có thể mở nhiều tài khoản Mobile Money và giải quyết tình trạng SIM có thông tin không chính xác, không đầy đủ trên thị trường (SIM rác).

Hai năm qua, để chuẩn bị cho việc phát triển Mobile Money, các cơ quan quản lý và nhà mạng đã mạnh tay xử lý nạn SIM rác, cuộc gọi, tin nhắn rác. Dù đã giảm thiểu khá nhiều, tình trạng SIM kích hoạt sẵn được bày bán công khai vẫn tồn tại ở một số khu vực hay SIM chưa đúng thông tin vẫn chưa được giải quyết triệt để. Nguyên nhân xảy ra hiện tượng này xuất phát từ quá trình thúc đẩy sự phát triển của thuê bao di động ở giai đoạn trước, dẫn tới có quá nhiều nhà bán lẻ, phân phối sim trên toàn quốc, và việc mua SIM trở nên dễ dàng. Điều này sẽ tác động tiêu cực đến quá trình quản lý Mobile Money. Bởi lẽ, khi những thuê bao có danh tính không đúng được sử dụng dịch vụ Mobile Money thì tội phạm có thể dùng nhiều thuê bao để thực hiện việc rửa tiền, mà các cơ quan quản lý không thể xác định được thông tin thì sẽ không xác định được các dòng tiền sẽ di chuyển như thế nào và việc rửa tiền cũng sẽ không thể bị phát hiện.

Ngoài ra, Việt Nam hiện có khoảng 96 triệu dân nhưng lại sở hữu hơn 125 triệu thuê bao di động. Tỷ lệ sở hữu thuê bao di động trung bình tại Việt Nam là 1,3 thuê bao trên mỗi người dân. Quy định tại Điều 1 Nghị định 49/2017/NĐ-CP cũng gián tiếp cho phép mỗi người được sở hữu nhiều thuê bao di động. Việc một cá nhân được sở hữu nhiều thuê bao di động sẽ khiến việc kiểm soát giao dịch và xác minh thông tin của người dùng trở nên khó khăn hơn. Khi một cá nhân có nhiều thuê bao di động được đăng ký Mobile Money, họ có thể bán lại hoặc cấu kết với tội phạm rửa tiền để chuyển tiền qua những tài khoản khác nhau của nhiều người dùng kể cả khi những tài khoản này được xác thực đầy đủ thông tin. Cộng với tính chất ẩn danh của các phương thức thanh toán điện tử thì tội phạm rửa tiền dễ dàng che giấu được nguồn gốc của số tiền.

Thách thức thứ hai liên quan tới việc phát triển mạng lưới đại lý.

Để khuyến khích khách hàng sử dụng và nhân rộng dịch vụ Mobile Money đến với mọi người, cần có quy định phù hợp đối với các đại lý được nhà mạng uỷ quyền vì số lượng đại lý tăng lên đồng nghĩa với việc khoảng cách địa lý giảm xuống và người dân có thể nhanh chóng thực hiện giao dịch tại đại lý gần họ nhất. Ngoài ra, việc phát triển đại lý cũng có thể giúp nhà mạng giảm đáng kể các chi phí vận hành thay vì phải trực tiếp mở nhiều trung tâm giao dịch và giảm áp lực chờ đợi giao dịch tại các trung tâm hay ngân hàng. Tuy nhiên, khung pháp lý cần nêu cụ thể các yêu cầu để có thể trở thành đại lý nhằm tránh việc lạm quyền sử dụng tiền của khách hàng vì lợi ích cá nhân. Ngoài ra, với số lượng hàng chục – hàng trăm nghìn điểm giao dịch của các nhà mạng cũng làm cho yêu cầu quản lý chặt chẽ điểm giao dịch, xây dựng được quy trình đồng bộ, đào tạo nhân viên trở thành một vấn đề lớn, nhất là tại các khu vực vùng sâu, vùng xa…

CHƯƠNG 3. KHẢ NĂNG ỨNG DỤNG MOBILE MONEY CỦA SINH VIÊN CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC TRÊN ĐỊA BÀN HÀ NỘI

Một phần của tài liệu NGHIÊN cứu ỨNG DỤNG MOBILE MONEY của SINH VIÊN các TRƯỜNG đại học TRÊN địa bàn hà nội (Trang 38 - 41)