Xác định mục tiêu và nội dung trọng tâm bài học

Một phần của tài liệu ỨNG DỤNG PHẦN MỀM ISPRING ĐỂ RÈN KĨ NĂNG ĐỌC HIỂU CHO HỌC SINH LỚP 5 10600738 (Trang 50 - 52)

7. Cấu trúc của đề tài

3.2.2.1. Xác định mục tiêu và nội dung trọng tâm bài học

Mục tiêu (MT) bài học theo chương trình Ngữ văn hiện hành thường được xác định bằng 3 nội dung: kiến thức, kĩ năng, thái độ. Mục tiêu bài học theo CT 2018 cần xác định 2 nội dung: phẩm chất và năng lực. Nhưng cần lưu ý phẩm chất và năng lực cần gắn chặt với nội dung bài học, từ nội dung bài học, không

nêu chung chung. Theo yêu cầu tích hợp của chương trình mới, bài học không chỉ tích hợp nội dung mà còn cả tích hợp các kĩ năng (đọc, viết, nói và nghe). Như thế MT của bài học tích hợp đã bao hàm MT của các tiết học đọc, viết, nói và nghe. Tuy vậy mỗi tiết học phải tập trung vào MT chính của tiết học ấy; chẳng hạn: MT của tiết đọc hiểu văn bản là hiểu văn bản và biết cách đọc văn bản.

Việc xác định MT bài học cần gắn chặt với việc tổ chức các hoạt động dạy học bên dưới theo nguyên tắc: cái gì đã đặt ra ở MT thì phải có hoạt động dạy học ở dưới để thực hiện được MT ấy. Vì thế 1 bài học phải cân nhắc chỉ nêu một vài MT trọng yếu, không nên quá nhiều, quá xa, không gắn với nội dung bài học.

Mục tiêu chủ yếu của dạy đọc trong nhà trường phổ thông là giúp học sinh biết đọc và tự đọc được văn bản; thông qua đó mà bồi dưỡng, giáo dục phẩm chất, nhân cách học sinh. Vì thế khi dạy đọc hiểu văn bản, GV cần yêu cầu học sinh đọc trực tiếp toàn bộ văn bản, đọc hướng tới khách thể (tác phẩm, tác giả) và cách đọc hướng tới chủ thể (người đọc); chú ý quan sát các yếu tố hình thức của văn bản, từ đó có ấn tượng chung và tóm tắt được nội dung chính của văn bản; tổ chức cho học sinh tìm kiếm, phát hiện, phân tích, bước đầu suy luận ý nghĩa các thông tin, thông điệp, quan điểm, thái độ, tư tưởng, tình cảm, cảm xúc,... được gửi gắm trong văn bản; hướng dẫn học sinh liên hệ, so sánh giữa các văn bản, bước đầu kết nối văn bản với bối cảnh lịch sử, văn hoá, xã hội, kết nối văn bản với trải nghiệm cá nhân học sinh, ... để hiểu sâu hơn giá trị của văn bản, biết vận dụng, chuyển hoá những giá trị ấy thành niềm tin và hành vi ứng xử của cá nhân trong cuộc sống hàng ngày.

Văn bản văn học cũng là một loại văn bản, nên cũng cần tuân thủ cách đọc hiểu văn bản nói chung. Tuy nhiên, văn bản văn học có những đặc điểm riêng vì thế giáo viên cần tổ chức cho học sinh bước đầu tìm hiểu, giải mã văn bản văn học theo một quy trình phù hợp với đặc trưng của văn bản nghệ thuật. Học sinh cần được hướng dẫn, luyện tập đọc tác phẩm văn học theo quy trình từ tri nhận văn bản ngôn từ thế giới hình tượng nghệ thuật và hiểu nội dung ý nghĩa; có ý thức diễn giải mối quan hệ giữa cái “toàn thể” và chi tiết “bộ phận” của văn bản.

Phương pháp dạy đọc phải tập trung kích hoạt việc đọc tích cực, sáng tạo ở chủ thể đọc. Hướng dẫn và khích lệ học sinh chủ động, tự tin, phát huy vai trò “đồng sáng tạo” trong tiếp nhận tác phẩm; bước đầu biết so sánh đối chiếu, liên hệ mở rộng, huy động vốn hiểu biết cá nhân, sử dụng trải nghiệm cuộc sống của bản thân để đọc hiểu, trải nghiệm văn học, phát hiện những giá trị đạo đức, văn hoá và triết lí nhân sinh, từ đó biết vận dụng, chuyển hoá thành giá trị sống. Khi dạy học đọc hiểu, giáo viên cần chú ý giúp các em tự phát hiện thông điệp, ý nghĩa, góp phần lấp đầy “khoảng trống” của văn bản. Giáo viên cần có những gợi ý, nhưng không lấy việc phân tích, bình giảng của mình thay thế cho những suy nghĩ của học sinh; tránh đọc chép và hạn chế ghi nhớ máy móc. Sử dụng đa dạng các loại câu hỏi ở những mức độ khác nhau để thực hiện dạy học phân hóa và hướng dẫn học sinh đọc hiểu văn bản, hình thành kĩ năng đọc.

Một phần của tài liệu ỨNG DỤNG PHẦN MỀM ISPRING ĐỂ RÈN KĨ NĂNG ĐỌC HIỂU CHO HỌC SINH LỚP 5 10600738 (Trang 50 - 52)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(70 trang)